iGeneration - Thế hệ chìm đắm trong cô đơn

16/10/2017 - 16:17

PNO - Số người trẻ cảm thấy cô đơn liên tục tăng dần từ năm 2012 đến nay. Tương tự là sự chán chường, tuyệt vọng. Các chỉ số của tình trạng này tăng đột biến như độ dốc của một đỉnh núi.

Tuy là một nhà xã hội học đã hơn 25 năm nghiên cứu về sự khác biệt giữa các thế hệ, nhưng Jean M Twenge vẫn vô cùng ngạc nhiên bởi tình trạng sức khỏe tâm thần mà tuổi vị thành niên đang chịu đựng.

Thế hệ internet (iGeneration), được miêu tả ngắn gọn là những người vẫn còn trong độ tuổi đến trường - cô đơn, lo lắng, thích ở trong nhà, quan hệ xã hội chủ yếu qua điện thoại. Liệu điện thoại thông minh có phải là thủ phạm?

iGeneration  - The he chim dam trong co don
 

Lệ thuộc smartphone

Khi Jean gọi cho Athena, một cô bé 13 tuổi, vào một trưa hè, giọng cô bé còn đang ngái ngủ. Được hỏi thích làm gì với bạn bè, Athena đáp gọn: “Tụi con mua sắm với nhau”. Nhưng, khác với các thế hệ trước, bố mẹ chở con cái đến điểm hẹn và để con tự do với bạn bè trong vài tiếng, thì Athena đi mua sắm cùng mẹ và em trai, nhưng luôn đi sau họ vài bước và cứ khoảng 30 phút lại check in để thông báo với bạn bè trên mạng xã hội. Và cô gọi đó là “mua sắm cùng nhau”.

Athena cho biết, cô bé giao tiếp với bạn bè qua điện thoại nhiều hơn là gặp mặt trực tiếp. Phần mềm ứng dụng yêu thích của họ là Snapchat, cho phép gửi hình ảnh cho nhau và xóa hình ảnh rất nhanh. Giới trẻ đặc biệt thích ứng dụng “đầu lọc chú chó” của Snapchat, giúp họ gắn thêm tai và mũi chó vào những tấm hình của mình.

Họ theo dõi sát sao nhật ký Snap (Snapstreak) để nắm rõ họ đã trao đổi với nhau bao nhiêu ngày liên tiếp trên điện thoại. Suốt mùa hè, Athena gần như chỉ ở trong phòng với chiếc điện thoại. 

Từ kinh nghiệm nghiên cứu về các thế hệ, Jean nhận thấy sự khác nhau giữa thế hệ X và thế hệ Y (thế hệ thiên niên kỷ) được xác lập một cách tăng dần đều, theo độ dốc của một ngọn đồi nhỏ rồi mới đến đỉnh điểm. Nhưng từ khoảng năm 2012, cô nhận ra đã có một sự thay đổi đột ngột đến chóng mặt trong cách cư xử và thể trạng tinh thần của trẻ vị thành niên.

Điển hình là tình trạng cô đơn. Số người trẻ cảm thấy cô đơn liên tục tăng dần từ năm 2012 đến nay. Tương tự là sự chán chường, tuyệt vọng. Các chỉ số của tình trạng này tăng đột biến như độ dốc của một đỉnh núi. Như vậy, điều gì đã xảy ra vào năm 2012?

Đó là năm mà theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Pew, số người Mỹ sở hữu điện thoại thông minh vượt qua mức 50% và hình ảnh thường thấy ở những nơi công cộng là ai cũng cắm mặt chăm chú nhìn vào điện thoại của mình. 

Thế hệ iGen sinh từ năm 1995 đến 2012, lớn lên cùng sự phát triển của điện thoại thông minh, sở hữu trang Instagram trước khi vào trung học cơ sở. Họ là thế hệ đầu tiên qua tuổi dậy thì với chiếc điện thoại thông minh trong tay. Smartphone đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của những người trẻ, chi phối cách họ sử dụng thời gian, cách nhìn và ứng xử với tất cả các vấn đề trong cuộc sống như chính trị, tôn giáo, giới tính...

Họ ám ảnh về sự an toàn và lo sợ về tương lai kinh tế của mình. Họ không có sự kiên nhẫn về sự bất bình đẳng giới tính, màu da. iGen ít khi ra ngoài mà không có bố mẹ theo cùng, một khuynh hướng hoàn toàn khác so với các thế hệ trước. Các thống kê cho thấy trong năm 2015, số người ở độ tuổi 18 ra ngoài ít hơn so với số người 14 tuổi trong năm 2009.

Họ cũng hẹn hò ít hơn: chỉ một nửa học sinh trung học thế hệ iGen bắt đầu hẹn hò so với số người cùng tuổi của thế hệ X. Hệ quả là họ quan hệ tình dục ít hơn hẳn các thế hệ trước, số trẻ mang thai giảm hơn phân nửa so với những năm 90. Các cột mốc đánh dấu sự trưởng thành như có bằng lái xe và có công việc ăn lương của họ cũng chậm hơn các thế hệ trước.

Lạc lõng trên mạng

Với iGen, tuổi thơ như kéo dài hơn, sự bảo bọc cũng lâu hơn. Tuổi 13, thậm chí là 18, họ vẫn hiếm khi cư xử như người lớn, không hẳn theo nghĩa kém trưởng thành mà là theo cách ít độc lập hơn. Đáng lo ngại nhất là iGen sử dụng thời gian rảnh rỗi một mình thay vì vui chơi với bạn bè. Và tất nhiên, họ dành thời gian đó cho chiếc điện thoại. Tình bạn trên mạng thay thế dần tình bạn ngoài đời.

Nhiều người cho rằng việc đó vô hại, miễn họ có tiếp xúc với người khác là được, bằng cách nào thì không quan trọng. Nói như thế là đã quên rằng, những quyết định trong cuộc sống vẫn còn chủ yếu dựa vào con người. Trong thập niên tới, chúng ta có thể phải chứng kiến những người trẻ rất thông thạo các ký hiệu tình cảm (emoji) nhưng hoàn toàn lúng túng khi phải giải mã các biểu hiện thật trên khuôn mặt.

Một nghiên cứu đáng tin cậy đã chỉ ra, trẻ sử dụng ít thời gian trên mạng luôn cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với trẻ dành toàn thời gian rảnh rỗi với chiếc điện thoại thông minh. 

Trên lý thuyết, mạng xã hội là để kết nối con người với nhau, facebook cũng cam kết sẽ giúp người sử dụng bớt cô đơn và có bạn bè ở mọi nơi; nhưng thực tế thì… khác hẳn. Số trẻ sử dụng mạng thường xuyên lại là những người luôn đánh dấu vào câu: “Tôi thường cảm thấy cô đơn”, “Tôi thường cảm thấy bị bỏ rơi”,  “Tôi thường ước tôi có nhiều bạn tốt”… trong các bản khảo sát.

Những trẻ giao lưu với bạn bè ngoài đời hoặc chơi thể thao thường xuyên lại ít cảm thấy cô đơn. Các vấn đề về tình trạng sức khỏe tâm thần ở trẻ em gái cũng đang tăng dần một cách đáng lo ngại. Giữa năm 2011-2015, số lượng các em nam có vấn đề về tinh thần tăng 23%, trong khi con số này là 63% ở các em nữ - gần gấp đôi.

Nghiên cứu cho thấy, các em nữ sử dụng mạng nhiều hơn các em nam. Dù con số tự tử ở nam cao hơn (do các em sử dụng các biện pháp quyết liệt hơn), nhưng con số ở các em nữ đang dần tăng lên ngang ngửa.

Jean nhấn mạnh trong kết luận của mình: sự tách bạch giữa các hoạt động có hoặc không liên quan đến màn hình điện thoại có sự khác biệt rõ rệt: trẻ sử dụng nhiều thời gian với điện thoại sẽ cảm thấy chán chường nhiều hơn so với trẻ có các hoạt động khác. 

Vài số liệu về trẻ vị thành niên ở Anh

• 90% số người Anh ở độ tuổi 16-25 sở hữu điện thoại thông minh.

• Trẻ từ 16-24 tuổi có hơn 27 tiếng/tuần trên mạng, gần gấp ba lần so với 10 năm trước.

• Năm rồi, đường dây nóng dành cho trẻ em Childline đã nhận hơn 4.000 cuộc gọi từ trẻ em, nhỏ nhất là 6 tuổi, cho biết mình cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi.

• Trong năm 2016, 169 trẻ nam và 63 em nữ ở tuổi 10-19 tự sát - con số cao nhất trong 14 năm qua.

• 1 trong 10 trẻ ở độ tuổi 11-18 kiểm tra điện thoại ít nhất 10 lần/đêm.

Phan Quỳnh Dao
(theo Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI