Idol “nhí” và những khoảng trống pháp lý

23/09/2023 - 06:13

PNO - Ở Việt Nam, không hiếm trẻ nổi tiếng như H.K. Có bé chưa đến tuổi đi học nhưng đã sở hữu kênh riêng với hàng triệu lượt theo dõi.

“Tìm các bé nổi tiếng, có nhiều người theo dõi để chốt đơn hàng”. Lời rao tuyển này trên Facebook tối 16/9 nhận được hàng trăm lượt bình luận chỉ sau gần 1 giờ đăng. Hiện có nhiều trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội, được các nhãn hàng săn đón, mời hợp tác kiếm tiền, đặt ra dấu hỏi về quyền lợi và sự an toàn của các em.  

Trẻ hái ra tiền nhờ mạng xã hội

Rất dễ dàng tìm thấy các mẩu tuyển dụng như trên để quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội (YouTube, TikTok, Facebook). Người có nhu cầu cho con em mình tham gia các video quảng cáo, quay phát trực tiếp (live stream) bán hàng hay chụp hình giới thiệu sản phẩm cũng đông bởi đây là công việc hái ra tiền. Một đứa trẻ có thể được nhãn hàng chi vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng khi quảng cáo sản phẩm.

Một bé gái live stream bán hàng trên YouTube và TikTok
Một bé gái live stream bán hàng trên YouTube và TikTok

Đang là học sinh tiểu học ở TPHCM nhưng H.K. sở hữu kênh YouTube có hơn 100.000 người đăng ký. Mỗi video có sự xuất hiện của K. trên các nền tảng mạng xã hội cũng thu hút từ vài chục ngàn đến vài triệu lượt xem. Không chỉ xuất hiện trong các video ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường ngây thơ, vui nhộn, H.K. còn có mặt trong rất nhiều buổi live stream bán quần áo và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em.

Kỹ sư Trần Việt Pháp - chuyên gia bảo mật, làm việc ở TPHCM - đánh giá, với lượng người xem kênh đông và ổn định như trên, thu nhập từ kênh YouTube, từ việc quảng cáo nhãn hàng, live stream bán hàng của K. không dưới 50 triệu đồng/tháng: “Nhưng đổi lại, cậu bé này phải lao động rất nhiều bởi để có 1 video 3 phút đăng trên mạng, phải mất nhiều giờ diễn xuất, quay và dàn dựng”.

Ở Việt Nam, không hiếm trẻ nổi tiếng như H.K. Có bé chưa đến tuổi đi học nhưng đã sở hữu kênh riêng với hàng triệu lượt theo dõi. Sự nổi tiếng thường đi kèm với nguồn lợi về tài chính. Chị Lê Thị Hồng Ngọc (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, một đơn vị bán thức uống cho trẻ em đã bỏ ra 30 triệu đồng để ký hợp đồng sử dụng hình ảnh của con gái chị trong 1 video quảng cáo dài 3 phút. Việc lên kịch bản, quay phim do nhãn hàng đảm nhiệm, chị chỉ việc cho bé đi quay và đăng lên kênh YouTube, TikTok của bé.

Con gái chị Hồng Ngọc nổi tiếng sau khi dì ruột của bé quay và đăng video cảnh bé học tiếng Anh. Với vẻ mặt thông minh, lanh lợi, đối đáp nhanh, bé gái 4 tuổi này đã khiến nhiều người xem thích thú. 2 năm qua, chị Hồng Ngọc được rất nhiều đơn vị đặt vấn đề hợp tác quảng cáo. Nhưng cũng không ít lần, gia đình chị gặp phiền hà khi hình ảnh con gái mình bị cắt ghép tùy tiện để quảng cáo cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, buộc chị phải nhờ luật sư can thiệp.

Trên các mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube, có vô số video trẻ em giới thiệu sản phẩm, bán hàng hoặc xuất hiện trong các video quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong đó, có cả cảnh trẻ em ăn mặc hở hang, nhảy những điệu nhảy gợi cảm để thu hút lượt xem, thích, chia sẻ. 

Những ngày gần đây, hình ảnh một đứa trẻ bị bại não xuất hiện cùng mẹ mình trong các buổi live stream bán hàng đến tận khuya đã khiến cộng đồng mạng bức xúc. Nhiều người cho rằng, bắt một đứa trẻ khuyết tật xuất hiện trong các buổi live stream để thu hút lượt xem, tăng lượng tương tác, mua hàng là một hành động phản cảm; để đứa bé khóc lóc, kêu gào hàng giờ trên video quay phát trực tiếp là một hành động ngược đãi trẻ em.

Cần có quy định bảo vệ trẻ trên mạng

Kỹ sư Trần Việt Pháp cho rằng, những khoản thu nhập mà các thần tượng “nhí” mang lại đang có sức hút lớn đối với không ít phụ huynh. Để trẻ được nổi tiếng hoặc liên tục nhận được sự quan tâm, phụ huynh hoặc người quản lý tài khoản mạng xã hội của trẻ phải liên tục đăng hình ảnh, video của trẻ lên mạng xã hội. Đây có thể được xem là một dạng bóc lột lao động trẻ em, xâm hại đời tư, gây mất an toàn cho trẻ.

Một bé gái sở hữu kênh YouTube có hàng trăm ngàn lượt theo dõi đang chụp ảnh quảng cáo cho một nhãn hàng thực phẩm chức năng dành cho trẻ em
Một bé gái sở hữu kênh YouTube có hàng trăm ngàn lượt theo dõi đang chụp ảnh quảng cáo cho một nhãn hàng thực phẩm chức năng dành cho trẻ em

“Hiện nay, chưa có điều khoản nào giới hạn thời gian xuất hiện của trẻ em trong 1 buổi live stream, chưa có quy định mặt hàng nào không được xuất hiện kèm với trẻ em, cũng chưa có giới hạn tần suất xuất hiện trẻ em trên một kênh mạng xã hội. Nhưng rõ ràng, việc xuất hiện dày đặc trong các video hay các buổi live stream bán hàng cho thấy đứa trẻ đó đang bị bóc lột” - kỹ sư Trần Việt Pháp nói.

Theo ông, một số nước ở châu Âu đã xây dựng các điều luật chặt chẽ để tránh việc trẻ em bị bóc lột trên mạng. Như ở Pháp, những em nhỏ có ảnh hưởng trên mạng xã hội có quyền yêu cầu các nền tảng mạng gỡ bỏ hình ảnh của mình khỏi internet mà không cần sự đồng ý của cha mẹ. Ngoài ra, trẻ cũng chỉ được làm việc trong một thời gian nhất định và thu nhập sẽ được giữ trong tài khoản cho đến khi chúng đủ 16 tuổi và có quyền tự quyết.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, hình ảnh của trẻ em thuộc quyền bí mật đời sống riêng tư. Theo đó, muốn đưa thông tin, hình ảnh của trẻ em lên mạng, phải có sự đồng ý của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và họ chịu trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của đứa trẻ. 

Tuy nhiên, hiện chưa có điều luật nào quy định rõ trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi đưa hình ảnh trẻ lên mạng xã hội hay cho trẻ tham gia các hoạt động trên mạng xã hội để hưởng lợi.

Do đó, theo ông, chưa có quy định xử lý đối với trường hợp gia đình cho trẻ làm nhân vật trong các đoạn phim quảng cáo không phù hợp lứa tuổi hay bắt trẻ khuyết tật xuất hiện trong video kéo dài hàng giờ để kêu gọi sự ủng hộ của khách hàng. Ông nói: “Đang thiếu những quy định pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trẻ em đang tham gia mạng xã hội ngày càng đông, nên việc ban hành các quy định để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng là hết sức cấp thiết”. 

Trung Quốc hạn chế trẻ tiếp xúc điện thoại, live stream 

Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) vừa đưa ra dự thảo quy định hạn chế thời gian sử dụng điện thoại hằng ngày theo độ tuổi. Theo đó, nhà sản xuất thiết bị di động, ứng dụng và cửa hàng ứng dụng phải tích hợp sẵn “chế độ nhỏ”. Chế độ này không cho phép người dưới 18 tuổi truy cập điện thoại di động trong khoảng thời gian từ 22g đến 6g sáng hôm sau; chỉ cho phép trẻ em dưới 8 tuổi sử dụng điện thoại 40 phút, từ 8-16 tuổi được sử dụng điện thoại trong 1 giờ, từ 16-18 tuổi được sử dụng 2 giờ mỗi ngày. Tất cả nhóm tuổi sẽ nhận được lời nhắc nghỉ ngơi sau khi sử dụng thiết bị của họ trong hơn 30 phút.

Nếu dự thảo này được thông qua, đây sẽ là sự mở rộng các biện pháp nhằm hạn chế thời gian sử dụng thiết bị của trẻ em. Trước đó, năm 2022, CAC đã ra quy định nghiêm cấm người dưới 16 tuổi quay phát trực tiếp, người từ 16 tuổi tới 18 tuổi cần được cha mẹ hoặc người giám hộ cho phép. Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số nâng cấp tính năng dành riêng cho trẻ vị thành niên, có chế độ kiểm duyệt nội dung để đảm bảo trẻ có đủ thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, các nền tảng kỹ thuật số cũng được yêu cầu xóa các nội dung liên quan đến trẻ vị thành niên, bao gồm trò chơi, gây quỹ, bạo lực và phản cảm.

Hoàng Lâm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI