Ngay khi chương trình Vietnam Idol Kids mùa đầu tiên còn chưa kết thúc, Gia Khiêm đã thành “soái ca”, được các nhãn hàng, các hãng phim… săn đón. Không chỉ chinh phục khán giả bằng giọng hát, ở Khiêm còn có một sự ấm áp mà bất cứ ai nhìn vào cũng đều cảm nhận được. Với người lần đầu tiếp xúc, hình ảnh đáng nhớ ở Gia Khiêm là nụ cười và mái tóc xoăn - tác phẩm của bố Khiêm, chủ một tiệm tóc ở Hà Nội. Hai điều đó đã tạo cho Khiêm ngoại hình “chuẩn hotboy”.
Chưa hết, cậu bé 10 tuổi này còn nhiều điều có thể gây ngạc nhiên. Không như nhiều thí sinh ở các sân chơi ca hát nhí, hầu hết đều bộc lộ năng khiếu ca hát từ bé, khi con trai sáu tuổi bố mẹ Gia Khiêm mới biết con mình thích hát. Đó là lúc Khiêm vọc vạch lên internet, xem được vài clip âm nhạc, vài bài hát bắt tai. Thấy con thỉnh thoảng hát theo mấy bài hát được nghe qua đâu đó, mẹ Khiêm đề nghị: “Mẹ cho con đi học hát nhé?”. Khiêm gật đầu.
Chuyện bắt đầu đơn giản như thế, Khiêm đến học hát tại một trung tâm như bao đứa trẻ khác. Có môi trường, Khiêm bộc lộ dần năng khiếu, cứ như thể cậu sinh ra là dành cho sân khấu. Tham gia Giọng hát Việt nhí 2015, Khiêm dừng lại khá sớm, nhưng lần đầu “ứng thí” này đã giúp bố mẹ Khiêm nhìn rõ hơn đam mê của con.
Mỗi khi bước lên sân khấu, Khiêm lại như biến thành một người khác. “Tôi nuôi con 10 năm nhưng ngày thường chưa hề thấy con có nụ cười như nụ cười trên sân khấu. Bước lên sân khấu là Gia Khiêm như quên hết tất cả”, chị Oanh - mẹ Gia Khiêm nói. Không phải vì Khiêm đã dày dạn sân khấu, mà ngay lần đầu tiên biểu diễn, Khiêm đã như thế, làm cho người mẹ “không thể nhận ra con mình”.
Ở vòng loại Vietnam Idol Kids, đến lượt biểu diễn, con hớn hở bao nhiêu thì mẹ căng thẳng bấy nhiêu. Rồi vào vòng chung kết, việc hát live áp lực là thế nhưng Khiêm cứ làm nhẹ như không. Cũng như bao lần khác, lên sân khấu là Khiêm hát và nhảy thoải mái, hồn nhiên như thể đang đứng ở nhà mình, trước mặt là bố mẹ chứ không phải là các vị giám khảo và hàng trăm khán giả. Sự thoải mái đó giúp Khiêm tạo được sức hút, trở thành gương mặt quảng cáo được nhiều nhãn hàng quan tâm.
Chính vì cái sự “diễn như không” của Khiêm mà mẹ em quyết định không cho con theo học lớp diễn xuất, như nhiều người đã khuyên. Khi nhận kịch bản, chị chỉ nói với con: “Con thấy thế nào thì cứ làm thế ấy”. Thật ra, chỉ khi hát, khi diễn Khiêm mới tự nhiên như thể xung quanh không có ai, những lúc khác thì cậu bé đúng là một “ông cụ non” với cách quan sát và suy nghĩ già dặn đến kinh ngạc.
Ngày hai mẹ con khăn gói vào TP.HCM tham gia vòng chung kết Vietnam Idol Kids, xa nhà quá lâu nên cả hai đều nhớ quay quắt. Lúc ấy, trong khi mẹ buồn bã than thở: “Mẹ nhớ nhà quá, hay là con trượt đi để mẹ con mình về Hà Nội” thì Khiêm lại trở thành người động viên, với câu nói thường trực: “Cố gắng lên mẹ!”. Thật ra, Khiêm hồn nhiên thú nhận: “Tuần đầu tiên con cũng thấy buồn lắm, thấy thời gian sao trôi lâu thế. Nhưng mấy tuần sau thì thời gian lại như trôi nhanh quá”.
Trái ngược với người anh 14 tuổi hiền lành, nhút nhát, Khiêm rất linh hoạt, ghi nhớ và quan sát tốt. Đến mức, Khiêm đi với mẹ là anh Long - bố Khiêm, yên tâm giao… mẹ cho con trông chừng. “Đường sá cứ đi một lần là Khiêm nhớ. Tôi chở đi nhưng Khiêm là người chỉ đường, lo chuyện quẹo trái hay rẽ phải”, chị Oanh kể. Đến những nơi cần phải hỏi thăm, cần “ngoại giao” với người khác đều đã có Khiêm lo, mẹ không cần làm gì cả. Với cái cách như thế, cậu bé Khiêm cứ như một người đã trưởng thành, luôn kiểm soát tốt các tình huống quanh mình.
Có lần, một người phụ nữ nhận xét về Khiêm không tốt, Khiêm nghe nhưng làm như không biết, vẫn dành cho chị này nụ cười thật tươi. Về đến nhà, Khiêm mới kể cho mẹ nghe. Không dễ bức xúc, buồn giận, Khiêm như một người trưởng thành, hiểu cuộc sống là thế.
Biết Khiêm thích Trang Thư (thí sinh Gương mặt thân quen nhí 2016) nên thỉnh thoảng mẹ và các cô trong ngôi nhà chung (là mẹ của các thí sinh khác) lại trêu Khiêm là Trang Thư không xinh. Sau đó, mẹ Khiêm đã tá hỏa khi được phụ huynh khác kể lại việc Khiêm đã tìm cách gặp riêng chị để “nói chuyện”, rằng “em Trang Thư không xinh nhưng em rất dễ thương”.
Không trở thành quán quân của cuộc thi nhưng lượng fan của Gia Khiêm lại nhiều đến mức bất ngờ, nhất là những fan... sáu-bảy tuổi. Ngày nào cửa tiệm tóc của bố Khiêm cũng được nghe vài câu chuyện từ phụ huynh của những fan nhí ấy. Rằng, cứ mỗi khi bố mẹ đùa giả vờ chê Khiêm, các fan nhí lại phản đối: “Mẹ đừng nói anh như thế”, “Anh không phải như thế đâu”… Còn Khiêm, về nhà là vẫn quần thủng túi chạy nhảy khắp xóm, dù em được nhiều người yêu quý, thỉnh thoảng được ai đó gọi tên, đề nghị chụp hình chung. “Chúng tôi cũng lo con sẽ có suy nghĩ không đúng với việc nổi tiếng nên luôn tìm cách nói với con về điều đó”, chị Oanh bày tỏ.
Khiêm được mẹ dắt đi chợ để có dịp chào hỏi cô bán rau, chị bán trái cây… và nghe mẹ dặn dò: “Nhờ các cô mà con có rau, trái cây để ăn, có niềm vui trong cuộc sống, nên con phải trân trọng các cô. Cũng giống như con, là ca sĩ nghĩa là con mang tiếng hát đến mọi người, giúp mọi người vui”. Khiêm hiểu lời mẹ dặn, hiểu bố mẹ sẽ hỗ trợ ước mơ ca hát của mình, nhưng nếu mình muốn được hát, thì dứt khoát phải học giỏi. Điều kiện đó luôn được bố mẹ Khiêm giữ vững.
Sau Vietnam Idol Kids, Khiêm vẫn tiếp tục học hát, học nhạc cụ… thỉnh thoảng lại cùng mẹ vào Sài Gòn theo lời mời đóng quảng cáo. Hỏi Khiêm về kế hoạch sắp tới, ngỡ câu trả lời sẽ là một kế hoạch trẻ con nào đó, không ngờ lại là: Muốn vào Sài Gòn sống! Ngoài lý do thích Sài Gòn, Khiêm còn một lý do rất trẻ thơ khác là… sợ đi máy bay.
Những lúc được mời vào Sài Gòn đóng quảng cáo hay biểu diễn, khi bố mẹ xem xét lịch học, cân nhắc xem sức khỏe của con có đảm bảo không, thì Khiêm lại đi loanh quanh để hỏi mọi người là liệu mình có thể vào Sài Gòn bằng tàu hỏa hay xe đò hay không. “Con sợ máy bay lắm, nó cứ dằn dằn thế này này”, Khiêm diễn tả bằng một vẻ mặt khổ sở. Không chỉ mong muốn, Khiêm còn lên hẳn một “chiến lược”: Tiền đóng quảng cáo sẽ giúp bố mẹ mua một căn hộ ở Sài Gòn. “Hai tỷ là mua được căn hộ”, Khiêm nói. Khi được hỏi, có biết hai tỷ là bao nhiêu không, Khiêm nói không biết, chỉ là một lần đi taxi, Khiêm nghe chú tài xế nói chuyện nên biết như vậy và hình như “nó cũng không nhiều lắm”.
Mẹ Khiêm bật cười cho biết, đây không phải là lần đầu Khiêm khiến vợ chồng chị “phát sợ” bởi sự quan sát tinh tế. “Khiêm nắm bắt nhanh kinh khủng, đến nỗi vợ chồng tôi phải luôn nhắc nhau thật ý tứ khi nói chuyện mà có mặt con”. Không định hướng trước cho con, bố mẹ Khiêm nghĩ, để con phát triển tự nhiên mới quan trọng. Định hướng duy nhất của anh chị, không chỉ với Khiêm và còn cả anh trai Khiêm, là cả hai phải biết làm việc nhà. “Con biết vo gạo rồi này, biết lau nhà, rửa chén nữa”, Khiêm khoe.
Hình ảnh một người đàn ông chân chính được bố mẹ Khiêm khái quát: “Đó phải là người đàn ông biết chia sẻ việc nhà với vợ". Khiêm có một người bố chưa từng nề hà việc nhà, dù thường xuyên bù đầu với công việc. Nhờ tấm gương của bố mà Khiêm và anh trai chưa bao giờ “bất bình” với việc huấn luyện của mẹ. Trong căn nhà nhỏ của gia đình Khiêm, với tầng trệt là cửa tiệm tóc, tầng lầu là nơi sinh hoạt chung, chỉ có tiếng cười và sự sẻ chia.
Võ Hà