|
Nhờ biết “ích kỷ”, chị Hằng luôn có đủ thời gian để theo đuổi sự nghiệp giáo dục; sở thích đàn hát, vẽ, du lịch, làm đẹp… |
Một bữa, chị Hằng cùng con trai 13 tuổi đi cà phê cùng bạn. Cô bạn hỏi: “Thế chuyện cơm nước trong nhà bà thì ai nấu?”, chị Hằng cười đáp: “Đương nhiên là tui nấu rồi!”. Cậu con trai ngồi bên nghe vậy liền nói: “Đúng rồi, mẹ nấu hết, mẹ nấu toàn bộ nhưng ba là người nhặt rau, sơ chế đồ ăn, bóc hành bóc tỏi… còn con là người rửa chén, dọn dẹp”. Kể lại chuyện vui, chị Hằng nói rõ lý do vì sao chị luôn tận hưởng niềm vui trong chuyện nấu nướng vì đúng nghĩa chị chỉ… đứng nấu.
Nhưng, không phải lúc nào chị cũng vào bếp hay quàng trách nhiệm lên cho mình. Hôm nào chị không nấu cơm thì sẽ nhắn chồng tự lo cơm nước. Nếu thích đi du lịch với bạn bè, chị thông báo cho chồng con rồi tự đi. Muốn làm công việc gì, chị tự do chọn lựa. Chị theo đuổi con đường trở thành một người hoạt động năng nổ trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn dành nhiều thời gian cho bản thân.
Chị thoải mái điều hướng lịch trình để có thể đi spa làm đẹp, tụ tập bạn bè, nuôi dưỡng những sở thích như đàn hát, vẽ tranh, làm MC… Đặc biệt, chị luôn thích việc dưỡng da, tìm hiểu về những cách phối đồ thú vị, thích ngắm nhìn mình trong gương.
Dám ích kỷ không phải vì kiếm được nhiều hơn…
Nhìn cách sống rực rỡ, tươi mới của chị Hằng, nhiều người đặt câu hỏi: “Hằng chắc phải kiếm được nhiều tiền lắm?” bởi xưa nay vẫn có quan điểm cho rằng người nào trong nhà kiếm được nhiều tiền hơn thì mới có vai trò lớn hơn. Hay một phụ nữ chỉ có thể được thoải mái, tự do, nhận được sự nể trọng, dám ích kỷ nếu kiếm được nhiều tiền và “trên cơ chồng”.
Vậy nhưng, chị Hằng bác bỏ ngay quan điểm này: “Không liên quan gì đến việc mình kiếm được ít hay nhiều hơn mà đó là sự lựa chọn. Từ ngày đầu, tôi đã nói chuyện rất thẳng thắn với chồng. Tôi nói dù phụ nữ có thiên chức nên sẽ làm tốt hơn một số việc như nấu nướng, dọn dẹp…; ngược lại, đàn ông có xu hướng làm tốt hơn việc kiếm tiền, chinh chiến bên ngoài nhưng không có nghĩa phải phân định rạch ròi vai trò đó trong gia đình. Mọi thành viên phải có sự trao đổi qua lại, phối hợp nhịp nhàng với nhau”.
Chồng chị Hằng khá lớn tuổi so với vợ (hơn vợ 10 tuổi). Anh vẫn giữ nhiều tư tưởng cũ như thế hệ trước nên không hẳn đồng ý với quan điểm bình đẳng từ vợ. Song, chị Hằng cho rằng chồng không cần phải đồng thuận hết mọi thứ vì mục đích của việc đối thoại không phải là bắt ép người khác làm theo mình. Chị chỉ có nhu cầu bày tỏ về quan niệm sống và những giá trị sẽ theo đuổi.
13 năm bước vào hôn nhân, chị luôn kiên định với sự lựa chọn sống vui. Sau thời gian dài nghiên cứu và làm việc trong ngành giáo dục, từng viết sách, tiếp xúc với hàng ngàn cha mẹ, trẻ nhỏ, chị Hằng đúc rút: “Cách tốt nhất để một đứa trẻ trưởng thành và vững chãi nằm ở hạnh phúc của ba mẹ. Con sẽ nhìn vào cách mình sống để biết ứng xử, yêu thương và phản hồi với những mối quan hệ xung quanh”.
Vậy nên chị luôn muốn tạo ra bầu không khí bình yên trong gia đình, không nặng nề mệt nhọc vì những tiếng thở dài, cãi cọ hay trách cứ nhau. Các thành viên đều thoải mái tham gia vào mọi công việc. Ai cũng biết cách chăm sóc và chịu trách nhiệm cho cảm xúc, niềm vui của mình.
Chị Hằng kể: “Có bữa, vợ chồng tôi gặp một người bạn chung. Khi người bạn này nói về những vướng mắc trong hôn nhân, chồng tôi bèn đưa quan điểm mà tôi từng chia sẻ với anh về vai trò chồng - vợ ra để khuyên cô ấy… nên biết ích kỷ hơn. Tôi đã rất ngạc nhiên vì trước nay anh toàn im lặng khi tôi nói. Hóa ra anh đã tự ngấm, tự thấy những điều vợ nói là đúng, tôn trọng cách sống của vợ và cũng âm thầm thay đổi cho khớp”.
Có một quy luật là nước phải sôi đến 100 độ C mới bắt đầu chuyển hóa thành hơi nước. Nhiều người sẽ phải chờ đến một điểm bùng phát, một giới hạn mâu thuẫn thì mới quyết định sống khác đi. Tuy vậy, với chị Hằng, mọi việc diễn ra thật tự nhiên. Cách nhìn phóng khoáng về mối quan hệ đã có từ trước.
Chị nói: “Tôi từng nghe rất nhiều câu chuyện của những người luôn tập trung vào chồng mình, coi gia đình là toàn bộ sự nghiệp. Có điểm chung là những chị em này luôn than khổ, than vất vả, hay trách người khác vô tâm. Khi đó, tôi bắt đầu nhận ra sự sắp xếp trong nhà mình có nhiều điểm khác với các nhà xung quanh. Chính nhờ sự ích kỷ mà tôi luôn cảm nhận được hạnh phúc, sự cân bằng”.
|
Chị Hằng thích những chuyến đi riêng cùng bạn bè nhưng cũng trân trọng những trải nghiệm cả nhà bên nhau |
“Muốn tương lai con gái thế nào thì hãy sống như thế"
Vợ chồng chị Hằng có một người bạn tên M. Chị M. dù kiếm được nhiều tiền nhưng từ lúc yêu đến khi làm vợ đều chỉ đầu tư mọi thứ vào chồng. Chị Hằng kể, có bữa chị đến nhà bạn chơi, thấy bạn đi mua sắm về, bỏ hết túi đồ ra thì thấy toàn bộ trong đó đều là của chồng, của con, tuyệt nhiên không có món đồ nào của người mẹ. Khi chị Hằng bày tỏ sự ngạc nhiên, chị M. còn rất thích thú, thậm chí tự hào về sự chăm lo hết mình cho chồng con.
Đến một ngày, chồng chị M. có vài mối quan tâm khác giới bên ngoài. Dù chưa quá nghiêm trọng nhưng chị M. đã suy sụp. Cứ thế, chị M. chấp chới trong nỗi đau và có những dấu hiệu trầm cảm. Đỉnh điểm là có lần, khi đang chở con trên đường, thấy một chiếc xe tải chạy qua, chị M. đã muốn lao vào. May nhờ con gọi: “Mẹ ơi!”, chị mới giật mình thắng gấp.
Sợ hãi với những ý nghĩ làm hại bản thân, chị M. tìm đến chị Hằng để trò chuyện. “Chúng tôi ngồi từ 9g sáng đến 4g chiều nhưng chỉ có… bạn nói. Tôi ngồi lặng yên nghe bạn tâm sự. Bạn tôi cứ thế trút hết nỗi niềm và rồi càng nhìn lại cách sống từ trước đến nay, bạn càng hiểu ra mọi thứ.
Sau cùng, bạn nói: “Tui biết tui sai ở đâu rồi. Chính vì tui cứ mải kiếm tiền, thương yêu chồng con, đối xử với 2 bên gia đình hết lòng hết dạ nên ổng quá yên tâm về tui. Ổng không sợ mất tui. Bà biết không, khi xảy ra chuyện, tui có hỏi chồng: “Anh nói thật lòng coi em có điểm nào chưa được?” thì ổng nói: “Không. Em quá tốt, không có gì để chê hết!”. Bây giờ tui mới hiểu ra, cái gì cũng tốt mới là vấn đề”.
Chị Hằng chỉ nói với bạn một điều: “Bà cũng có con gái. Thử tưởng tượng xem bà muốn con gái mình sau này trở thành người như thế nào thì hãy sống đúng như thế”.
Sau hôm đó, chị M. bắt đầu… ích kỷ hơn. Chị biết dùng tiền mình kiếm được để đầu tư vào bản thân. Chị bắt đầu biết đến spa, đi làm tóc, mua sắm áo quần, mở rộng mối quan hệ, đọc sách, tìm hiểu về tâm lý… Chị cũng hiểu rằng yêu thương bản thân vốn không nằm ở vẻ bề ngoài mà còn cần phải xây đắp những giá trị từ bên trong. Khi chị M. biết buông “sự nghiệp gia đình” xuống, chồng chị bắt đầu sợ mất vợ. Anh có nhiều việc hơn để làm trong nhà và dần học cách thay đổi để… giữ vợ.
Sau hơn 4 tháng, chuyện trong nhà chị M. đã ổn, sóng gió đã qua. Kể lại chuyện của bạn, chị Hằng nói: “Những cô gái trẻ ngày nay rất hiện đại, biết sống cho chính mình nhiều hơn. Tuy nhiên, những phụ nữ ở thế hệ chúng ta vẫn chưa biết cách giải phóng bản thân. Họ vẫn chưa hiểu được bản chất vấn đề của việc độc lập cảm xúc, ngừng coi gia đình là công trình để phấn đấu, vun đắp để rồi đến lúc xảy ra chuyện thì suy sụp, khủng hoảng”.
Vẫn có nhiều quan điểm phán xét do chỉ hiểu bề nổi của từ “ích kỷ”. Thực tế bản chất “ích kỷ để hạnh phúc” là biết sống cho mình, làm những điều bản thân cảm thấy hạnh phúc. Ai cũng nên biết rằng cảm xúc là thứ chân thật nhất, mình không thể điều khiển. Nếu có những cảm xúc buồn, tiêu cực thì cũng không việc gì phải tự trách chính mình hay giấu đi… Mỗi người nên học cách quản lý hành vi chứ không phải cảm xúc.
Cuối cùng, chị Hằng cho rằng sai lầm nhiều phụ nữ thường mắc là luôn muốn chăm lo cho chồng con hạnh phúc mà quên mất rằng mình không thể cho đi thứ mình không có. Do đó, ích kỷ, vun vén hạnh phúc cho bản thân cũng là giúp người khác hạnh phúc hơn.
Cát Tường