Ít nhất 427 người chết trong 4 ngày ở Pakistan vì nắng nóng

28/06/2024 - 21:04

PNO - Theo một nghiên cứu mới, hơn 60% dân số thế giới đã phải chịu đựng đợt nắng nóng khắc nghiệt do khủng hoảng khí hậu trong suốt 9 ngày vào giữa tháng Sáu.

Nắng nóng kèm theo mất điện và thiếu nước
Nắng nóng kèm theo mất điện và thiếu nước khiến cuộc sống người dân khốn khổ hơn

Thế giới nóng chưa từng thấy

Theo nghiên cứu do Climate Central công bố, khoảng 5 tỉ người sống trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt và khả năng này tăng gấp 3 lần do khủng hoảng khí hậu. Nghiên cứu này được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 16-24/6.

Andrew Pershing, Phó chủ tịch khoa học tại Climate Central, cho biết các đợt nắng nóng là một thảm họa. “Hơn một thế kỷ đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên đã "mang lại" cho chúng ta một thế giới ngày càng nguy hiểm”.

Tại Ấn Độ, nơi ghi nhận đợt nắng nóng dài nhất từ ​​trước đến nay vào mùa hè năm nay. Ít nhất 619 triệu người - tức hơn một nửa dân số của đất nước đông dân nhất thế giới - đã phải trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng, với nhiệt độ cao nhất lên tới 50 độ C và nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm là 37 độ C.

Theo số liệu chính thức, đợt nắng nóng dữ dội đã gây ra hơn 40.000 trường hợp say nắng và hơn 100 ca tử vong, nhưng con số này có thể còn cao hơn trong thực tế.

Trung Quốc cũng chứng kiến ​​nhiệt độ lên tới 50 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận vào tháng Sáu. Tại Ả Rập Xê Út , ít nhất 1.300 người đã tử vong vì các bệnh liên quan đến nhiệt độ trong cuộc hành hương Hajj, với nhiệt độ ở một số thành phố vượt quá 50 độ C.

Davide Faranda, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, cho biết: “Báo cáo của ClimaMeter nhấn mạnh rằng sức nóng chết người trong lễ Hajj năm nay có liên quan trực tiếp đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch và đã ảnh hưởng đến những người hành hương dễ bị tổn thương nhất”.

Nắng nóng khiến thị trường quạt làm mát ở Ấn Độ cháy hàng
Nắng nóng khiến thị trường quạt làm mát ở Ấn Độ cháy hàng

Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với các đợt nắng nóng liên tiếp, trong đó các tiểu bang phía Nam có nhiệt độ lên tới 52 độ C.

Địa Trung Hải cũng chịu ảnh hưởng khi Đền Acropolis của Hy Lạp phải đóng cửa sau khi nhiệt độ tăng lên trên 43 độ C. Theo báo cáo đã có 6 khách du lịch, bao gồm cả bác sĩ truyền hình Anh Michael Mosley, đã tử vong vì nắng nóng.

Ở Ai Cập, nhiệt độ gần 50 độ C đã dẫn đến tình trạng cắt điện hàng ngày để quản lý mức tiêu thụ năng lượng tăng đột biến.

“Các quốc gia giàu dầu mỏ trên toàn thế giới phải lắng nghe lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hiệp quốc và các nhà khoa học bằng cách quyết đoán chuyển đổi và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”, Imam Saffet Catovic, Giám đốc Hoạt động của Liên hiệp quốc cho biết. “Những loại nhiên liệu này gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Johnny White, luật sư tại ClientEarth, một tổ chức từ thiện về luật môi trường, cho biết: "Cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền con người trên toàn cầu. Tổn thất về nhân mạng và tổn hại đến sức khỏe của con người sẽ gia tăng nếu các nguồn phát thải mang tính hệ thống không kềm chế được. Nó sẽ gây ra những đợt nắng nóng nguy hiểm và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác".

Hàng trăm người chết mỗi ngày ở Pakistan khi chống chọi với mùa hè tàn khốc

Ít nhất 427 người đã thiệt mạng trong 4 ngày chỉ tại một thành phố ở Pakistan do đợt nắng nóng thiêu đốt Nam Á trong mùa hè này.

Tổ chức phi lợi nhuận Edhi Foundation cho biết họ đã tiếp nhận 427 thi thể trong 4 ngày tính đến thứ ngày 27/6 ở Karachi - thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của đất nước.

Những bệnh nhân phải nhập viện vì say nắng
Những bệnh nhân phải nhập viện vì say nắng

Faisal Edhi, người đứng đầu quỹ này cho biết: "Làn sóng nhiệt cực độ đã ảnh hưởng đến họ khi những người này phải dành cả ngày ngoài trời để tìm kiếm sự hỗ trợ".

“Chúng tôi có 4 nhà xác ở Karachi và chúng tôi đã đến giai đoạn không còn chỗ để lưu giữ thi thể”.

Ông Edhi cho biết tổ chức của ông đã nhận hơn 260 thi thể chỉ trong 2 ngày.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Sindh phía nam, đã báo cáo 23 trường hợp tử vong tại 3 bệnh viện nhà nước hồi đầu tuần.

Tỉnh Sindh đang trải qua một mùa hè khắc nghiệt với nhiệt độ gần kỷ lục 52,2 độ C vào tháng trước.

Nắng nóng lại gia tăng trong tuần này khi nhiệt độ vượt qua 40 độ C trong tuần này. Đợt nắng nóng kéo dài đã làm tăng áp lực lên lưới điện với tình trạng mất điện được ghi nhận trên khắp đất nước, khiến người dân càng nóng bức, say nắng hơn dưới nhiệt độ vô cùng khắc nghiệt.

Thảo Nguyễn (theo independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI