I am đàn bà: Sự trớ trêu của số phận

19/01/2017 - 13:28

PNO - I am đàn bà (biên kịch Việt Linh, đạo diễn NSƯT Hạnh Thúy, sân khấu Hồng Hạc) khiến người xem buốt lòng ngay khi vở diễn vừa mở màn.

Người phụ nữ nhỏ bé đang ngồi co ro bỗng giật thót người vì âm thanh lạnh lùng của cánh cửa sắt. Chị ngơ ngác nhìn người cai tù “xí xô” tiếng nước ngoài với một phụ nữ, để rồi oà khóc nức nở như đứa trẻ đi lạc lâu ngày vừa tìm gặp được cha mẹ khi nghe người phụ nữ xa lạ chào mình bằng tiếng Việt.

 Những ai chưa từng đọc truyện ngắn I am đàn bà của nhà văn Y Ban sẽ thắc mắc, vì sao người phụ nữ hiền lành, nhút nhát ấy lại bị kiện về tội quấy rối tình dục ông chủ, và chị đã cúi đầu nhận tội.

I am đàn bà trên sân khấu Hồng Hạc mang đến cảm xúc rất khác với nguyên tác. Không đơn thuần lý giải sai lầm vì một phút thiếu suy nghĩ của Sa là cảm xúc bản năng, I am đàn bà đặt góc nhìn gần gũi, nhân văn hơn với sự thấu cảm sâu sắc tâm trạng, nỗi khắc khoải và cả sự khát khao của người phụ nữ giữa bộn bề cuộc sống, giữa trách nhiệm và bổn phận của người vợ, người mẹ.

Không chứa những ngôn từ trần tục về sex như trong truyện ngắn, vở diễn là hành trình của cảm xúc, tâm lý. Thế nên, dù có đọc truyện ngắn, biết trước cái kết, người xem vẫn bị cuốn vào diễn tiến của câu chuyện để cùng vui, cùng buồn, cùng thổn thức với từng cung bậc cảm xúc của các nhân vật.

I am dan ba: Su tro treu cua so phan

Thương chồng lam lũ, thương hai đứa con lúc nào cũng mơ ước nhà có cái ti vi để khỏi đi coi ké nhà hàng xóm, Sa liều đăng ký thi tuyển đi lao động giúp việc nhà ở nước ngoài. Hai năm, cô đằng đẵng với những bức tường, với âm thanh loạn xạ từ các chương trình giải trí trên truyền hình và với người đàn ông sống thực vật sau một tai nạn giao thông.

Từ suy nghĩ đơn giản là phải làm thật tốt công việc của mình để không bị bà chủ trừ lương, Sa dần yêu thương gia đình chủ nhà vì cô chủ rất tốt với Sa, vì đứa con gái bé bỏng của họ lúc nào cũng quấn quýt Sa hệt như đứa con gái nhỏ của cô ở quê nhà… Là phụ nữ, Sa hiểu bi kịch của cô chủ - người phụ nữ trẻ đẹp, hừng hực tuổi xuân mỗi ngày chỉ có thể nói lời yêu thương, tìm hơi ấm từ một người chồng bất động, vô tri
vô giác.

Thương và biết ơn cô chủ, Sa chăm sóc ông chủ bệnh tật bằng cả trách nhiệm lẫn tình thương như của người mẹ dành cho con trai. Sa mừng còn hơn trúng số khi chứng kiến từng ngày sự hồi phục cả về cảm giác lẫn suy nghĩ của ông chủ… Mộc mạc, chân thật, Sa thể hiện niềm vui, sự mừng rỡ của mình với ông chủ, người duy nhất trong gia đình Sa có thể thoải mái nói bằng tiếng Việt mà không bận tâm ông ấy có hiểu và cũng chẳng cần câu trả lời.

Chính sự bất đồng trong ngôn ngữ đã đẩy Sa vào tình huống trớ trêu… “I am đàn bà”, câu thoại của Sa khép lại vở diễn làm người xem nghe lòng quặn thắt. 

Biên kịch Việt Linh đã thành công khi đưa bối cảnh câu chuyện về miền sông nước Nam bộ. Khâu dàn dựng đã tận dụng được lợi thế của điện ảnh trong cách xử lý ánh sáng, cảnh trí với dòng sông, chiếc ghe, mái lá và cả mảnh đất nhỏ chồng Sa kéo theo sau ghe cho Sa thỏa mãn ước mơ có được khoảnh đất trồng rau. Tính cách mộc mạc, thiệt thà của con người miền Tây là chất xúc tác, đong đầy cảm xúc cho người xem để thêm yêu hơn các nhân vật. 

Với I am đàn bà, “bà bầu” Việt Linh đã thành công khi mạnh dạn giao Sa, vai diễn có tâm lý phức tạp với nhiều lớp diễn gần như phải độc thoại cho Lê Chi Na, gương mặt còn khá mới với khán giả kịch nói. Sinh động trong biểu cảm bằng ánh mắt, nét mặt, biết cách giữ mạch tâm lý, cảm xúc, trong những suất diễn đầu, Sa của Lê Chi Na đã làm hài lòng khán giả và hứa hẹn còn đi xa hơn trong tương lai.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI