|
Vỉ a hè ở nhiều nơi trên địa bàn TPHCM đang bị chiếm dụng hết diện tích, không còn chỗ cho người đi bộ |
Nhà chỉ cách Trường THCS Trần Văn Quang (Q.Tân Bình, TPHCM) chừng một trăm mét nhưng suốt hai năm qua, ngày nào chị Nhi cũng phải dùng xe máy đưa đón con đi học vì vỉa hè ở đoạn đường này không thể đi bộ được. Sắp tới, nếu việc buôn bán trên vỉa hè được cấp phép, niềm hy vọng mong manh được nhìn thấy con mình đi bộ đến trường của chị Nhi cũng sẽ tan biến theo.
Ký cam kết cho… vui
Chị Nhi cho biết, hai năm trước, khi con gái lên lớp Sáu được học ở trường sát bên nhà, gia đình rất mừng vì không phải lo đưa đón cực khổ như trước. Thế nhưng, niềm vui thấy con đến trường chỉ vài phút đi bộ sớm tan biến, thay vào đó là nỗi bất an thường trực. “Hôm đó, tan trường, do vỉa hè bị chiếm hết, con gái tôi phải đi dưới lòng đường nên bị một chiếc xe máy tông thẳng từ phía sau, phải đưa vào bệnh viện. May mắn, cháu chỉ bị xây xát nhẹ”, chị Nhi nhớ lại. Chị kể tiếp, giọng vẫn còn bức xúc: “Người đi xe máy tông con tôi cứ la lối, sao không đi trên vỉa hè mà bước xuống lòng đường làm chi. Nhưng đoạn đường đó làm gì còn có vỉa hè mà đi”.
Từ lâu, con đường Ni Sư Huỳnh Liên chạy ngang qua Trường THCS Trần Văn Quang được người dân gọi là đường không vỉa hè, do bị các gia đình lấn chiếm làm mặt bằng kinh doanh, mua bán. Xen lẫn giữa rất nhiều cửa hàng tạp hóa chất đầy thùng mì tôm, bia, nước ngọt… ra đến tận mép đường là những mặt bằng kinh doanh cà phê, trà sữa có biển hiệu đặt đứng, hoặc kê quầy choán toàn bộ vỉa hè. Muốn ghé mua hàng, người dân buộc phải đậu xe ngay dưới lòng đường khiến con đường luôn trong tình trạng “giờ cao điểm” - ùn ứ xe cộ và nhức tai bởi tiếng bấm còi inh ỏi.
Thực trạng ở đường Ni Sư Huỳnh Liên nói trên cũng xảy ra ở khắp các tuyến đường trên địa bàn TPHCM. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, mua bán, thậm chí chiếm dụng cả lòng đường cho khách đậu xe hầu như chỗ nào cũng thấy. Có thể điểm qua những khu vực như: “phố nhậu” trên đường Đồng Đen (Q.Tân Bình), đường Hoàng Sa (Q.3) hay Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh - Q.Thủ Đức)…
Tại Q.1, dù gần trụ sở UBND quận, vỉa hè đường Nguyễn Du, đoạn giao với đường Đồng Khởi, nhiều năm qua tồn tại một số bãi đậu xe tự phát của các quán cà phê, quán ăn. Khách chỉ cần vừa đậu xe, lập tức có nhân viên bảo vệ dắt và xếp luôn trên vỉa hè. Cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh thức ăn nhanh, đồ uống cũng thi nhau trưng bộ mặt của quán bằng cách kê bàn ăn, ghế ngồi lấn chiếm ra vỉa hè. Ai đi bộ, ngang qua, chỉ có thể đi xuống lòng đường để lưu thông.
Dù theo quy định hiện nay, việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh, mua bán chỉ cho phép áp dụng tại một số tuyến đường nằm trong danh mục công trình và tuyến đường đặc thù như chợ đêm, khu phố ăn uống do UBND TPHCM phê duyệt, thế nhưng trên thực tế hầu như chỗ nào vỉa hè cũng bị lấn chiếm.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cũng cảm thấy ngao ngán. Ông kể, qua phản ánh của báo chí, mới đây, ông được Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu về làm việc và thị sát con đường Quản Trọng Linh dài chỉ hơn 1km, độc đạo dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền. Đến nơi, nhìn toàn bộ lòng đường, vỉa hè rộng gần 20m đã bị người dân chiếm dụng hết để buôn bán như một cái chợ tự phát, ông Tường cảm thấy ê chề và có phần bất lực.
“Chợ tự phát đó cản trở mọi hoạt động của chợ đầu mối Bình Điền. Từ nhiều năm trước, năm nào hai đơn vị quản lý cấp phường thuộc huyện Bình Chánh và Q.8 cũng đều ký liên tịch, cam kết dẹp chợ tự phát, trả lại lối lưu thông duy nhất cho chợ Bình Điền nhưng cũng nhiều năm, mỗi đơn vị chỉ mấy trăm mét đường vẫn không sao làm được” - ông Tường nói.
Ông Tường cho biết, năm 2019, UBND TPHCM giao Ban An toàn giao thông TPHCM làm “đầu mối” trực tiếp ký cam kết với chủ tịch UBND 24 quận, huyện về lập lại trật tự vỉa hè. Trong đó, các quận huyện thể hiện quyết tâm, cam kết thực hiện 157 tuyến đường được thông thoáng; sau đó, từ con số này sẽ từng bước nhân rộng, giành lại vỉa hè cho toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn thành phố. Nhưng kết quả, chỉ 20%/157 tuyến đường được xử lý. Việc ký kết, đốc thúc và phân chia trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, theo đó, đã không hiệu quả.
|
Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, nhiều điểm kinh doanh còn lấn chiếm luôn lòng đường nhưng không bị xử lý |
Khác nào “hợp thức hóa” cho cái sai
Tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm công khai khắp mọi nơi, nếu quy về trách nhiệm của chính quyền sẽ thấy được sự bất lực trong khâu quản lý. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, phía sau thực trạng này phải chăng có sự tiếp tay, bảo kê của những thế lực nào đó.
Một kỹ sư ở Hội Cầu đường cảng TPHCM lấy câu chuyện khu vực đang sinh sống để chứng minh cho việc này. Ông kể: “Gần nhà tôi có một số quán nhậu sử dụng toàn bộ vỉa hè để kinh doanh. Xe của khách dựng lấn xuống lòng đường khiến người dân không thể đi bộ trên vỉa hè ra công viên gần đó mà phải đi dưới lòng đường rất nguy hiểm”.
Qua tìm hiểu, vị kỹ sư nói trên biết được tuyến đường gần nhà không nằm trong danh mục đặc thù được cấp giấy phép sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường. Với chứng cứ này, ông đến gặp trực tiếp chủ quán để hỏi cho ra lẽ thì được người này nói như thách thức, muốn thắc mắc thì lên... phường mà hỏi.
Nhiều năm đi kiểm tra về an toàn giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tường cũng nhận thấy, tình trạng sử dụng sai giấy phép sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường xảy ra khá nhiều nhưng không thấy cơ quan nào kiểm tra, xử lý. “Nhiều năm nay, người dân chờ đợi một quyết định thể hiện sự quyết liệt hành động của chính quyền để giành lại vỉa hè. Nó cũng đồng nghĩa với việc trả lại bộ mặt mỹ quan vốn dĩ của thành phố nhưng chưa thực hiện được…”, một thành viên trong Ban An toàn giao thông TPHCM bày tỏ thêm.
Trong khi vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan gây nhiều bức xúc cho người dân, mới đây dự thảo quyết định ban hành Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM (do Sở Giao thông Vận tải thực hiện) lại khiến cho sự mong mỏi về cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ càng thêm mong manh, bế tắc. Cụ thể, dự thảo đi ngược lại với Thông tư số 04/2008 của Bộ Xây dựng về “Hướng dẫn quản lý đường đô thị” (chỉ một số công trình, tuyến phố đặc thù mới được phép sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa) khi cho phép các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều được sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường làm điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán.
Theo dự thảo, dù được cấp phép buôn bán kinh doanh nhưng phạm vi vỉa hè sẽ đảm bảo chiều rộng từ 3m trở lên, trong đó dành 1,5m cho người đi bộ… Song, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, việc duy trì khoảng trống cho người đi bộ ở những khu vực được cấp phép kinh doanh là khó khả thi. Thậm chí, việc cấp phép tràn lan cho sử dụng tạm thời vỉa hè sẽ dễ dẫn đến chuyện bảo kê cho các hoạt động sai phạm, gây rối loạn trật tự xã hội.
Luật sư Hậu phân tích: “Nếu nhìn vào dự thảo, sẽ dễ hình dung sai về bức tranh của thành phố vì cứ ngỡ vỉa hè thông thoáng là luôn có chỗ cho người đi bộ… Nhưng thực tế không phải vậy, vì lâu nay, thành phố đã không quản được hoạt động kinh doanh, mua bán ở vỉa hè thì làm sao sau khi cấp phép lại trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ được. Nếu ai có nhu cầu chỉ cần xin phép và được cấp phép thì chẳng khác nào “hợp thức hóa” cho việc lấn chiếm vỉa hè và cho phép lấn chiếm cả lòng đường! Khi mọi con đường của thành phố mà bất cứ ai xin cũng xin được giấy phép, không hạn chế nhóm đối tượng cụ thể, địa điểm, khu vực đặc biệt… là đi ngược lại các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn, trật tự giao thông”.
“Chỉ giùm chỗ nào mất vỉa hè mà an toàn…”
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, cho biết, việc cấp phép sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè là thuộc về các đơn vị khác nhưng trách nhiệm quản lý, đảm bảo trật tự giao thông từ lòng đường đến vỉa hè lại thuộc về Ban An toàn giao thông TPHCM.
Theo ông Tường, việc dự thảo hướng đến cấp phép tràn lan cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường vào mục đích kinh doanh, mua bán nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông thì phải chăng đang gây khó cho Ban an toàn giao thông. Ông lo lắng: “Hãy chỉ giùm tôi một tuyến đường nào có áp dụng thế này mà trật tự giao thông không bị ảnh hưởng?”.
|
Phong Vân