Hy vọng mong manh

03/06/2016 - 07:31

PNO - Em chỉ biết bám víu vào lời hứa “sẽ sửa đổi” của chồng để nuôi hy vọng, nhưng cái hy vọng của em sao mong manh quá!

Vị chủ tọa phiên tòa nói với em: “Đương sự nói còn thương vợ con, muốn hàn gắn. Lỗi lầm trước đây, anh ta hứa sẽ sửa đổi. Con của chị có nguyện vọng ở với mẹ lẫn cha. Chị cũng nên cho anh ta cơ hội. Chị nghĩ sao?”. Em nhìn chồng, nhìn con, rồi quay sang nhìn ba má như cầu cứu. Tôi vội nắm chặt tay em. Bàn tay lạnh toát. Ba em nói: “Quyết định thế nào là quyền ở con, nhưng phải cân nhắc con hy sinh vì một người chồng như vậy thì có xứng đáng không?”.

Chồng em không dám nhìn vợ, đầu cúi gằm, giọng lí nhí: “Anh hứa sẽ sửa đổi, thiệt đó! Em mà bỏ, chắc anh chết”. Bé Ben kéo áo em, giật giật: “Mình theo cha về đi mẹ”. Em thở dài. Tiếng thở như muốn trút hết mọi muộn phiền lại sau lưng. Giọng em nhẹ bẫng: “Ừ, mẹ con mình theo cha về”. Em giật tay khỏi tay tôi, quay sang đỡ chồng, dắt con, không dám quay nhìn ba má.

Hy vong mong manh
Ảnh minh họa

Lướt qua tôi, giọng em như người hụt hơi: “Chị năn nỉ ba má giùm em”. Chồng em đi trước. Cái dáng khập khiễng của người khuyết tật cứ như chực ngã nhào. Con trai em đi cạnh cha. Cái niềng sắt đỡ đôi chân khẳng khiu của nó vang lên những tiếng cót két như nghiến vào tim… Em đi sát phía sau chồng con. Dáng đi cắm cúi, cam chịu của em khiến tôi không dám nhìn lâu, sợ mình sẽ bật khóc giữa sân tòa…

Ngày em đưa người yêu về ra mắt, cả nhà bàng hoàng. Em xinh xắn, thông minh mà không hiểu sao lại yêu một người khuyết tật. Má bỏ vô phòng nằm khóc. Ba nói em thương thì theo không, ba không gả. Em nằm vùi suốt mấy ngày, khóc muốn trôi mền gối. Tôi cũng cản em, không phải vì anh ta khuyết tật, mà vì trông anh ta quá yếu đuối, không phải là người có thể nương tựa.

Em kể, anh ta rất đáng thương, không có người bạn thân nào, lại còn bị nhiều người chế giễu, chọc phá, lợi dụng. Thấy anh ta cô độc, em động lòng trắc ẩn kết thân với anh ta, giảng giải bài vở, rồi yêu lúc nào không hay. Giờ thì em nhất định sẽ lấy anh ta làm chồng.

Ngày cưới, em cười toe toét khoe cái bụng bầu đã ba tháng. Ba má rầu thúi ruột, không biết tương lai em sẽ ra sao. Em bỏ nhỏ với tôi, chiêu “tiền trảm hậu tấu” là do chồng em bày ra. Không dưng tôi ác cảm với thằng em rể ma lanh. Linh cảm về những ngày tháng không vui của em chợt ập đến khi hôn lễ còn chưa kết thúc. Tôi xin cho em công việc khá tốt nhưng em nghe lời chồng không chịu đi làm, vì hàng tháng đã có tiền “bảo hiểm gia đình” do má chồng trả.

Nhà chồng có bốn cô con gái, vốn phải cầu trời khấn Phật mới sinh được chồng em, đương nhiên hắn không cần làm cũng được ba má chăm lo. Rồi em sẩy thai. Hương lửa cũng nhạt dần. Chồng em bắt đầu tìm thú vui mới. Ban đầu là đá gà, sau thì đánh bài, cá độ. Má chồng em nói nó không lành lặn như người ta, vui chơi chút đỉnh cho khỏi buồn, coi như bù đắp. Nhưng hình như nỗi buồn của chồng em "mênh mông" lắm, nên bao nhiêu tiền “đắp” vào cũng không hết buồn. Nhà chồng xót tiền, cắt viện trợ, còn trách em không biết quản chồng.

Sau mấy lần bị chồng trộm tiền, mất hết vốn làm ăn, nhà chồng đành cho vợ chồng em về quê để “tự kiếm tiền cho biết cực với người ta”. Nhà chồng giơ cao nhưng đánh khẽ, giao vợ chồng em quản lý 30 công ruộng và đất vườn. Tiền cho thuê đất, chồng em nướng vào sòng bài hết sạch, em phải ra vườn trồng rau, hái cây trái mang ra chợ bán. Chịu cực khổ không bao lâu, chồng em bán đất. Ba tôi nghe chuyện, gọi hai vợ chồng về can ngăn. Con rể cười hề hề: “Đất nhiều lắm ba ơi, bán vài công để vợ con có vốn mua bán”. Em thông minh vậy mà không hiểu sao cứ mù quáng nghe lời chồng. Chồng em đúng là miệng lưỡi dẻo quẹo.

Bé Ben ra đời thì 30 công ruộng đã bị ba nó nướng sạch. Tôi ghé nhà thăm, thấy em quần vo tới gối, oằn vai đeo bình xịt, ngồi cheo leo trên cành xoài để xịt thuốc, bé Ben nằm đung đưa trên võng gần đó. Hỏi chồng đâu, hai mắt em đỏ lựng “hình như… đang nhậu ở xóm trên”. Tôi nghe đắng chát trong lòng. Đứa em yểu điệu thục nữ ngày nào giờ xốc vác như đàn ông. Em không có chỗ nào để dựa, đành dựa vào chính mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI