Hy vọng môn sử bớt… đìu hiu

15/07/2015 - 14:56

PNO - PN - Hai năm qua, kể từ khi thí sinh được tự chọn các môn thi ngoài 3 môn bắt buộc (văn, toán, ngoại ngữ) thì môn sử ít được thí sinh lựa chọn nhất.

Có những hội đồng thi chỉ có một vài thí sinh, điều đó cho thấy môn sử quả thật “đìu hiu” vô cùng.

Đó là kết quả của chương trình không phù hợp, của bộ môn hạn chế trong chuyên ngành, của việc dạy và học trong nhà trường, nhất là kiến thức cần phải nhớ quá nhiều.

Trong đề thi 8 môn kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có thể nói rằng, môn sử là môn đổi mới rõ ràng nhất.

Hy vong mon su bot… diu hiu

Đề thi môn lịch sử đã có sự đổi mới đáng kể bởi các câu hỏi không phải hoàn toàn tái hiện kiến thức (học thuộc lòng) như các năm trước, những kiến thức ở các câu hỏi đều là kiến thức cơ bản, không yêu cầu thí sinh phải trả lời thuộc lòng như trước.

Điều đó cho thấy, học sinh đã được “cởi trói” với bộ môn này. Thí sinh làm bài không cần phải tái hiện toàn bộ kiến thức như trước nữa, kiến thức giáo khoa “ghi nhớ” chỉ chiếm khoảng 30% - một lượng kiến thức khá phù hợp với yêu cầu đổi mới (hình đề thi đính kèm). Thực sự, đề thi môn sử được dư luận đánh giá cao.

Đề thi gồm 4 câu hỏi. Chỉ có câu I đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức giáo khoa - học thuộc (Tóm tắt sự phát triển kinh tế của Nhật Bản từ năm 1952 đến năm 1973 và nêu nguyên nhân của sự phát triển đó). Ba câu hỏi còn lại không yêu cầu thí sinh trả lời tái hiện kiến thức mà trả lời bằng tư duy của mình. Đây là một điểm có lợi cho thí sinh.

Ở câu hỏi II, dựa vào bảng dữ liệu (đã ghi rõ thời gian và những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc), đề yêu cầu:

1. Nêu những công lao của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam.

2. Kể tên những sự kiện chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc bước đầu thiết lập mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Câu này cho thí sinh biết sẵn dữ liệu gồm nhiều sự kiện về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc (từ 1919 đến 1930) thì thí sinh có thể trả lời dễ dàng dựa vào những dữ liệu ấy.

Ở câu III cũng gồm hai ý:

1. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945) khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”.
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về khẳng định trên.

Một câu hỏi khá dễ bởi thí sinh trình bày suy nghĩ - nhận thức của mỗi thí sinh.

2. Bằng những sự kiện chọn lọc thuộc một trong các thời kì lịch sử dân tộc (1945-1954, 1954-1975, hoặc hiện nay), hãy làm sáng tỏ quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ vững quyền tự do và độc lập.

Thí sinh có quyền lựa chọn (những sự kiện chọn lọc) thuộc một trong các thời kì để chứng minh quyết tâm giữ vững tự do và độc lập.

Ở câu IV, yêu cầu cũng rất mở:

1. Có ý kiến cho rằng, Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương đã chia Việt Nam thành hai quốc gia với đường vĩ tuyến 17.
Căn cứ vào Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, hãy nhận xét ý kiến trên.

2. Từ những nhân tố chủ quan đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam (1945-1954), hãy lựa chọn một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Theo anh/chị, thanh niên Việt Nam cần làm gì để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó?

Đề thi môn sử năm nay cho thấy một sự đổi mới đáng kể, một “khởi sắc” mới để mở ra “cánh cửa” mới rộng hơn và thoáng hơn cho việc dạy và học bộ môn này.

Tuy nhiên, việc đổi mới cách thi cũng đi đôi với việc thí sinh phải linh hoạt trong quá trình làm bài, phải hiểu đúng yêu cầu trọng tâm của đề chứ không phải trình bày máy móc như trước đây.

Khi chương trình của môn sử được đổi mới hơn, phù hợp hơn, chúng ta hy vọng rằng học sinh sẽ yêu thích môn sử hơn. Kỳ thi THPT những năm tới sẽ không còn “đìu hiu môn sử” nữa. Thí sinh sẽ không còn phải áp lực nặng bởi kiến thức sách vở mà sẽ trình bày theo tư duy, suy nghĩ và cảm nhận của cá nhân. Đề mở sẽ gợi hứng thú cho học sinh thích học sử và thi sử hơn.

THÁI HOÀNG (giáo viên, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI