Hy vọng mới trong trận chiến chống Ebola

30/10/2014 - 17:30

PNO - PNO – Bên cạnh việc thử nghiệm vắc-xin Ebola trên cơ thể 120 người tình nguyện tại Thụy Sĩ vào ngày 31/10, thì số ca nhiễm mới virus Ebola đang giảm ở Liberia là tính hiệu đáng mừng.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, mảng sáng trong bức tranh chống Ebola toàn cầu là số ca nhiễm mới virus Ebola đang giảm đi ở Liberia, việc chôn cất các nạn nhân cũng giảm, và các phòng thí nghiệm tiến hành ít hơn yêu cầu xét nghiệm virus. Nếu xu hướng này tiếp tục, Liberia (nước thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch Ebola ở Tây Phi) sắp được “giải lao hồi sức” cần thiết.

Hy vong moi trong tran chien chong Ebola

Việc ứng phó với virus Ebola ở Tây Phi đang có dấu hiệu khả quan - Ảnh: New York Times

Tiến sĩ Bruce Aylward của WHO nói rằng việc ứng phó với virus Ebola ở Tây Phi bây giờ đã ở “thế thượng phong”, nhưng ông chống lại bất kỳ ý kiến nào cho rằng cuộc khủng hoảng đã kết thúc. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ca ngợi những tiến bộ đạt được ở Liberia, nhưng ông cảnh báo, đây vẫn là một ổ dịch đáng kể và nghiêm trọng, nhân loại vẫn phải đi một chặng đường dài trong sự nghiệp chống Ebola.

Bên cạnh đó, tin Thụy Sĩ bắt đầu tiến hành thử nghiệm vắc-xin Ebola dưới sự bảo trợ của chính quyền sở tại và WHO rất đáng phấn khởi.Theo WHO, vắc-xin này được thử nghiệm trên cơ thể 120 cá nhân tại bệnh viện CHUV ở Lausanne vào hôm nay ( 31/10). "Chúng tôi chưa bao giờ tiếp nhận được nhiều người tình nguyện trong một thời gian ngắn như thế”, bác sĩ Blaise Genton, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện CHUV cho biết.

WHO đánh giá cao nỗ lực của Thụy Sĩ trong việc thử nghiệm vắc-xin GSK (do hãng GlaxoSmithKline của Anh bào chế), một trong hai loại vắc-xin được xem là đầy hứa hẹn mà WHO đã lựa chọn. Loại vắc-xin thử nghiệm thứ hai rVSV do Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia Canada bào chế sẽ sớm được triển khai thử nghiệm tại Bệnh viện đại học Geneva.

Trong khi các nước Tây Phi tập trung dập dịch, hiểm họa Ebola lại làm xáo trộn nước Mỹ. Nhà quay phim của hãng NBC Ashoka Mukpo, người sống sót sau khi điều trị Ebola, chỉ trích chính sách cách ly gây tranh cãi đối với các nhân viên y tế của Thống đốc bang New Jersey, ông Chris Christie. Mukpo nói đây là một biện pháp nhằm đối phó với công luận chứ không phải sự lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia.

Nữ y tá Kaci Hickox, người đã điều trị các bệnh nhân Ebola ở Tây Phi và bị ép buộc cách ly khi trở về Mỹ, phản đối việc cách ly không cần thiết này, trong khi các quan chức y tế bang Maine quê nhà của cô cho biết họ đang nộp đơn xin lệnh tòa án cách ly 21 ngày bắt buộc đối với Hickox.

Một gia đình Nigeria ở bang Connecticut kiện việc nhà trường cấm con gái họ đi học sau khi cô bé trở về từ Lagos. Lãnh đạo trường thừa nhận quyết định trên là không đúng, vì tuy có một số trường hợp lây nhiễm Ebola, nhưng WHO trong tháng này đã tuyên bố Nigeria không còn Ebola.

Theo số liệu cập nhật của WHO, số trường hợp lây nhiễm Ebola trên toàn cầu đã được điều chỉnh tăng thêm hơn 3.000 bệnh nhân, lên 13.703 người, do báo cáo trước đó không đầy đủ. Số người chết theo báo cáo mới là 4.920 người, báo cáo trước đó bốn ngày là 4.922 người. Trong số đó, chỉ có 10 trường hợp tử vong ghi nhận ngoài ba nước Tây Phi Liberia, Sierra Leone và Guinea.

THANH HIỀN

(Theo CNN, AFP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI