Hy vọng “đường thông” kéo theo “nhà thoáng”

14/03/2024 - 06:14

PNO - Câu chuyện tìm nhà có giá bình dân là một chủ đề “nóng” trên các hội, nhóm Facebook. Ở nội thành TP Hà Nội, nếu dành dụm được 2 tỉ đồng thì không thể nào mua được căn hộ chung cư.

Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, vậy mà giá nhà, đất vẫn không ngừng tăng. Thật là nghịch lý. Theo thống kê của House Price to Incom Ratio - một nền tảng dữ liệu có trụ sở ở Serbia - giá nhà trung bình ở Việt Nam cao gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hằng năm của mỗi hộ gia đình. 

Công nhân đang khẩn trương làm việc tại một công trình xây dựng nhà ở. Ảnh minh họa.
Công nhân đang khẩn trương làm việc tại một công trình xây dựng nhà ở. Ảnh minh họa.

Không chỉ công nhân, lao động phổ thông, những người có thu nhập 30-40 triệu đồng/tháng vẫn khó mua nổi nhà do giá nhà quá cao so với số tiền kiếm được và dành dụm được. 

Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách để khơi thông nguồn lực cho bất động sản. Trong giai đoạn 2024-2025, số sản phẩm nhà ở mới được dự báo sẽ tăng nhưng loại nhà có giá bình dân vẫn sẽ khan hiếm bởi hầu hết nhà đầu tư   chuộng dự án cao cấp, hạng sang. Khó có thể trách cứ các nhà đầu tư vì dòng sản phẩm này mang lại nguồn lợi nhuận cao trong khi quỹ đất ở các thành phố lớn ngày một ít dần. Hơn nữa, nhà đầu tư khó kiếm được lợi nhuận khi đầu tư xây nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội. 

Hiện nay, giá căn hộ ở ngoại thành, ở các tỉnh lân cận các thành phố lớn vẫn khá “phải chăng”. Do đó, cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối ngoại thành với nội thành, kết nối vùng là một trong những giải pháp để giới bình dân cũng mua được nhà mà không lo ảnh hưởng tới công ăn việc làm. Khi đó, khoảng cách giữa nơi ở và nơi làm việc không còn là vấn đề cần cân nhắc.

Việc các đô thị đặc biệt như TP Hà Nội, TPHCM phát triển các đô thị vệ tinh, triển khai các dự án giao thông trọng điểm - đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng - cũng là giải pháp để điều tiết thị trường nhà ở, giúp tăng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Thực tế, chính quyền các thành phố lớn đều đã có quy hoạch theo hướng đa trung tâm, có nhiều đô thị vệ tinh. Theo kế hoạch phát triển thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội sẽ hình thành 5 đô thị vệ tinh gồm Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích gần 25.000ha, xây dựng 9 tuyến metro và 3 tuyến đường sắt đơn với tổng chiều dài gần 460km. Nhưng tới nay, ngoài dự án metro Cát Linh - Hà Đông được triển khai, các dự án khác vẫn dở dang hoặc “đắp chiếu”. 

Nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội đang là vướng mắc rất lớn: ước tính, cần 4,7 triệu tỉ đồng để phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối trung tâm với đô thị vệ tinh, cần 888.000 tỉ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị. 

Để có thể có thêm nguồn vốn đầu tư cho các tuyến đường sắt, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội, UBND TP Hà Nội đề xuất triển khai các dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Dự kiến, dự thảo này sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV tới đây. 

Giống như Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, người dân kỳ vọng rằng, việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền TP Hà Nội sớm hoàn thành các dự án phát triển giao thông, đô thị, nhà ở, để cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân rộng mở hơn.

Tất nhiên, song song với việc hoàn thiện hạ tầng, cần có chính sách hữu hiệu quản lý giá bất động sản, tránh tình trạng hạ tầng càng thuận lợi thì giá nhà càng bị đẩy lên cao. Chính quyền các thành phố lớn cũng cần chú trọng có các chính sách, giải pháp cũng như quyết tâm phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Đừng để khi đô thị khang trang thì người có thu nhập thấp vẫn “đứng bên lề” đô thị.

Thu Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI