Dọn vỉa hè như vậy có mang lại những giá trị đích thực cho một đô thị đang bị ảnh hưởng bởi quá nhiều vấn đề khác nhau, hay nó chỉ đơn thuần phát đi một thông điệp của bộ máy quản lý... Những ý kiến bạn đọc mà chúng tôi nhận được dưới đây ít nhiều đề cập đến những vấn đề đó.
Vì sao có chuyện vỉa hè bị lấn chiếm? Có người quy hành vi lấn chiếm như một hành vi văn hóa, nằm trong tiềm thức, quy thành lỗi của người dân.
Theo tôi, bản chất sự việc hoàn toàn không phải vậy, phần lớn những người lấn chiếm vỉa hè chỉ là do mưu sinh. Việc này diễn ra hàng ngày đã tạo thành thói quen. Theo tôi, ở đây hoàn toàn không có chuyện giành giật vỉa hè hay trả vỉa hè về cho ai đó. Dân không giành mà chính quyền không giành.
Nói như ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đây chỉ là việc lập lại trật tự vỉa hè, sắp xếp lại vỉa hè. Ông Phong hoan nghênh việc cương quyết dẹp vỉa hè của lãnh đạo Q.1. “Tôi có hỏi đồng chí Hải (Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1), sao phải trực tiếp đi, không giao cho cấp dưới. Đồng chí Hải trả lời rằng đã giao nhưng chuyển biến chậm quá. Các chủ tịch, phó chủ tịch phải trực tiếp xuống chỉ đạo như vậy mới ra vấn đề, chứ không ngồi bàn giấy được”.
Về vỉa hè, có nhiều câu chuyện để nói, để bàn. Ví như một chuyện rất nhỏ: "Tôi không biết ai là tác giả chuyện tạo sự thuận tiện cho xe cộ chạy ào lên vỉa hè gây hỗn loạn giao thông đô thị như hiện nay. Theo tôi, đó là việc làm hoàn toàn sai lầm".
Ở nước ngoài, bó vỉa hè phải bó vuông, phòng khi các loại xe cộ khi mất lái không đâm vào người đi bộ trên vỉa hè. Đặc biệt nhiều vỉa hè còn có thêm dải phân cách nhằm bảo vệ an toàn cho người đi bộ.
Từ một việc rất nhỏ là thi công tạo “thuận tiện” cho người lưu thông bằng xe gắn máy này, cho thấy chính quyền đã sai từ tiểu tiết. Sai thì phải sửa. Sửa lại từng cái bó vỉa hè, sửa ngay để xe cộ không tràn lên đó, vỉa hè được thông thoáng, an toàn. Lập lại vỉa hè đúng nguyên thủy về kết cấu, thiết kế và công năng sử dụng là việc cần làm.
|
Lực lượng chức năng phá bỏ bồn hoa cây cảnh tại giao lộ Hồ Tùng Mậu _ Nguyễn Công Trứ, Q.1 |
Mấy ngày nay báo chí, dư luận, cộng đồng mạng xã hội người khen, kẻ chê ông Hải và UBND Q.1. Theo tôi, việc lập lại trật tự lòng lề đường kiểu này chưa đúng căn cơ, chưa giải quyết hết bản chất của vấn đề.
Bởi nguyên nhân chính của việc lấn chiếm vỉa hè chính là cuộc sống của người dân còn quá bấp bênh. Họ sống, mưu sinh, và cả chọn vỉa hè làm nơi trú ngụ là vì họ không được chính quyền tổ chức cho một nơi quy cũ, thuận tiện.
Chúng ta thiếu sự cam kết giữa chính quyền với dân. Tôi e ngại rằng, rầm rộ ra quân dọn dẹp xong, sau rồi cũng sẽ “đâu vào đấy”. Bởi, “ông” lực lượng chức năng có bám sát từng vỉa hè suốt 365 ngày không? Chắc chắn là không!
Khi ông Hải “rút quân” về quận, các phường có tiếp tục giữ được lề thông, hè thoáng không? Khó lắm, người dân ở phường thân thuộc, gần gũi vậy, chính quyền sao nỡ xuống tay?
Chuyện “du di” cho người quen, người thân, khó tránh và khó xử. Cách làm kiểu “dẹp, giành hay lấy lại” vỉa hè hiện nay chỉ vài ngày thôi. Vấn đề là cần tổ chức sắp xếp lại một cách khoa học.
Tôi hiểu vì sao người phụ nữ bán kính có thái độ giận dữ. Khi bị đụng vào “nồi cơm” thì ai cũng có thể bất bình. Bài toán lập lại trật tự vỉa hè cần được lãnh đạo TP.HCM nghiên cứu thấu đáo hơn, khoa học và bài bản hơn chứ không thể “bắt cóc bỏ dĩa”.
Đơn cử, nếu muốn dẹp chuyện ô tô đậu lấn vỉa hè thì phải bố trí chỗ đậu khác cho ô tô. Những dự án đậu ô tô triển khai quá chậm. Những người làm việc, giao dịch tại quận 1, nếu không được đậu xe lấn vỉa hè, cũng coi như là làm khó người ta rồi.
Hay như những người “bám vỉa hè” làm kế sinh nhai, muốn dẹp họ, ít nhất cũng phải tạo ra cho họ một số cơ hội việc làm phù hợp với họ. Nếu dẹp ngang, vì miếng cơm manh áo, dù không muốn thì họ cũng phải tiếp tục làm thôi.
Luật sư Nguyễn Thành Công, Ðoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Ðông Phương Luật:
Ông Hải làm đúng chức năng, nhiệm vụ
Dư luận đặt câu hỏi: việc ông Hải trực tiếp xuống đường tịch thu, phá dỡ những vật cản trên vỉa hè, liệu có đúng thẩm quyền? Ở đây, ông Hải là Phó chủ tịch UBND Q.1 thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm theo lệnh của Chủ tịch UBND Q.1.
Thẩm quyền của chủ tịch UBND quận, huyện được quy định tại khoản 1 điều 70 và khoản 2 điều 71 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó có việc xử phạt hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông… Như vậy, ông Hải đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Việc UBND Q.1 mà đại diện là ông Hải, phó chủ tịch, mạnh tay thực hiện việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ, sử dụng đúng công năng mà pháp luật quy định đối với trật tự đô thị là việc làm rất đáng hoan nghênh và cần nhân rộng trong toàn bộ TP.HCM lẫn cả nước.
Bản thân tôi đặc biệt ủng hộ, bởi đây là thực trạng đáng báo động cho việc coi thường pháp luật của một bộ phận trong xã hội. Tôi mong rằng ông Hải và UBND Q.1 hãy vững vàng trong hành động của mình. Chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng tác động là rất tích cực.
Nếu có sai do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật thì sẽ được điều chỉnh để hoạt động được chặt chẽ, hoàn chỉnh. Cái được lớn mà hoạt động này mang lại sẽ làm thay đổi cơ bản các nền tảng khác trong xã hội, điều mà rất nhiều người kỳ vọng nhưng chưa thực hiện được.
Yên Khê (ghi)
|
Tiến sĩ NGUYỄN MINH HÒA (Trường ĐH Khoa học xã hội
và nhân văn TP.HCM)