"Hy sinh có làm nên đức hạnh?": Sống cho mình

26/04/2016 - 08:01

PNO - Tuổi bốn mươi đã mách cho tôi biết, đàn ông là một “sinh vật lạ”, được đằng chân lân đằng đầu.

Chúng tôi cưới nhau năm trước thì năm sau chồng tôi (tập hai) nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe. Số tiền hưu “một cục” hơn trăm triệu nhưng chồng âm thầm cho con riêng chứ không nói với tôi lời nào. Khi chồng đưa hơn chục triệu, tôi còn hí hửng mừng, hỏi tiền ở đâu ra?

Chồng hơn tôi một giáp rưỡi. Khi nghỉ hưu thì ở nhà với cái laptop, lướt web ngày đêm tìm vui. Tôi đi làm với đồng lương đủ nuôi sống mình, chồng và đứa con riêng với người chồng trước, cộng với vườn rau và mấy chục chú gà, tôi không mấy bận tâm chuyện áo cơm.

Khi chồng tôi nói, phải có đứa con để làm sợi dây ràng buộc, tôi cũng gật đầu. Vì rằng một người chồng không cờ bạc rượu chè, không đánh vợ đập con, không nói tục chửi thề… đã là “đỉnh” của cuộc sống này rồi. Vì rằng chồng trước của tôi, bằng trang phải lứa, nhưng chả phải đã chia tay nhau vì tật rượu chè đó sao?

Tôi sinh con khi đã ba mươi ba tuổi. Tạm dừng mọi thăng tiến suốt ba năm bởi cha già con cọc, sài đẹn, ốm vặt…

Nhà bốn đầu người, một đầu lương. Đứa nhỏ thì nay đau mai yếu, đứa lớn thì vào tuổi dở ương mới lớn, chồng thì bắt đầu “xổ mòi” khó khăn của “người có tuổi”. Cơm khô anh cũng chê, cơm nhão càng chê. Món cần mặn thì bảo sao mặn thế, món cần ngọt thì nói sao lại bỏ đường… Nhà cửa thì anh chê sao không dọn dẹp, con sao cứ khóc hoài… Muốn yên ấm gia đình thì tôi không được cãi, chồng nói cơm khô khó nuốt thì đi nấu ngay nồi cơm mềm cho anh. Hôm nay đi dự tổng kết, phát thưởng gì đó mà trang điểm một tí thì chồng bảo “để cho trai ngắm à” và “khôn hồn” thì đi tẩy trang ngay.

Tôi đã phân thân không biết bao nhiêu mảnh để níu giữ một gia đình, để làm đẹp lòng chồng. Ngay cả các cuộc họp hội chung ở nơi làm việc, chụp ảnh nhóm với các nam đồng nghiệp, chồng xem hình cũng nói: “Sao cứ cười hí hửng vậy? Không phải anh ghen, nhưng em có chồng già, mà đi chụp với trai là mất tư cách lắm. Vì người ta sẽ nói em chán chồng già hay sao mà chụp với trai trẻ?”. Tôi chỉ biết… á khẩu, và muốn yên nhà thì lần sau cố tránh chụp ảnh với nam đồng nghiệp

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Sự chịu đựng của tôi có lẽ đã thành “siêu nhân” rồi. Khi mà bốn đầu người một đầu lương nhưng vẫn “sống được” chứ chưa nợ nần ai. Anh nâng cấp “đức hy sinh” cho tôi bằng cách khi con tầm hai tuổi, anh “xin” tôi mỗi tháng một triệu đồng để gửi về cho… con cháu họ nhà anh. Vì tháng này đứa cháu chú bệnh ngặt, tháng sau đứa cháu cậu vào đại học, tháng nữa đứa cháu bác kẹt tiền xây mộ tổ…

Tôi thấy hình như mình đang bị lợi dụng bởi cuộc hôn nhân với đứa con “ràng buộc nhau”. Anh đã từng nói, hạnh phúc của đời đàn bà là phải biết hy sinh vì chồng con, bằng nếu tôi “dân chủ” quá thì anh “xin” đứa con ba tuổi này mang về quê, chừng đó tôi có bán nhà cũng không đủ tiền tàu xe mà đi tìm con. Tôi đã bị khuất phục vì ý nghĩ mất con.

Đến khi con năm tuổi. Sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, anh không đi lại được như xưa nữa, sự đòi hỏi “đức hy sinh” của tôi càng lớn hơn. Rằng phải đi thưa về trình, cơm nước ngày ba cữ cho anh phải nóng sốt, thức ăn dành cho người bệnh phải thay đổi theo thực đơn “trên mạng”. Thời gian từ nhà tới chỗ làm, anh xem đồng hồ công-tơ- mét đã biết. Tôi mà léng phéng đi đâu thì khi về… liệu mà đi tìm con. Còn cái “giấy đỏ” nữa, ai đời đàn bà có chồng mà vẫn đứng tên trên tài sản là sao?

Tôi bảo: bây giờ con đã lớn, đủ nhận biết mẹ nó là ai. Nếu anh thấy đủ khả năng nuôi thì cứ mang về quê. Nhưng phải ráng nuôi nhau tốt hơn mẹ nó nuôi nhé! Còn tài sản, là của cha mẹ tôi cho trước khi lấy anh, nếu anh muốn thay đổi, cứ nói với cha mẹ.

Anh im lặng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI