Hy sinh có làm nên đức hạnh?: Ngã rẽ cuối chiều

19/04/2016 - 00:00

PNO - Năm 2003, khi đã bước sang tuổi 57, mặc dù các con phản đối nhưng tôi vẫn quyết định ly hôn với người chồng từng gắn bó gần 40 năm qua.

Tôi chấp nhận ly hôn vì lòng tự trọng của người phụ nữ suốt đời hy sinh vì chồng, vì con mà không được đền đáp.

Tôi kết hôn năm 1967 tại huyện Trum, tỉnh Kongpong Cham, Campuchia. Cha mẹ tôi là người Nam Định, sang Campuchia làm phu đồn điền cao su từ năm 1946. Cuộc hôn nhân của cô gái 21 tuổi là tôi không xuất phát từ tình yêu mà do cha mẹ sắp đặt. Hồi đó, cả hai vợ chồng tôi đều hoạt động cách mạng bí mật ở Nam Vang, khi sinh con thì việc nuôi sống gia đình đều do tôi đảm nhiệm.

Chồng tôi là thợ điện còn tôi vừa làm thợ may vừa đi buôn. Công việc hết sức nặng nhọc, mỗi buổi chiều tôi đạp xe ra bến cá với hai cái cần xé, lấy hàng về bỏ mối cho các chợ. Tôi luôn được cha mẹ giáo dục về “tam tòng, tứ đức”. Vì vậy, dù chưa yêu, nhưng trong quá trình chung sống, tôi rất thương chồng, chăm sóc cho anh từ miếng ăn, giấc ngủ... Dù tiền hàng tháng của chồng khi nhiều khi ít, nhưng anh luôn được tôi chăm sóc chu đáo, vui vẻ.

Hy sinh co lam nen duc hanh?: Nga re cuoi chieu
Bà Phan Thị Hợi "Hy sinh mù quáng chưa hẳn đã làm nên đức hạnh".

Chồng tôi bắt đầu “hư hỏng” từ năm 1976. Năm đó, chúng tôi về nước, cư trú tại ấp Hội Thắng, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Ông ấy tham gia công tác địa phương, ăn cơm của xã nhưng chẳng có đồng lương hay phụ cấp nào. Gánh nặng cơm áo gia đình vẫn đè nặng lên vai tôi. Do thời gian chiến tranh ở rừng nhiều, chồng tôi mắc bệnh sốt rét nặng, ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7, biến chứng sụp mi mắt.

Tôi vừa làm mẹ, vừa làm cha vì phải nuôi dạy các con, lại vất vả chạy chữa cho chồng. Hàng ngày vừa may quân phục ở Xưởng may H12, vừa lo chở chồng tới Bệnh viện K21 châm cứu, vừa lo cơm nước cho bốn đứa con. Ngày nghỉ cuối tuần, tôi tranh thủ đi thu gom hạt tiêu, theo xe đò mang về Sài Gòn bỏ mối. Chồng tôi khỏi bệnh, tiếp tục công tác, nhưng nhiễm đủ thứ tật xấu. Là công an xã mà ham ăn nhậu, đi bắt hàng lậu qua biên giới để lấy tiền hối lộ, rồi trai gái… Tôi lo sợ ổng bị tù nên mang súng lên xã trả lại, làm bản cam kết là chồng không đủ sức khỏe công tác, xin cho về coi nhà để tôi lo làm ăn. Tôi cam chịu nuôi chồng vì sợ ổng sa ngã, tù đày thì ảnh hưởng tới con cái.

Nhiều người nhận xét tôi là phụ nữ có nhan sắc và đảm đang, nhưng chồng tôi không hiểu điều đó. Ổng ở nhà, phó mặc con cái, kinh tế gia đình cho tôi, tối ngày chỉ tụ tập ăn nhậu. Say xỉn rồi thì đánh chửi vợ con, thậm chí chửi cả chính quyền, đến nỗi một lần bị công an huyện tạm giữ, tôi phải lên bảo lãnh về. Chính nhờ sự tháo vát, bươn chải của tôi mà gia đình mua được 6ha đất, trồng cao su, trồng mì để thêm thu nhập. Lúc này chồng tôi ngang nhiên quan hệ ngoài luồng, coi tôi như không có trên đời này, đến nỗi má chồng tôi phải ra điều kiện: “Nếu con bỏ vợ, má sẽ bỏ nhà đi luôn!”.

Mấy năm sau, mẹ chồng qua đời. Tôi đứng ra xây mồ mả cho bà xong thì chồng tôi trở mặt, đòi ly hôn, đòi chia tài sản. Mấy đứa con tôi đều phản đối: “Cha muốn ly hôn thì đi chỗ khác. Tài sản này mẹ làm ra, sao cha lại đòi?”. Nhưng tôi hiểu, trong thời kỳ hôn nhân, tài sản làm ra đều là của chung. Tôi cho chồng chọn lựa, ông ấy đòi lấy ngôi nhà mới xây, xe máy và hai mẫu đất. Tôi đồng ý và ra đi, tiếp tục sản xuất kinh doanh trên bốn mẫu đất còn lại.

Chia tay chồng, tôi bị sốc nặng. Cả năm trời cứ như người mất hồn, chẳng thiết làm ăn gì. Tôi đau lắm! Gần bốn chục năm trời hy sinh cho chồng và gia đình chồng, giờ tôi bị ruồng rẫy như một người đàn bà không ra gì. Nhưng tôi cũng tự tìm lại nghị lực, tiếp tục cuộc sống của mấy mẹ con.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI