Má tôi là người đàn bà của gia đình. Từ khi tôi còn nhỏ, đi học về, luôn có sẵn mâm cơm nóng sốt trên bàn. Chị em tôi hầu như không phải ăn đồ trữ sẵn trong tủ lạnh vì má luôn chuẩn bị để cả nhà được ăn uống ngon lành, đúng lúc. Công việc bán quán tạp hóa lai rai trong ngày khiến má chu đáo được việc nội trợ.
Ngay trong mùa bận rộn như lễ tết, đông khách hơn đã đành, mà còn thêm việc gói hàng cho đẹp đẽ để khách biếu tặng, má chăm sóc bữa ăn cho chồng con bằng cách dời luôn cái bếp ra chỗ bán hàng. Tranh thủ khi vắng khách vài ba phút, má vo gạo, cắm nồi cơm, vài ba phút nữa thì xào món này, kho món kia… Mùi thơm bay qua các hàng khác, ai cũng tấm tắc: ba tôi là ông chồng có phước. Chiều nào đi làm về, ba tôi cũng khề khà ly rượu chờ cơm nước dọn ra bàn, ba chẳng phải động tay tới bếp núc bao giờ
Má là một tấm gương khá áp lực cho tôi, thật vậy, trước khi hạ bút viết hồ sơ thi đại học, tôi phân vân nhiều, là con gái thì dù thế nào chuyện chăm sóc gia đình cũng rất quan trọng. Chọn nghề gì vừa thích hợp với mình và sau này vừ a làm tốt chuyên môn vừ a chăm sóc gia đình chu đáo như má? Không dễ tí nào. (Cuối cùng thì tôi chọn nghề mình thích là marketing, cái nghề phải nói nhiều và đi nhiều. Cũng may, chồng tôi thông cảm với công việc của vợ, sẵn lòng vô bếp và giữ con những khi tôi đi công tác xa).
Nhiều khi tôi nói đùa với má, tại má thương chồng thương con quá nên má mới bị dính cứng với cái bếp, bớt thương mọi người để mình được bay nhảy một chút. Má chỉ cười. Cả đời má chỉ biết hai nơi là quê mình và quê chồng. Mấy lần tôi mời má đi du lịch với vợ chồng tôi, tới ngày lên xe, má bỗng lắc đầu: “Thôi, ba mày với hai đứa em ở nhà không ai lo”. Khi hai đứa em trai của tôi đã là sinh viên thì câu trả lời của má là “ba mày ở nhà không ai lo”.
|
Ảnh minh họa - Shutterstock |
Tôi hỏi đùa ba bỏ bùa gì mà được má yêu dữ vậy. Ba lắc đầu, cười. Nhìn trán ba hằn nếp nhăn sâu, tôi ước vợ chồng tôi về già, lúc nào cũng muốn bên nhau như vậy.
***
Đi làm công ty sáu năm có được chút kinh nghiệm, tôi nảy ý mở một đại lý riêng. Địa điểm thì nhà chồng tôi giúp, ngay mặt tiền nhà ba mẹ chồng. Vốn liếng thì tôi ngỏ ý mượn ba má mình.
Buổi chiều tôi vừa hỏi mượn tiền thì tối hôm đó má tới nhà tôi, mặt mũi sưng húp vì khóc. Tôi bàng hoàng nghe má xin lỗi, rằng tôi không phải là con của ba. Hồi đó má thương một người, có thai được hai tháng thì người đó bỏ đi, ba nhận cái thai là của mình để má được bảo toàn danh dự và tôi sinh ra có cha. Bí mật suốt hai mươi tám năm, tới nay chị em tôi đứa nào cũng lớn khôn, nghe tôi hỏi mượn tiền ba, không muốn sau này tôi dính tới việc chia thừa kế nên má quyết định tung hê bí mật.
Cuộc sống của tôi bị xáo trộn dữ dội. Đang có một gia đình nhỏ hạnh phúc và gia đình lớn ấm êm, bỗng mọi thứ rối tung. Tôi rơi vào nỗi đắng cay cho số phận mình và đắng cay hơn khi sự thật phơi bày. Má của tôi, người phụ nữ suốt đời cam chịu bếp núc cũng vì nặng lòng ơn nghĩa với người đàn ông hào hiệp chìa tay ra khi má chới với giữa dòng, ơn nghĩa về danh dự là gánh nặng suốt đời má phải trả, và má chẳng chịu đi đâu một mình cũng vì vậy.
Và ba, người đàn ông cao thượng giữ bí mật suốt chừng đó năm tháng cho tôi được có cha có mẹ có nội có ngoại. Nếu sự thật được nói ra lúc này nhằm để tôi biết rõ về mình, biết cha mình là ai thì đã đành. Nhưng trớ trêu là sự thật ấy chỉ vì quyền lợi cho hai đứa em tôi, núm ruột của ba, tôi biết hiểu thế nào đây? Công dưỡng dục chừng ấy năm trời của ba, tài sản thừa kế nào sánh cho bằng?
Suốt một thời gian dài tôi sống như ác mộng, tôi hổ thẹn với chồng, dù cho anh nói mãi yêu tôi và kính trọng ba má, cho dù bất cứ chuyện gì. Tôi mặc cảm mình là đứa con được tạo ra bởi lừa dối và nhẹ dạ. Tôi luôn sợ hãi một ngày nào đó có thêm sự thật khác nữa phơi bày. Tôi sợ là mình đang bị vây bọc trong lừa dối… Và tôi sợ nhất ngày nào đó, chính tôi phải nói với con: “Ông ngoại không phải là ông ngoại của con”.