"Hy sinh có làm nên đức hạnh?": Đừng chỉ biết cho đi

30/03/2016 - 15:01

PNO -  Sự hy sinh một chiều của người vợ như miệt mài tỏa ấm trong chiếc chăn rách toạc. Tỏa hoài mà chẳng ấm lại cố vá víu, lại tỏa tiếp...

Cuối tháng rồi, tôi tình cờ đọc được câu: “Đã khi nào bạn phân vân, liệu tử tế và hạnh phúc vẫn chung lộ trình?”. Đó là dòng gợi mở của chuyên đề “Sống tử tế và hạnh phúc” do Hội quán Các bà mẹ tổ chức. Đến tham dự, nghe câu chuyện về một cô giúp việc trước tuần lễ nghỉ phép đã lồng sẵn bảy cái bịch vào thùng rác để ông chủ khỏi phải lúi húi thay túi sau mỗi lần đổ rác, tôi sụt sùi cảm kích nhưng lại bẽ bàng khi nghĩ đến mình ngày xưa.

Trước chuyến công tác dài ngày, tôi cũng thường tròng sẵn nhiều bịch ni lông vào thùng rác, nấu thức ăn trữ đầy tủ lạnh, ủi tất cả quần áo cho chồng… Nhưng chưa bao giờ anh ấy tỏ ra cảm kích hay ghi nhận tình cảm, công sức của tôi. Thậm chí, có lần tôi bệnh nặng, không thể ủi đồ cho chồng, anh đã gọi điện “méc” anh trai: “Nó bỏ bê em, cả tháng nay không chịu ủi đồ, để em phải mặc quần áo nhăn đi làm”.

Tôi chia sẻ câu chuyện của người vợ "giấu mặt" ấy tại buổi chuyên đề, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng, những hành động tử tế, đáng quý ấy của người vợ nhắc người chồng đã bỏ quên rất nhiều thứ trong hạnh phúc gia đình, thiếu sự chia sẻ cho nhau, chồng giao toàn bộ việc nhà cho vợ. Sẽ rất thú vị nếu khi được nhận sự chăm sóc nhưng kèm theo, người đàn ông cảm thấy xấu hổ khi rốt cuộc vợ cứ phải là người mẹ lớn trong đời mình mà bản thân không làm được gì cho vợ.

Ảnh mang tính minh họa: Internet

ThS-BS Nguyễn Lan Hải thì dự liệu một tương lai u tối khi người vợ trải sự hy sinh một chiều trên hành trình hôn nhân. Có những cái đúng chỗ này mà không đúng chỗ kia, mối quan hệ gia đình khác các mối quan hệ xã hội. Nếu những hành động vô điều kiện đó là của người làm công đối với ông chủ thì thật tốt, thể hiện đạo đức nghề nghiệp, sự chu đáo, tế nhị. Từ đấy, mối quan hệ chủ - tớ có thể tiến lên một bước thành tình bạn.

Còn trong mối quan hệ vợ chồng, tình yêu thương phải có sự trao đổi hai chiều. Người vợ chu toàn, ôm đồm hết đến đánh mất khả năng lao động của người chồng không thể xem là tích cực. Sự tử tế cho đi, người gần nhất sẽ được hưởng nhiều nhất, nhưng trong trường hợp này, người chồng sẽ không tiến bộ hơn mà ngày càng ích kỷ, ỷ lại. Điều đáng sợ là chồng mặc nhiên xem đó là bổn phận, trách nhiệm của vợ. Nó làm dâng lên sự bất mãn, mệt mỏi, cực nhọc, bất công cho người vợ. Hy sinh như người vợ này không gặt hái được hạnh phúc.

Tử tế và hạnh phúc đi liền nhau, ở đó không có gánh nặng, không có riêng hưởng cũng như sự hy sinh một chiều.

Quan tâm, san sẻ, góp nhặt yêu thương như “cuộc tình” của người đắp chăn và chiếc chăn bông. Người tỏa hơi ấm, chăn giữ lại để chúng ta cùng sưởi nhau. Sự hy sinh một chiều của người vợ như miệt mài tỏa ấm trong chiếc chăn rách toạc. Tỏa hoài mà chẳng ấm, lại cố vá víu, lại tỏa tiếp, tỏa hết công suất, lại nao nao chờ trông… Đến một ngày, người vợ không còn đủ năng lượng để sống cuộc đời của chính mình, nói chi đến tiếp tục hy sinh cho người khác. Họ không còn gì để mà cho. Người phụ nữ không ích kỷ đến nỗi cho mười đòi nhận lại cả mười, nhưng cũng không bao dung đến nỗi chẳng hy vọng được đáp lại, dù chỉ bằng nụ cười, lời cảm ơn hay cái xiết tay…

Nhận ra nguyên nhân bi kịch gia đình có phần đến từ chính mình, tôi trách bản thân đã quên mình vì chồng, càng củng cố vị thế gia trưởng của anh ấy, dần tạo ra một “sản phẩm” không thể chung sống được nữa. Hy sinh một chiều là bất hạnh chứ không phải đức hạnh. Tôi trộm nghĩ, giá như trước kia mình thẳng thắn góp ý, điều chỉnh, xây dựng hay yêu cầu chồng biết nghĩ cho vợ, vun đắp cho gia đình. Mới hay, “đòi nhận” cũng là một đức tính cần có của người phụ nữ hiện đại.

Thủy Trăng

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: hysinhvaduchanh@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI