"Hy sinh có làm nên đức hạnh": "Cái lý" của sự hy sinh?

09/04/2016 - 09:02

PNO - Chồng cô chính là người cô yêu và chọn lựa, nên hạnh phúc của cô phụ thuộc cả vào người đàn ông đó.

Thi - em họ tôi là dâu út, tiếng là được hưởng đất đai, nhà cửa ông bà, cha mẹ chồng để lại, nhưng ngẫm cho cùng, đó chỉ là trách nhiệm quản lý, bảo toàn những gì của ông bà tổ tiên. Vì dù có khó khăn đến đâu cũng đừng nghĩ có thể bán đất mà trang trải. Đương nhiên, phần trách nhiệm chăm lo quán xuyến, thờ cúng gia đình chồng, Thi cũng nhận “bàn giao” đủ, chưa kể, Thi phải kiêm luôn trách nhiệm với hai bà chị không chồng, ở chung trong nhà.

Đất đai, nhà cửa rộng nên anh chị em, con cháu bên chồng nếu thấy tiện thì cứ tự nhiên đến ở, khỏi cần hỏi han, bởi về nhà thờ của ông bà, cha mẹ, chứ đâu xa lạ gì mà… khách sáo! Nhưng mọi chuyện từ ăn uống cho đến đủ thứ chi phí sinh hoạt thì Thi “ngậm bồ hòn” lo hết. Như hai đứa con anh Tư, từ nhỏ đã đến ở với chú thím út để đi học cho gần, Thi “lãnh” luôn trách nhiệm lo cho chúng ăn học, còn việc dạy dỗ thì không dám mở miệng la rầy, bởi sợ mang tiếng đối xử không tốt với cháu chồng. Cha mẹ tụi nhỏ khỏe re, thỉnh thoảng cho con xách lên vài chục ký gạo là xong!

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Một năm vài cái giỗ, vợ chồng Thi đứng ra lo muốn... nghèo luôn. Các anh chị đưa vợ chồng con cái về cùng lắm chỉ vài cây bánh, ít trái cây, nhang khói là tròn trách nhiệm. Xong giỗ, Thi còn lo chu đáo cho mọi người, từ xóm giềng tới bà con, anh em trong nhà ai nấy đều có quà đem về.

Cô mệt rũ, chưa kịp hối tiếc tại hồi đó cãi cha, khăng khăng thương con trai út người ta giờ mới phải “ôm sô” trọn gói, thì được tiếng khen cũng mát ruột: “Thím út giỏi giang quá chừng, đi làm nhà nước còn biết quán xuyến chu đáo nhà chồng”. Thu nhập của một kế toán trưởng như Thi cũng khá, vậy mà tháng nào hết bay tháng đó, muốn mua món gì cho riêng mình Thi phải đắn đo tính toán mãi.

Chồng Thi ban đầu còn phụ vợ ít tiền, nhưng cứ hay hạch hỏi, làm cô tự ái không thèm nhận. Anh được thể giả lả: “Vậy lương em lo chuyện lặt vặt trong nhà, tiền anh gom lại lo… việc lớn”. Chuyện “lặt vặt” là đủ thứ "hầm bà lằng" chi phí cho sự tồn tại của một gia đình, còn bao đồng thêm đủ thứ chuyện của anh em bên chồng mà cô không thể mở miệng từ chối.

Còn “chuyện lớn” của chồng là gom tiền thành “cục”, sắm mấy chiếc xe tải và tài sản có giá trị, nhưng chỉ mình chồng cô đứng tên hoặc đứng tên chung với anh em chồng. Thấy chồng sắm dây chuyền cả mấy lượng đeo lủng liểng, cô bảo chồng mua cho mình một chiếc lắc tay đeo. Anh lý lẽ: “Em là phụ nữ yếu đuối, đeo chi cho cướp nó giựt, nguy hiểm!”, cô chịu thua.

Năm nào cũng vậy, cuối năm Thi rút lương cùng các khoản thưởng từ ATM được “một cục” thấy mê. Nhưng rồi, “cục tiền” đáng lẽ là của riêng cô do vất vả cả một năm mới có, nhanh chóng tan như mây khói. Bởi anh chị em chồng tụ tập về “nhà thờ” ăn tết đông đủ, vừa là dịp họp mặt sum vầy, lại tiết kiệm được một khoản chi lớn, bảo toàn số tiền riêng của mỗi nhà không bị sứt mẻ, vì tất tần tật mọi chuyện đã có “vợ thằng út lo cả rồi”! Lo chu đáo cho nhà chồng xong, nghĩ đến người nhà mình thì túi đã nhẵn.

Hồi Thi mới về làm dâu, căn nhà thờ nhỏ xíu và cũ kỹ. Sau ngày cha mẹ chồng mất, vợ chồng cô vay mượn, sửa sang cơi nới mấy lần. Nợ ngân hàng trừ thẳng vào lương cô hết năm này đến năm khác, vừa xong nợ, chưa kịp mừng, chồng Thi lại bảo vợ vay ngân hàng thêm một mớ để sửa sang, nâng cấp, xây thêm mấy phòng cho rộng rãi, để những lúc anh chị em về có chỗ ở đàng hoàng hơn. Cô nghe ngán ngược nhưng không từ chối, dù hiểu rõ chồng sợ cô dư dả sẽ đem tiền về biếu cha mình…

Nhà vừa xong cũng là lúc bà chị thứ năm ly hôn, dắt theo đứa con gái 10 tuổi khăn gói về ở, tỉnh queo, chẳng một lời ướm hỏi. Đã vậy còn hứng chí mời bạn bè đến chơi, bày ra ăn uống làm Thi phải tiếp đón. Lòng bực bội mà Thi chẳng biết nói sao. Bởi có nói ra, chồng cô cũng chẳng bao giờ bênh vợ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI