Hy sinh bản thân cho khoa học

11/10/2016 - 14:25

PNO - Vì lý tưởng kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại, không ít nhà khoa học đã hy sinh chính bản thân cho những thí nghiệm của mình.

Được vinh danh bằng giải thưởng nobel là hạnh phúc, nhưng quan trọng nhất đối với mỗi nhà khoa học chính là những số phận đã đổi thay nhờ thành tựu của họ.

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới gia tăng mỗi năm khoảng 2%. Năm 1984, bác sĩ (BS) Barry Marshall người Australia là người đầu tiên phát hiện vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) và chứng minh vi khuẩn này gây ra bệnh chứ không phải do căng thẳng tâm lý - một sai lầm đang phổ biến.

Nhờ phát hiện này, BS Marshall nhận Nobel Y sinh năm 2005 và nhiều giải thưởng khoa học khác. Ít ai biết, trước đó, ông đã trải qua những ngày tháng bất lực chẳng thể làm gì được cho bệnh nhân viêm loét dạ dày ngoài việc cắt bỏ dạ dày của họ. Nỗi đau của bệnh nhân thôi thúc ông từng ngày. Ông lao vào thí nghiệm, vấp phải hàng loạt thất bại, chịu áp lực chỉ trích từ các đồng nghiệp vì tiến hành thí nghiệm trên động vật.

Hy sinh ban than cho khoa hoc
Bác sĩ Barry Marshall - Ảnh: WWW.CPR.CUHK.EDU.HK

Cuối cùng, ông quyết định thử vi khuẩn Hp trên chính cơ thể mình, chấp nhận những cơn đau khủng khiếp. Chính tay BS Barry Marshall pha vi khuẩn vào ly nước và uống cạn. Năm ngày sau, ông bắt đầu nôn ói. Sau mười ngày, ông nội soi dạ dày và nhìn thấy vi khuẩn, toàn bộ dạ dày đã bị viêm loét.

Khi đó, ông mới kể cho vợ nghe về thí nghiệm của mình. Bà khuyên chồng phải dừng nghiên cứu, uống kháng sinh ngay vì sợ ông và cả gia đình sẽ bị viêm loét và ung thư dạ dày. BS Marshall trì hoãn: “Hãy cho anh đến cuối tuần”.

Ông thực hiện đúng lời hứa, tự dùng kháng sinh và cứu được cái dạ dày đã lở loét nghiêm trọng của mình và sau đó là của rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, mãi đến năm 1994, mười năm kể từ khi ông tự “chuốc” bệnh, giới khoa học mới công nhận thành tựu này. Không chỉ phát hiện vi khuẩn Hp, ông còn chứng minh được, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Hp từ rất sớm, khi chỉ là trẻ sơ sinh, do ăn uống những thứ thiếu vệ sinh hoặc bị lây nhiễm từ trẻ khác.

Phát hiện của ông được ví như một “cú lật” trong lĩnh vực tiêu hóa. Trước đó, các BS vẫn sử dụng thuốc ức chế acid dạ dày để làm giảm loét, nhưng chỉ giúp giải quyết triệu chứng tức thời.

Làm khoa học luôn cần sự dấn thân. Cái giá của một thành tựu khoa học có khi rất đắt. Nhà khoa học Marie Curie (quốc tịch Pháp và Ba Lan) đi vào lịch sử giải Nobel vì là người phụ nữ đầu tiên đoạt hai giải Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau: vật lý và hóa học. Năm 1903, bà cùng chồng là nhà khoa học thiên tài Pierre Curie nhận giải Nobel Vật lý nhờ các nghiên cứu về bức xạ.

Năm 1911, bà nhận Nobel Hóa học vì khám phá ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium. Những năm tháng dồn hết tâm sức trong phòng thí nghiệm, tiếp xúc với chất phóng xạ trong thời gian dài đã bào mòn sức khỏe của Marie Curie, khiến bà bị ung thư bạch cầu, mất thị lực do bị đục thủy tinh thể.

Hy sinh ban than cho khoa hoc
Nhà khoa học Marie Curie - Ảnh: WWW.MASONCREATIONS.COM

Bà qua đời ở tuổi 67, để lại di sản đồ sộ cho các ngành vật lý, hóa học và y học đến tận ngày nay. Hàng tỷ người đã thụ hưởng thành quả khoa học của bà. Đó là phương pháp chụp X-quang cho các bệnh nhân gặp chấn thương, xạ trị để điều trị ung thư.

Bà qua đời vì ung thư nhưng mang lại hy vọng sống cho những người bệnh ung thư. Nhiều trung tâm y tế, giáo dục ở khắp thế giới đã mang tên bà, như một sự tri ân sâu sắc. Humphry Davy và Michael Faraday là những cái tên lẫy lừng trong giới khoa học Anh đầu thế kỷ XIX.

Humphry Davy là nhà hóa học, vật lý học kỳ tài, đã trở thành giáo sư năm mới 23 tuổi. Say mê thí nghiệm, ông gạt bỏ mọi phòng ngừa an toàn, tự mình nếm, hít hóa chất. Không ít lần ông gặp tai nạn trong phòng thí nghiệm, có lần suýt chết vì nổ nitrogen trichloride.

Giữ được tính mạng nhưng lần đó ông bị thương ở mắt, để lại di chứng khiến 20 năm cuối đời thị lực suy giảm, dẫn tới mù lòa. Ông là người phát minh ra đèn Davy - loại đèn an toàn cho công nhân mỏ; là người tìm ra cách tách các nguyên tố kali (K), natri (Na), canxi (Ca), bari (Ba)… bằng quá trình điện phân, có tính ứng dụng rất lớn trong hóa học.

Michael Faraday xuất thân từ đẳng cấp thấp trong xã hội Anh thời ấy, là phụ tá khoa học kiêm người giúp việc cho Humphry Davy. Humphry Davy từng gọi Michael Faraday là phát hiện vĩ đại nhất của mình và chính người học trò này đã tiếp nối những thí nghiệm chưa hoàn thiện của ông.

Năm 1847, Faraday khám phá ra quang tính của nước vàng (gold colloid) khác với quang tính của các kim loại khác. Đây có thể là khai phá đầu tiên về sự khảo sát tác động ở mức lượng tử, được xem là khởi nguồn cho ngành công nghệ nano. Từ phát hiện về Định luật cảm ứng Faraday, ông tạo ra dynamo, nguồn gốc của máy phát điện ngày nay.

Hy sinh ban than cho khoa hoc
Michael Faraday - Ảnh: WIKIPEDIA

Nhiều kiến thức về điện từ của ông đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của các thiết bị điện cơ, vốn chiếm lĩnh công nghiệp trong những năm còn lại của thế kỷ XIX. Năm năm trước khi mất, Faraday sử dụng kính quang phổ để tìm sự biến đổi khác nhau của ánh sáng và đây là nền tảng giúp nhà vật lý học người Hà Lan Pieter Zeeman nhận giải Nobel Vật lý năm 1902. Đáng tiếc, Faraday đã ra đi cũng từ sự cố nổ nitrogen chloride trong phòng thí nghiệm, giống tai nạn của Humphry Davy.

Thiên Như (Theo Discover Magazine, Famous Scientists, Nobel Prize, wikipedia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI