Hy hữu bệnh nhân viêm cơ tim thể tối cấp “trước cửa tử” được cứu sống

02/06/2023 - 11:08

PNO - Nam bệnh nhân viêm cơ tim thể tối cấp, nguy cơ tử vong cao được y bác sĩ cứu sống bằng kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể.

Sáng 2/6, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, y bác sĩ của khoa vừa lập kỳ tích cứu sống bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, suy hô hấp cấp tiến triển nặng, viêm cơ tim tối cấp bằng kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (VA- ECMO). Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn D (33 tuổi, trú phường Phú Nhuận, TP Huế).

Bệnh nhân Nguyễn Văn D. lúc được đưa đến Khoa Hồi sức tích
Bệnh nhân Nguyễn Văn D. lúc được đưa đến Khoa Hồi sức tích cực - Ảnh: Thượng Hiển

Trước đó, tối 26/3/2023, bệnh nhân Nguyễn Văn D., được đưa đến Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng khó thở, mệt nhiều, da tái lạnh, huyết áp tụt thấp. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, suy hô hấp cấp tiến triển nặng, viêm cơ tim tối cấp, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân được chỉ định phối hợp 3 loại thuốc vận mạch và trợ tim liều cao nhưng không nâng được huyết áp lên mức đảm bảo tưới máu các tạng trong cơ thể, cung lượng tim rất thấp.

Xác định đây là một trường hợp viêm cơ tim thể tối cấp, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ đã khẩn trương hội chẩn liên khoa để đưa ra phương án tối ưu nhất cấp cứu bệnh nhân. Bệnh nhân được tiến hành thực kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ tuần hoàn (VA - ECMO) kết hợp thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục (CRRT). Sau một tuần điều trị tích cực, chức năng co bóp của tim cải thiện, bệnh nhân được ngưng hỗ trợ VA - ECMO.

Người nhà bệnh nhân Nguyễn Văn D. tặng hoa cảm ơn Đội ngũ Y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống mình
Người nhà bệnh nhân Nguyễn Văn D. tặng hoa cảm ơn Đội ngũ Y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống mình - Ảnh: Thượng Hiển

Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn tiến phức tạp hơn, rối loạn đông máu gây chảy máu phế nang ồ ạt, nhiều đợt tổn thương phổi nặng kết hợp suy thận, suy gan rất nặng. Trước tình hình bệnh diễn biến nghiêm trọng, bệnh nhân đã được tích cực thực hiện nhiều kỹ thuật: thở máy, lọc máu liên tục (CRRT), thay huyết tương trong suy gan cấp (TPE), nội soi phế quản phối hợp điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, dinh dưỡng tối ưu, tập phục hồi chức năng… để cứu sống bệnh nhân.

Quá trình điều trị kéo dài với sự phối hợp đa chuyên khoa với tinh thần khẩn trương, tích cực, chuyên nghiệp; sự chăm sóc tận tình, chu đáo bởi điều dưỡng của khoa Hồi sức tích cực; tình trạng bệnh đã cải thiện, chức năng gan, thận hồi phục. Bệnh nhân được ngưng lọc máu liên tục, ngưng thở máy thành công và được cho xuất viện sau 2 tháng điều trị .

bệnh nhân vô cùng xúc động, đã gửi thư cám ơn chân thành đến Ban Giám đốc và đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương  Huế đã tận tâm, tận lực cứu sống bệnh nhân
Bệnh nhân Nguyễn văn D. vô cùng xúc động đã gửi thư cám ơn chân thành đến Ban Giám đốc và đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Huế đã tận tâm, tận lực cứu sống bệnh nhân

Theo giáo sư tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện cho biết, kỹ thuật VA-ECMO đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/2009, chủ yếu trong hồi sức cho bệnh nhân viêm cơ tim, sốc tim sau phẫu thuật tim mạch. VA - ECMO là kỹ thuật hỗ trợ tim và phổi giúp cứu sống cho rất nhiều bệnh nhân nguy kịch, không đáp ứng với các điều trị thông thường; giúp tim và phổi nghỉ ngơi và chờ thời gian hồi phục.

Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai thành thạo kỹ thuật này với tiếp cận mạch máu ngoại vi qua da trong hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn với tỉ lệ thành công cao nhưng ít biến chứng hơn so với kỹ thuật tiếp cận mạch máu trung tâm như trong một số phẫu thuật tim mạch.

"Trong điều trị sốc nhiễm khuẩn huyết gây suy đa tạng, đặc biệt suy hô hấp cấp tiến triển, ngoài việc sử dụng kháng sinh, bù dịch, sử dụng thuốc và phương tiện hỗ trợ hô hấp tuần hoàn, cần thiết phải chú trọng đến dinh dưỡng nâng cao thể trạng và tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng”, giáo sư tiến sĩ Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.

Thuận Hóa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI