Huỳnh Tuấn Anh: Mang gánh hát xưa vào phim

17/03/2018 - 07:45

PNO - Thị trường điện ảnh Việt chưa bao giờ sôi động như giai đoạn này, trong dòng chảy muôn màu ấy, vẫn có những đạo diễn chọn dòng đề tài riêng biệt cho mình, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh là một đơn cử.

Những câu chuyện về gánh lô tô, những phận đời trôi dạt trên sông, tình người qua ly trà đá và nay là cải lương… đều là những câu chuyện mang màu sắc văn hóa Nam bộ đã và đang được đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đưa vào phim. 

Vốn là biên kịch sân khấu với những tác phẩm kịch, cải lương, lại là người gốc miền Tây, trong bộ phim đầu tay Lô tô, Tuấn Anh đã để lại dấu ấn khá đặc biệt cho người xem. Dưới góc độ điện ảnh, kịch bản lẫn dàn dựng của Lô tô chưa thật xuất sắc, nhưng dưới góc nhìn của khán giả, Lô tô đã nối dài thêm cho họ những cảm xúc lạ lẫm lẫn quen thuộc. 

Huynh Tuan Anh: Mang ganh hat xua vao phim

Lạ với người trẻ chưa biết về lô tô có thể hiểu thêm về loại hình nghệ thuật này qua những cảnh đời gắn chặt với gánh hát rày đây mai đó. Với những người thuộc thế hệ 8x trở về trước, họ phần nào thấy được ký ức thuở ngồi sân banh, bãi đất trống… chờ những đoàn lô tô ngang qua.

Lô tô là tác phẩm đầu tay, nó như mối tình với người yêu đầu, ngây thơ lắm, nên tôi chọn văn hóa Nam bộ vốn rất thương yêu để bước vào. Kiểu như chọn đúng cái cô người yêu cùng quê, cùng xóm yêu cho chắc cú, vì kiểu gì cũng biết được cửa nhà, đường đi lối về”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.

Từ những ngày làm Lô tô, Tuấn Anh đã ước mơ về một bộ phim dành riêng cho nghệ thuật cải lương, rồi cả phim về văn hóa cung đình Huế. Thế nên, khi Tuấn Anh tiếp tục bắt tay vào làm phim Gạo chợ nước sông từ kịch bản đến đạo diễn, những nhà đầu tư không còn lạ lẫm. Gạo chợ nước sông ra đời với kịch bản được phóng tác từ truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc (Nguyễn Ngọc Tư) do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng Huỳnh Tuấn Anh chấp bút kịch bản. 

Trong ký ức của Huỳnh Tuấn Anh, cải lương là những tối coi ké ti vi nhà hàng xóm. “Đó là chiếc ti vi trắng đen nên mỗi lần xem là mỗi lần tưởng tượng màu sắc phục trang của các diễn viên. Là những bữa đoàn cải lương về Hà Tiên diễn, cả nhà đi mua vé rồi mướn chiếu, mướn ghế, giành chỗ… để được coi; hay có bữa ba má không cho tiền mua vé, tôi đứng ngoài chờ nửa tuồng đặng rạp xả dàn rồi chui vào coi”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh kể lại.

Huynh Tuan Anh: Mang ganh hat xua vao phim
Phim Gạo chợ nước sông sẽ tái hiện lại thời huy hoàng nhất của cải lương

Hầu như với những đứa trẻ thế hệ đầu 8x như Huỳnh Tuấn Anh (1982), những gánh hát, ti vi đen trắng… là sự gắn bó mật thiết; cải lương cũng dần dần theo những đứa trẻ đó mà lớn lên, trở thành một phần đẹp đẽ trong đời họ.

“Những năm 1990 cải lương trở thành một phần đời sống, một tài sản ký ức đầy mộng mơ trong đó có bao nhiêu người thân, bạn nhỏ và góc quê nghèo của tôi. Thế nên, sự say mê cải lương với chính tôi không khó để cắt nghĩa. Hơn thế, giữa những năm tháng này, khi cải lương đang thoi thóp trước các loại hình giải trí khác thì bộ phim về cải lương tôi đang làm như sự hoài vọng về một phần đời sống ngập ngừng trôi mất vào tương lai. Tôi muốn làm phim về nghệ thuật cải lương như một sự tưởng niệm lẫn níu kéo cái đẹp sắp biến mất sau tấm màn nhung…”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trải lòng.

Có lẽ vì những ký ức rất riêng như thế, Huỳnh Tuấn Anh đã tự nguyện làm người kể chuyện ngày xưa cho hôm nay, dẫu ngày xưa đó chưa hẳn là xa lắm...

Cát Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI