Huỳnh Trọng Khang: “Mọi thứ đều như duyên khởi…”

19/05/2023 - 06:42

PNO - Bể trăng côi là truyện dài của nhà văn Huỳnh Trọng Khang, vừa được Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt. Đây cũng là tác phẩm hiếm hoi về đề tài COVID-19 được viết dưới hình thức hư cấu và thể hiện qua lăng kính văn hóa Phật giáo.

1. Mùa hè năm 2021 là khoảng thời gian khó khăn, nguy nan nhất của thành phố khi đối diện với dịch COVID-19. Suốt thời gian thành phố bị phong tỏa, mỗi người đều phải tự tìm cách riêng để đối diện, vượt qua và vượt thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực mỗi ngày. Với Huỳnh Trọng Khang, đó là ngồi vào bàn viết.

Bể trăng côi không phải là câu chuyện Khang chủ ý muốn viết trước đó. “Thời điểm ấy, tôi đang sửa một bản thảo khác nhưng từng ngày qua, tôi không thể nào làm việc được khi ngồi trong nhà nhưng mỗi ngày đọc biết bao tin tức về dịch bệnh, bao nhiêu người đã chết... Nếu không viết, tôi sợ mình phát điên mất” - nhà văn Huỳnh Trọng Khang nhớ lại. Bể trăng côi hình thành trước nhất vì chính nhà văn, viết để bản thân cảm thấy được cứu rỗi. Con người trong tận cùng bi thương và đau đớn, tuyệt vọng sẽ tìm thấy đạo. Đạo trong tác phẩm lần này của Khang thể hiện từ cách lựa chọn nhân vật, tuyến truyện, cách kể, tư tưởng và thấp thoáng ký ức về ngôi chùa trên núi quê nhà…

Nhà văn Huỳnh Trọng Khang (trái) vừa có buổi trò chuyện ấm cúng với bạn đọc về tác phẩm Bể trăng côi - ẢNH: LỤC DIỆP
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang (trái) vừa có buổi trò chuyện ấm cúng với bạn đọc về tác phẩm Bể trăng côi - ẢNH: LỤC DIỆP

Chuyện bắt đầu từ việc 2 thầy trò Trần Huyền Trang muốn trở về núi Sa Mạo. Hành trình đó phải đi ngang qua thành phố. Họ xuống núi mà không hề biết đó là đêm trước ngày thành phố bị phong tỏa. Họ buộc phải trú lại trong nhà dân, lại đúng vào thời gian mà cả hai thực hành “im lặng”. Khi nhân vật chính không cất lời, những cuộc đối thoại là của những con người thế tục, trước biến cố; là tư tưởng của nhà văn cất lên, qua những trang văn thể hiện rõ tinh thần của đạo Phật. Đó như điểm tựa sức mạnh cho nhà văn trú ngụ mà cũng là để xoa dịu cho người đọc - khi tiếp nhận một câu chuyện về tai ương lớn nhất của thời đại sống mà toàn nhân loại vừa phải trải qua. 

Song song đó là tuyến truyện huyễn dụ về vị sư thầy Đường Tăng - Trần Huyền Trang đời nhà Đường đi thỉnh kinh và cũng từng phải đối diện, vượt qua một trận đại dịch kinh hoàng. Nhưng ông đã lựa chọn không kể lại mà sau khi thỉnh kinh về nước, chỉ miệt mài dịch kinh Phật. 

Trăng của hôm nay vẫn như trăng của ngàn năm trước, dù thế gian ấm lạnh và con người có trải qua bao nhiêu vòng luân hồi của sinh - diệt, trầm luân. Bể trăng côi cho người đọc chìm đắm trong hồi tưởng lẫn suy tưởng, trong sự tiếp nhận lẫn sự tự lý giải, về nhiều điều chốn nhân sinh. Trích đôi dòng trên bìa 4 tác phẩm như để lại một lời đồng vọng: “Cuộc sống là một cuộc vượt qua, một sự vượt qua đầy đau đớn. Đôi khi ta tưởng mình đã qua rồi, còn một sải tay là chạm được bờ nhưng lại hụt hơi chìm xuống. Đôi khi ta cứ đứng mãi bên này nhìn sang bờ bên kia mà ao ước trở thành kẻ ước ao muôn đời”. 

Tác phẩm  Bể trăng côi -  câu chuyện cứu rỗi và xoa dịu nỗi đau được viết từ trong dịch bệnh - ẢNH:  NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Tác phẩm Bể trăng côi - câu chuyện cứu rỗi và xoa dịu nỗi đau được viết từ trong dịch bệnh - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

2. Huỳnh Trọng Khang là cây bút rất ít khi muốn nói về mình hay về tác phẩm của mình trước công chúng. Buổi trò chuyện về Bể trăng côi là lần thứ hai Khang “chịu” ngồi chia sẻ với bạn đọc về câu chuyện của mình. Lần đầu là 6 năm trước, với tác phẩm đầu tay Mộ phần tuổi trẻ - tác phẩm được trao giải thưởng Sách hay năm 2017, hạng mục Phát hiện mới.

Suốt thời gian đó anh vẫn cần mẫn với văn chương, viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, phê bình, sáng tác cho thiếu nhi và đi nói chuyện về… tác phẩm của người khác. Khang nói, với nhà văn, những gì muốn chuyển tải đến bạn đọc đều đã nằm hết trong tác phẩm, còn anh chỉ muốn lặng lẽ viết. 

Bể trăng côi bổ sung vào “gia tài” văn chương của Khang một tác phẩm đậm dấu ấn, bên cạnh Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ, Phật trong hẻm nhỏ; cùng các đầu sách viết cho thiếu nhi: Mephy! Mephy!, Bơ không phải để ăn… Tập sách tranh Khu rừng trong chai cũng vừa lọt vào top 10 tác phẩm chung khảo giải thưởng Dế mèn 2023. 

Hiện tại, Khang cho biết đã bắt đầu viết tác phẩm mới. Với anh, mọi thứ đều như một duyên khởi để có thể mở ra những nhân duyên khác trong cuộc đời. Văn chương cũng vậy. “Duyên khởi” của Khang với chữ nghĩa đã bắt đầu từ những ngày còn bé thơ, ở quê nhà An Giang, sống trong ngôi nhà có cửa sổ nhìn ra mặt hồ và xa xa là núi Sam.

“Hồi đó, cứ 3 giờ sáng là nghe tiếng chim từ trên núi vọng về. Những đêm rằm, từ cửa sổ lại nhìn thấy trăng soi xuống ngôi chùa trên núi. Cảm giác tuổi thơ lúc nào cũng sống dưới bóng chùa ấy, tôi nghĩ, điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến những trang viết của tôi, đặc biệt là với Bể trăng côi. Và đức tin là điểm tựa để tôi không cảm thấy chơi vơi trong cuộc đời” - Huỳnh Trọng Khang chia sẻ. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI