Huỳnh Thái Ngọc: Mơ ước về một “nhân vật hoạt hình quốc dân”

25/10/2021 - 18:32

PNO - Từ một cuộc chơi, Huỳnh Thái Ngọc có được công việc và nguồn thu nhập khá. Giờ thì anh ước mơ phát triển nhân vật Thỏ Bảy Màu thành hình ảnh hoạt hình mang tính đại chúng, có sức ảnh hưởng quy mô lớn.

Đam mê là gì?

Ngọc sinh ra và lớn lên tại Lấp Vò, Đồng Tháp. Thời học sinh, kết quả học tập của anh chỉ ở mức trung bình khá nên Ngọc chọn thi ngành quản trị kinh doanh của Đại học HUTECH và vừa đủ điểm đậu. Thế nhưng điều đó với ba mẹ anh là niềm hạnh phúc lớn. Còn Ngọc vẫn âm ỉ trong lòng câu hỏi: Đây có phải con đường mình thích và nên đi?

18 tuổi, khăn gói lên Sài Gòn đi học và miền đất này đã mở ra cho Ngọc một cánh cửa khác. Một lần, chàng trai sinh năm 1994 đọc được một quyển sách, trong đó nói đến khái niệm đam mê - thứ khiến bạn có thể làm mỗi ngày, tận hưởng mà không xem đó là công việc. Ngọc bắt đầu suy nghĩ…

Nhiều năm qua, Huỳnh Thái Ngọc nỗ lực làm việc, sáng tạo để nuôi giấc mơ đưa Thỏ Bảy Màu trở thành “nhân vật hoạt hình quốc dân”
Nhiều năm qua, Huỳnh Thái Ngọc nỗ lực làm việc, sáng tạo để nuôi giấc mơ đưa Thỏ Bảy Màu trở thành “nhân vật hoạt hình quốc dân”

“Tôi tìm lại trong ký ức xem việc gì từng khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, thích thú nhất. Đó là vẽ. Tôi từng vẽ rất nhiều thứ từ thời đi học. Song ở quê ngày trước rất khó tìm trường lớp rèn luyện thêm. Thế là sự say mê đó cũng tạm xếp vào một góc nào đó”, anh tâm sự.

Sau nửa năm đại học, Ngọc xin phép ba mẹ dừng việc học quản trị kinh doanh để chuyển sang học thiết kế đồ họa. Ngọc bảo từ nhỏ ba mẹ anh đã không đặt kỳ vọng hay mơ ước gì lớn nên anh thích gì, chọn gì cũng được. Ngọc vừa học vừa làm nhưng rồi công ty giảm biên chế, anh mất việc. Rồi tình cờ, Ngọc đọc được một bài báo rằng công việc vẽ chibi có thể kiếm được 10 triệu đồng/tháng. Ngọc làm liều, xin gia đình 2,8 triệu đồng để mua bảng vẽ. 

Thỏ Bảy Màu ra đời, một khối liền, chỉ có gò má, mắt, không có miệng. Cảm thấy hơi đơn điệu, Ngọc cho thêm một số câu vui vui để nhân vật này phát biểu như: “Muốn bùng cháy”, “Mạnh mẽ lên”… Bất ngờ, khi chia sẻ lên Facebook, Ngọc nhận về hàng ngàn lượt yêu thích, bình luận, chia sẻ cho mỗi ảnh.

“Đó là một bước ngoặt với người dùng mạng xã hội vốn chỉ có chừng chục lượt thích, bình luận cho mỗi bài viết. Một người quen khuyên tôi lập fanpage. Tôi cũng nhận ra đây có thể là cơ hội”, Ngọc nhớ lại. Anh cũng không ngờ từ đây cuộc đời anh rẽ sang trang mới.

Từ vui thành nghề

Để tăng sự thú vị cho Thỏ Bảy Màu, Ngọc bắt đầu xây dựng những câu chuyện, cho thỏ có thêm những người bạn để tương tác, dần dần hình thành một cụm nhân vật. Chỉ sau một tháng, anh nhận được hợp đồng quảng cáo đầu tiên, cho một game, trị giá 2,5 triệu đồng. “Tính ra còn lỗ tiền bảng vẽ 300.000 đồng. Tuy nhiên, đây là tín hiệu để tôi biết công việc này có thể nuôi sống mình”, anh cười nhớ lại, như chuyện mới hôm qua. 

 

Với người dùng mạng xã hội, Thỏ Bảy Màu không phải nhân vật xa lạ. Con thỏ ấy là đại diện của sự tinh ranh nhưng luôn giúp người khác cười và giải trí, lan tỏa năng lượng tích cực - thông điệp Ngọc muốn chuyển tải. Bên ngoài nhìn ngây thơ, trong sáng nhưng Thỏ Bảy Màu khá “xéo xắt”, nghịch ngợm, thường “đá đểu” những điều chưa được nhằm mang lại tiếng cười cho mọi người. Đó cũng là tiếng lòng, suy nghĩ của Ngọc mà đôi khi anh không thể bộc lộ.

“Bạn Thỏ này giống tôi nhất trong những năm học phổ thông đến 20-21 tuổi. Trước đó, tôi hay trêu chọc mọi người nhưng không quan tâm đến cảm xúc của họ. Khi lớn dần, tôi biết điều gì nên và không, điều gì cần tiết chế. Nhân vật này cũng lớn dần theo chủ nhân”, anh nói.

Lớn ở đây không chỉ là thời gian mà còn ở tính chất bên trong của nhân vật thỏ. Năm 20 tuổi, Ngọc làm mọi việc bằng đam mê, muốn mang tiếng cười cho mọi người, giúp họ có được những niềm vui nhỏ sau những bộn bề, áp lực. Dần dần, đây trở thành công việc phải cân bằng giữa kinh doanh và sáng tạo. 

Thế hệ 8X thích Thỏ Bảy Màu, gen Z (những người sinh từ năm 2000) cũng mê nhân vật này. Anh hiểu đây không đơn thuần là niềm vui mà trở thành cộng đồng để gắn kết những thế hệ. Vì thế, việc sáng tạo nội dung phải đảm bảo phù hợp với một biên độ trải rộng, quan trọng nhất là phải văn minh. Áp lực của Ngọc tăng lên khi anh hiểu việc đang làm ảnh hưởng đến số đông; làm sao tránh khỏi những lúc cạn ý tưởng, tuột cảm xúc. “Những lúc đó, tôi tạm gác mọi thứ, đi chơi để cân bằng lại. Thời điểm đó, nếu có tiền gửi ba mẹ thì tốt, không thì chỉ cần đủ nuôi sống bản thân”, anh nhớ lại.

Vậy mà chỉ sau ba năm, Ngọc đã phải trở thành một người khác hơn, suy nghĩ lớn hơn, trong tình thế bắt buộc. Mỗi tháng, anh nhận về 20-30 hợp đồng quảng cáo. Khoảng năm 2016-2017, lượng công việc tăng lên quá tầm kiểm soát khi các nhãn hàng quần áo, quà tặng, mỹ phẩm… muốn kết hợp để dùng hình ảnh. Ngọc buộc phải tuyển thêm nhân sự, lui về cố vấn ý tưởng, quản lý. 

Đây cũng là khi anh tiếc nuối nhiều nhất cho lời hứa dở dang với ba mẹ. Cảm giác bất an khi “giao con cho người khác giữ”, nhân viên làm không đúng ý cũng chẳng dám càm ràm rồi tự ôm đồm công việc... khiến Ngọc mệt mỏi nhưng vẫn phải làm. Phải mất một thời gian, anh mới thích nghi được. “Giá như ngày đó tôi theo học quản trị kinh doanh thì việc quản lý con người đã tốt hơn. Học thêm, biết thêm một điều gì đó chưa bao giờ muộn, cũng không bao giờ không có ý nghĩa”, anh nói. 

Không thỏa hiệp

Ngọc không cho rằng anh thành công, chỉ là anh đang có một công việc tốt, có thu nhập tốt. Anh cười bảo, nếu ngày trước thỏa hiệp với ba mẹ thì thật khó để tưởng tượng anh của hiện tại. Anh nói, khi đưa ra quyết định theo nghề gì, phải xác định đam mê, chỉ khi đó mới sẵn sàng bỏ thời gian, công sức nghiên cứu. 

Bảy năm qua, Ngọc không ít lần từ chối những lời mời hợp tác hoặc có những hợp đồng bị hủy do không đạt được thỏa thuận. Điều này cũng xuất phát từ thái độ không thỏa hiệp của anh. Nội dung quảng cáo đều phải do ê-kíp của anh thực hiện để đảm bảo phù hợp với tính chất của nhân vật. Ngọc cũng nói không với việc chạy theo các trào lưu, sự kiện bất chấp có phù hợp hay không. Theo Ngọc, điều đó sẽ làm mất bản sắc của nhân vật. “Cuối cùng, nhân vật chỉ còn là nơi để thể hiện những mong muốn của đám đông. Điều đó, tôi nghĩ không nên”, anh chia sẻ.

Thế hệ 8X thích Thỏ Bảy Màu, gen Z cũng mê nhân vật này
Thế hệ 8X thích Thỏ Bảy Màu, gen Z cũng mê nhân vật này

Đầu năm 2021, anh và ê-kíp cho ra mắt một đoạn phim hoạt hình ngắn, thu hút hơn 5 triệu lượt xem và hơn 500.000 lượt thích, hàng trăm ngàn bình luận trên mạng xã hội. Ngọc bảo mọi thứ như mở ra chân trời mới, có thể vận dụng tối đa kỹ năng vẽ, xử lý hành động, âm thanh. Thời gian tới, anh muốn phát triển thành phim hoạt hình dài tập, có câu chuyện chứ không đơn thuần những clip đơn lẻ.

Đây là một trong những bước đi để anh hiện thực hóa ước mơ đưa nhân vật Thỏ Bảy Màu trở thành hình ảnh hoạt hình mang tính biểu tượng trên phạm vi rộng lớn. “Tôi thấy các bạn trẻ luôn thích thú với các nhân vật hoạt hình của nước ngoài. Trong khi ngôn từ, hình ảnh, sự sáng tạo của người Việt cũng không kém, vì sao lại không nuôi giấc mơ để Thỏ Bảy Màu trở thành “nhân vật hoạt hình quốc dân”?”, Ngọc hào hứng chia sẻ.

Anh cũng không quên khoe niềm vui nhỏ khi quyển sách Thỏ Bảy Màu và những người nghĩ nó là bạn đã bán hết 5.000 bản cách đây không lâu. Quần áo, ba lô cứ hơn một tháng sẽ hết hàng. Với những gì đang có, anh tự tin đã đi được 30% quãng đường. 30% tiếp theo, Ngọc và các cộng sự sẽ đưa nhân vật này vào đời sống qua nhà sách, cửa hàng thú nhồi bông, khu vui chơi trẻ em, mỹ phẩm... Đồng thời, anh cũng đẩy mạnh kênh YouTube để những đoạn phim được tiếp cận nhiều người hơn.

“Có người bảo ước mơ này lớn nhưng quan trọng nhất, chúng tôi có sự nỗ lực, cố gắng để biến chúng thành sự thật”, Ngọc nói, với niềm tin chắc nịch.

Thành Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI