Huỳnh Nga - nghệ sĩ của nhân dân

04/04/2013 - 10:15

PNO - PN - Thật lòng, tôi không mặn mà lắm với ý tưởng gọi là “đêm tôn vinh” NSND Huỳnh Nga; trước đó nữa là soạn giả - NSND Viễn Châu. Nói chính xác hơn là tôi… sợ, một nỗi sợ mơ hồ. Cứ như thể, vì muộn màng lắm rồi, thiệt...

Đêm nay, tôi diễn vai cô Lựu. Như mấy ngàn đêm diễn, suốt gần ba mươi năm qua, cảnh Lựu bị chồng là Hội đồng Thăng ghen tuông, hoạnh họe. “Vô trong lấy cây ba-toong cho tui” - tiếng thoại của Diệp Lang nửa chì chiết, gằn ám. Không gian đặc quánh, chỉ còn độc tiếng của ông Hội đồng. Mọi người nghe tiếng ông Hội đồng nhưng dõi theo từng chuyển động của bà Lựu.

Đạo diễn Huỳnh Nga chỉ đạo diễn xuất: “Cứ để cho Hội đồng lồng lộn, y ta càng lồng lộn Bạch Tuyết càng im lặng, không được khóc. Anh muốn Bạch Tuyết bất động cho đến khi trao cây gậy, nhưng em không được để cho Diệp Lang chạm cây gậy, không cho ông ta kịp cầm lấy cây gậy… Phản xạ của em kế tiếp là gì, anh muốn em khai phá…”.

Mười tám năm đảo điên thế cuộc, xa chồng, mất con, nay sự thật phũ phàng bày ra, những lỡ lầm, ngang trái, những yêu thương, giằng xé như không thể còn chất chứa nổi, dâng cây ba-toong cho kẻ bạo quyền, kẻ mà Lựu những tưởng “gá nghĩa để đền ơn”, Lựu như vỡ òa mọi dồn nén bấy lâu… Sự ẩn ức thoạt nhìn tưởng là hệ quả của màn tra khảo ghen tuông, kỳ thực lại là sự bùng nổ của nội tâm, của sự thức tỉnh nơi Lựu. Thương người, oán người hay trách mình, xót đau cho chính mình…Cứ thế, tôi để cho Lựu ôm lấy gương mặt tang thương của mình, nấc lên một tiếng, nửa thoát lên tiếng ai oán, nửa như nuốt vào trong. Nghẹn. Đau. Rã rời.

Huynh Nga - nghe si cua nhan dan

NSND Huỳnh Nga và vợ

Từ đâu, đạo diễn Huỳnh Nga bước lại, ông ghé tai tôi, Bạch Tuyết chốt lại đường dây này cho anh nghen, không thể hay hơn.

Khi Đời cô Lựu thành công vang dội khắp nơi, nhiều thế hệ khán giả nhớ như in “màn diễn cây gậy” với tài năng của một NSND Diệp Lang bậc thầy và tiếng nấc của bà Lựu, nhưng ít ai hay, người âm thầm vẽ nên đường dây ấy, dáng vóc sân khấu ấy là đạo diễn - thầy tuồng Huỳnh Nga.

Huỳnh Nga là dân kịch nói chính gốc. Ông được đào tạo hẳn hoi ở nước ngoài. Vậy mà cái làm nên hồn vía của “ông già Nam bộ” này lại là cải lương. Chính nhờ “con đường vòng” ấy - học và tìm hiểu cải lương trên nền tảng của một người am tường kịch nói, với đầy đủ thể hệ Stanhilavski - mà Huỳnh Nga đã kết hợp hài hòa giữa phép biện chứng tâm lý với cảm xúc trữ tình trong ngôn ngữ dàn dựng cải lương. Sự kết hợp đó nhuần nhuyễn và ý nhị đến mức gần như không có sự phân biệt giữa tả ý hay tả chân; mà trong ngôn ngữ thực có những điểm xuyết ước lệ, ảo - thực là phương tiện để ông chuyển tải ý đồ nghệ thuật một cách rốt ráo nhất, “đẹp mà thật” nhất. Hiếm có đạo diễn cải lương (và cả kịch nói) hài hòa và biện chứng được các yếu tố nghệ thuật nói trên - như Huỳnh Nga và Lưu Chi Lăng.

Còn nhớ, ngày đưa tang má Bảy, ông là một trong ba người con trai chống gậy đi sau quan tài của bà. Có lẽ những ngày tháng theo học và tìm hiểu cải lương, ông đã cảm phục một tài năng, hơn thế nữa, là một nhân cách. Đáp lại, ông dành trọn tâm sức cho cải lương, hẳn thầy tôi - NSND Phùng Há mãn nguyện lắm!

Huynh Nga - nghe si cua nhan dan

Huỳnh Nga kiêu bạc như chính tài năng của ông. Những câu bông đùa, trêu chọc, thậm chí là… móc câu, như là cách ông làm phép thử tâm lý ứng xử của người đối diện. Bởi bản chất, ông nhân hậu và bao dung, ông tỉnh táo và khiêm nhường. Một đạo diễn lẫy lừng như ông, đến buổi tập tuồng đúng giờ, kiên nhẫn ngồi chờ từng diễn viên (mà hầu hết là diễn viên trẻ). Ông đốt thuốc, ngồi ngay trước cửa rạp, lặng lẽ ngắm nhìn dòng xe cộ, như chấp nhận một dòng sống đang trôi qua, có sự trễ nãi, có sự không hoàn thiện…

Nhiều hôm gặp nhau, cùng chụm đầu làm giám khảo, tôi lo lắng khi thấy bước đi ông chậm hơn trước, ông cười, như lẽ thường. Nhưng, đến phần tranh luận của các thành viên giám khảo, ông từ tốn mà sắc bén lạ thường, mỗi phân tích, đánh giá đều chính xác, khoa học và… nặng tình.

Trong chương trình nghệ thuật Cải lương chi bảo Bạch Tuyết, ở trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga, có một vai diễn nhỏ đến mức không thể… nhỏ hơn: thầy cúng. Vị đạo diễn lẫy lừng ấy đã không chút nề hà, nhận cái “vai diễn” không có nổi một câu thoại, duy nhất động tác làm phép cây nhang rồi… hết.

Đêm nay, các nghệ sĩ cải lương chúng tôi quây quần để tôn vinh đạo diễn - NSND Huỳnh Nga. Ngẫm lại, con người ấy, một đời dàn dựng cả trăm vở diễn, người tạo nên sự sống cho hàng trăm diễn viên, sức sống cho hàng trăm vở diễn, vậy mà một đêm “vẽ mặt” cho chính mình, ông lại ngại ngần. Bởi đơn giản, ông là Huỳnh Nga - nghệ sĩ của nhân dân.

NSND Bạch Tuyết

Tối 4/4/2013, chương trình Làn điệu phương Nam - vinh danh NSND - đạo diễn Huỳnh Nga diễn ra tại Nhà hát Thành phố. Chương trình do Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM, Đài PT-TH Hậu Giang phối hợp tổ chức. Phục vụ miễn phí.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI