Huyết áp tăng cao vì tương tác thuốc

06/07/2021 - 06:27

PNO - Khi mà dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TPHCM, toàn thành phố thực hiện giãn cách, các bác sĩ ghi nhận nhiều bệnh nhân quản lý huyết áp, sử dụng thuốc huyết áp tại nhà chưa đúng gây ảnh hưởng sức khỏe.

Tương tác thuốc huyết áp với thuốc kháng lao

Vừa qua, bác sĩ Nguyễn Đình Sơn Ngọc, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, liên tiếp ghi nhận các trường hợp bị ảnh hưởng sức khỏe do sử dụng thuốc huyết áp chưa đúng. 

Điển hình là bệnh nhân P.T.K., 67 tuổi, ngụ Q.10. Bà K. được chẩn đoán đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, lao phổi cũ. Bệnh nhân đang dùng thuốc ngoại trú đều đặn. Tuy nhiên, khoảng một tháng nay, bà hay bị ho, sốt, ớn lạnh về chiều. Bà đi khám gần nhà thì được chẩn đoán lao phổi nên dùng thêm thuốc kháng lao. Sau khi dùng thuốc kháng lao, bà thấy huyết áp mình lúc nào cũng cao 180 - 190mmHg dù đã uống thuốc huyết áp đầy đủ. 

Người có tiền sử bệnh lý huyết áp cần tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ và đi khám ngay khi thấy huyết áp dao động, khó kiểm soát
Người có tiền sử bệnh lý huyết áp cần tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ và đi khám ngay khi thấy huyết áp dao động, khó kiểm soát

Bà K. lo lắng nên đến phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM kiểm tra. Lúc này, bác sĩ xem lại các loại thuốc bà đang dùng thì thấy có sự tương tác giữa thuốc huyết áp và thuốc kháng lao. Thuốc kháng lao đã làm giảm tác dụng của loại thuốc huyết áp mà bà K. đang dùng. Bệnh nhân đã được bác sĩ đổi sang loại thuốc huyết áp khác.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Sơn Ngọc, may mắn bệnh nhân được phát hiện kịp thời để điều chỉnh lại thuốc. Nếu tình trạng huyết áp cao không được xử trí, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm khó lường. Qua trường hợp này, bác sĩ lưu ý những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính phải dùng thuốc thường xuyên nếu uống thêm bất cứ thuốc gì thì cần khai báo bệnh sử và nói cho bác sĩ biết những loại thuốc mình đang uống để tránh xảy ra tình trạng tương tác thuốc.

Một trường hợp khác sử dụng thuốc huyết áp sai cách là anh N.Đ.N., 32 tuổi, ngụ Q.Tân Phú. Một tuần nay, anh thấy đau đầu, chóng mặt nên tới Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám. Bác sĩ ghi nhận huyết áp của bệnh nhân rất cao, 160 - 170mmHg. Sau khi điều tra bệnh sử, bác sĩ biết được bệnh nhân mới phát hiện mình bị tăng huyết áp từ bốn tháng trước. Bệnh nhân có thói quen mỗi ngày hút từ 5 - 10 điếu thuốc lá, đang điều trị thuốc Valsartan 80mg một viên uống buổi sáng, Amlodipin 5mg một viên uống buổi chiều.

Trong thời gian dịch bùng phát, bệnh nhân không tái khám, thấy huyết áp ổn định, sợ uống thuốc huyết áp sẽ bị hạ huyết áp nên tự ý ngưng. Bệnh nhân N. đã được bác sĩ tư vấn phải uống theo đúng chỉ định, không được tự ý bỏ thuốc, theo dõi huyết áp tại nhà và cai thuốc lá. Thói quen hút thuốc lá chính là yếu tố gây ảnh hưởng tới huyết áp.

Uống thuốc tùy hứng, thói quen dùng toa cũ

Theo bác sĩ Phạm Minh Công, chuyên khoa Nội, Bệnh viện Thống Nhất, trong thời gian ba tuần trở lại đây, số trường hợp dùng thuốc huyết áp sai, chưa quản lý tốt huyết áp chiếm 20% tổng số bệnh nhân mà mình khám, tư vấn.

Ngay trong ngày 29/6, bác sĩ Phạm Minh Công đã khám cho nam bệnh nhân 67 tuổi, ngụ Q.Tân Bình. Lý do khiến bệnh nhân vào viện khám là vì gần đây hay bị nhức đầu, chóng mặt. Sau khi thăm khám, trò chuyện, bác sĩ Phạm Minh Công phát hiện bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, được chỉ định uống thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, ở nhà, chỉ khi nào bị mệt, đo huyết áp thấy tăng thì bệnh nhân mới lấy thuốc ra uống, còn bình thường bệnh nhân không uống thuốc. 

Ngoài ra, bác sĩ Phạm Minh Công cũng gặp không ít trường hợp bệnh nhân tự uống thuốc huyết áp theo toa rất cũ, có toa thuốc được bệnh nhân sử dụng liên tục trong 5 năm. Trong khi đó, tình trạng bệnh sẽ thay đổi, chưa kể bệnh nhân còn mắc kèm theo những bệnh lý khác mà chỉ khi tái khám định kỳ mới phát hiện để điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Toa thuốc cũ đôi khi không đủ liều, dẫn tới ít hiệu quả trong điều trị và kiểm soát huyết áp. 

Bên cạnh đó, nếu huyết áp dao động khó kiểm soát dù bệnh nhân vẫn tuân thủ uống thuốc đầy đủ thì mọi người không được chủ quan mà cần đi khám ngay, bởi đây rất có thể là dấu hiệu của một bệnh lý đi kèm khác. Đơn cử như trường hợp của nam bệnh nhân T.V.B., 58 tuổi, tạm trú Q.Bình Tân. Ông B. được chẩn đoán tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 từ 5 năm nay và đang điều trị bằng thuốc viên. Khoảng một tháng nay, dù ông tuân thủ chế độ điều trị, uống thuốc đầy đủ nhưng huyết áp vẫn dao động ở mức 160 - 170mmHg. Ông lo lắng nên tới Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm đánh giá lại tình trạng tăng huyết áp của ông B., bác sĩ Nguyễn Đình Sơn Ngọc thấy ông bị tăng huyết áp thứ phát, nguyên nhân do u tuyến thượng thận gây tăng tiết catecholamin máu. 

Phân biệt hội chứng áo choàng trắng với tăng huyết áp mạn tính

Có rất nhiều người chưa quan tâm đúng mức và tầm soát huyết áp, tim mạch định kỳ. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, không ít trường hợp khi tới tiêm vắc-xin COVID-19, lúc khám sàng lọc đã phải ngồi đợi rất lâu hoặc hoãn tiêm vì lý do huyết áp tăng hoặc mạch đập nhanh. Qua đó, nhiều người mới vô tình phát hiện mình có bệnh lý về huyết áp hoặc tim mạch. 

Tuy nhiên, đôi khi tăng huyết áp hoặc mạch đập nhanh trước khi tiêm ngừa còn có thể do hội chứng áo choàng trắng gây ra. Bác sĩ Phạm Minh Công cho biết, hội chứng áo choàng trắng có thể hiểu nôm na là khi một số người gặp nhân viên y tế thì xuất hiện sự lo lắng, hồi hộp khiến huyết áp tăng. Đây chỉ là tình trạng tăng huyết áp thoáng qua, bệnh nhân chỉ cần ngồi nghỉ, bình tĩnh lại thì mọi thứ sẽ trở về bình thường. Đó là lý do tại sao khi khám sàng lọc thấy huyết áp của bạn tăng, mạch đập nhanh, nhân viên y tế đề nghị ngồi chờ 20 - 30 phút sau hãy vào đo huyết áp lại. 

Cách phân biệt hội chứng áo choàng trắng với tăng huyết áp mạn tính là theo dõi chỉ số huyết áp trong khoảng thời gian dài. Nếu dùng máy đo mà khi bình thường chỉ số huyết áp tâm thu của bạn lớn hơn khoảng từ 120 - 140mmHg thì chính là dấu hiệu cần phải lưu ý. 

 Thanh Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI