PNO - Từ một bộ phim tâm lý lãng mạn ban đầu, "Who You Think I Am" càng lúc càng có chiều hướng trở thành một tác phẩm hình sự kiểu “Hitchcockian“ gây sốt.
Những huyễn tưởng tình ái của đàn bà tiền mãn kinh, những cái bẫy rình rập nguy hiểm của trò chơi tình ái trên mạng khiến Who You Think I Am (Anh nghĩ tôi là ai) trượt dần từ ranh giới của một bộ phim tâm lý lãng mạn sang một tác phẩm hình sự gay cấn tập trung vào việc nghiên cứu tâm lý bất ổn của nhân vật phụ nữ tuổi trung niên. Kẻ săn mồi đồng thời tự sập bẫy chính mình ấy, qua diễn xuất của Juliette Binoche trở nên đáng tin cậy hơn bất kỳ nữ diễn viên nào khác mà tôi có thể nghĩ ra.
Juliette Binoche không còn ở thời đỉnh cao nhan sắc và tài năng, kiểu “cái đẹp chết người” của femme fatale (đàn bà oan nghiệt) trong Damage (1992), của cô gái mới lớn khát khao tình ái trong The Unbearable Lightness of Being (1988), của sự mong manh đầy thương tổn của người phụ nữ đánh mất tất cả trong Blue (1993), hay vẻ đẹp trong sáng hoặc rất đàn bà tính trong hai bộ phim giúp cô đến gần với khán giả toàn cầu trong The English Patient (1996) và Chocolat (2000).
Juliette Binoche vào vai Claire - nữ giáo sư văn chương đã ngoài 50 tuổi, thành đạt nhưng cô đơn trong Who You Think I Am
Tuy nhiên, nếu để chọn một nữ diễn viên Pháp có sự nghiệp bền vững nhất trong ba thập niên qua, đóng phim Pháp cũng hay mà lấn sân sang Anh, Mỹ cũng tài, chắc không ai qua được Juliette Binoche, kể cả Marion Cotillard (nữ diễn viên Pháp đoạt giải Oscar nhờ La Vie en Rose) sau này. Những năm gần đây, tôi thích Binoche trong những vai diễn già dặn và có chiều sâu của sự chiêm nghiệm hơn, như Certified Copy (một trong những tác phẩm xuất sắc cuối đời của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami), Clouds of Sils Maria hay gần đây là Let the Sunshine In hay High Life.
Tác phẩm mới nhất của Juliette Binoche ra mắt năm 2019: Who You Think I Am (Celle que vous croyez), là bộ phim thuộc dạng “psychological thriller“ (hình sự tâm lý) của Pháp. Binoche vẫn đẹp, vẫn sang trọng và quyến rũ của một quý bà, nhưng đã thấy dấu hiệu bất ổn tâm lý của tuổi trung niên. Chị vào vai Claire, một nữ giáo sư văn chương đã ngoài 50 tuổi, thành đạt nhưng cô đơn. Gã chồng lớn tuổi chạy theo một cô gái tóc vàng đáng tuổi con, hai đứa con trai mới lớn cũng xa cách và ít khi nói chuyện với mẹ. Claire cố níu giữ tình yêu sống những năm tháng tiền mãn kinh bằng cách yêu một gã trai trẻ, một anh chàng chắc cũng chỉ đáng tuổi con và vô tâm như những gã trai ở lứa tuổi ấy.
Cuộc chơi tình ái trên mạng trượt dần từ một phim tâm lý lãng mạn sang hình sự gay cấn
Sau màn ân ái hùng hục, gã trai trẻ bỏ chị để tận hưởng một dịp cuối tuần tự do phóng túng của bọn đàn ông nhiều dương khí. Khi Claire tỏ ra hờn dỗi, gã tình nhân còn bồi thêm một câu khiến chị tổn thương gấp bội: “Không phải em quá già để giận dỗi kiểu đó rồi sao?”. Rồi anh ta biến mất. Claire không thể liên lạc được bằng điện thoại. Chị tìm cách gọi cho anh bạn ở cùng nhà thì hắn nhất định không chuyển máy, dù vẫn nghe tiếng anh bồ trẻ lao xao quanh đó.
Tuyệt vọng, cô đơn và không biết làm gì với thời gian nhàn rỗi của mình, Claire lên facebook lập một tài khoản giả mạo, lấy ảnh của một cô gái tóc vàng quyến rũ bằng nửa tuổi mình, rồi nhảy vô “add“ và “like“ dạo những bức ảnh của anh bạn làm nghề nhiếp ảnh gia ở cùng nhà với anh bồ trẻ. Mục đích của Claire không gì khác là theo dõi và moi tin anh bồ trẻ từ anh bạn cùng nhà.
Thế nhưng, mọi chuyện dần dần dẫn Claire đi quá xa mục đích ban đầu. Từ tin nhắn chuyển sang gọi điện, từ gọi điện chuyển sang “phone sex“ (tình dục qua điện thoại), và cuối cùng đòi chuyển sang gặp mặt khi anh chàng nhiếp ảnh gia trẻ tuổi kia có vẻ bị hấp dẫn bởi giọng nói quyến rũ và trải đời của chị. Làm sao để một nữ giáo sư văn chương tuổi chớm già thoát được cái bẫy do mình giăng ra? Làm sao để thoát khỏi huyễn tưởng tình ái tuổi tiền mãn kinh?
Từ một trò chơi mang tính trả thù nhẹ nhàng, Claire đã tự đưa mình vào bẫy khi trò chơi càng lúc càng trở nên nghiêm trọng và không còn đường để lùi. Mặc cảm về danh tính ngày càng leo thang, Claire tự biến mình thành một kẻ chơi trò “lộng giả thành chân” của không gian ảo, và ngày càng tự trói chặt mình theo chiều hướng tồi tệ hơn. Từ một bộ phim tâm lý lãng mạn ban đầu, Who You Think I Am càng lúc càng có chiều hướng trở thành một tác phẩm hình sự kiểu “Hitchcockian“ gây sốt.
Phim có cấu trúc phi tuyến tính, mở đầu bằng một ca điều trị tâm lý. Claire đối mặt với những câu hỏi “điều tra” của một nữ bác sĩ lớn tuổi được dẫn dắt xen kẽ suốt phim. Nhưng trong giọng kể có vẻ tự thú của Claire, ta vẫn thấy chị cố che giấu một điều gì đấy, hay chị không thực sự hiểu cái bẫy do mình giăng ra sẽ đưa mình đi tới đâu, bởi xem đến cuối cùng, khán giả cũng rơi vào hoang mang không hiểu đâu là cái kết thực? Hay chị vẫn đang trong cơn huyễn tưởng của chính mình?
Phim Who You Think I Am phản ánh nhiều vấn đề của xã hội đương đại
Được chuyển thể từ tiểu thuyết năm 2016 của Camille Laurens và do Safy Nebbou đạo diễn, Who You Think I Am không hẳn là một bộ phim xuất sắc và vẫn để lộ một vài điểm hạn chế hoặc thiếu logic mà thể loại phim “psychological thriller“ thường đòi hỏi. Tuy nhiên bộ phim vẫn cuốn khán giả một mạch suốt cả 100 phút nhờ phản ánh nhiều vấn đề của xã hội đương đại, từ chuyện xung đột thế hệ đến các quy tắc ứng xử trong thời đại trực tuyến, nếu bạn không muốn trở thành con mồi tự mắc trong cái bẫy rập do chính mình giăng ra.
Phần nhạc nền lôi cuốn của nhạc sĩ nhạc jazz Ibrahim Maalouf hỗ trợ chính xác cho tâm trạng phân thân của nhân vật trong trò chơi kiểu mèo vờn chuột trên không gian ảo, mà ta không thực sự biết ai mới là mèo và ai
là chuột.
Và hơn tất cả, diễn xuất luôn làm chủ mọi cuộc chơi tâm lý của Juliette Binoche, khiến ta hoàn toàn tin vào những cơn huyễn tưởng đàn bà tuổi trung niên của Claire - người phụ nữ có tất cả, nhưng thừa nỗi cô đơn!