Huyền thoại nữ nhân: Đưa Kiều vào múa

29/11/2016 - 13:43

PNO - Vở múa Huyền thoại nữ nhân (Myth Of Woman) của các nghệ sĩ Việt - Hàn diễn ra tối 28/11 tại nhà hát TP.HCM kết hợp nhiều loại nhạc cụ, những đoạn thơ kinh điển của hai nước để miêu tả thăng trầm cuộc đời người phụ nữ.

Cảm tác từ hình ảnh nàng tiên Hằng Nga lắng nghe những câu chuyện của người phụ nữ ở nhân gian: nàng Kiều, Hồ Xuân Hương, nàng Hwang Jin-Yi… cả vở múa như một bài thơ dài đầy cảm xúc. Hành trình cuộc đời của người phụ nữ từ lúc thiếu nữ, yêu đương, mang thai sinh con, trở thành người mẹ, chăm sóc và hy sinh cho chồng con, cho đến khi tóc bạc, da mồi ngậm ngùi nhìn lại cuộc đời với bao cực nhọc khổ đau lẫn niềm hạnh phúc hân hoan… được biên đạo Chun Yoo Oh miêu tả một cách ước lệ để mở ra không gian tưởng tượng miên man cho khán giả, trong những thanh âm lãng mạn.

Bài thơ Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương) và phân đoạn trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được lồng ghép khéo léo vào vở múa để diễn tả hai giai đoạn của đời người: mong ước của cô gái trong tình yêu và một phụ nữ chiêm nghiệm trầm luân cuộc đời ở tuổi về chiều.

Huyen thoai nu nhan: Dua Kieu vao mua

Lên đề cương từ một năm trước, bà Chun Yoo Oh cùng đạo diễn Jung Sun-Goo đã mất nhiều thời gian tìm hiểu thơ Việt Nam và cuối cùng chọn hai tác phẩm kinh điển với những câu: “Có phải duyên nhau thì thắm lại/ đừng xanh như lá bạc như vôi” để diễn tả tâm tư của người phụ nữ Việt. Cùng với những câu ca dao, bài thơ từ thế kỷ XV-XVI của Hàn Quốc, hình ảnh phận má hồng “trải qua một cuộc bể dâu” được tái hiện lộng lẫy, thi vị mà cũng thấm đẫm tâm tư.

Trên sân khấu, nâng đỡ những động tác bay bổng là giao hòa thanh âm của các nhạc cụ: tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Lê Hoài Phương, tiếng kèn clarinet bay bổng của nghệ sĩ Đào Nhật Quang, ngón đàn piano của nghệ sĩ Sang-Goo Kang, đàn cầm (Gagageum) và trống dân tộc Hàn Quốc.

Sự giao hòa của nghệ thuật Tây - Đông mang đến màu sắc mới lạ, đồng thời cũng thử thách khả năng của người chơi. Tiếng kèn clarinet của nghệ sĩ Đào Nhật Quang nghe bay bổng và nhẹ như sáo fl ute, thực chất như anh tâm sự - lại đòi hỏi quá nhiều nỗ lực tập luyện mà trước đó anh chưa thể nghiệm bao giờ.

Hòa vào tiếng đàn, điệu múa là giọng nữ cao điêu luyện của nghệ sĩ Hàn Quốc Cho Hae Ryong (ảnh nhỏ). Thanh âm lả lướt, tha thiết như tiếng gió của cô mang màu sắc liêu trai huyền thoại. Là một phụ nữ Hàn theo chồng sinh sống ở Việt Nam, Cho Hae Ryong tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc trong những động tác vũ đạo đẹp, nhất là cảm nhận về mẹ trong hình ảnh sinh linh mới chào đời. Cô cũng là hiện thân của sự kết nối Hàn - Việt trong vở diễn mà như cô nói là “gần gũi tựa như khoảnh khắc mình nhìn thấy lẫn nhau trong tấm gương”.

Bốn nữ nghệ sĩ của nhóm múa Hàn Quốc Mulmatdol gồm Joh Sang-Rin, Park Su-Jin, Lee JungSun, An Hyo-Jung, cùng các diễn viên Hoàng Yến, Thái Bình và Thùy Trang của Nhà hát Giao hưởng - nhạc vũ kịch TP.HCM kết hợp nhuần nhuyễn trên sân khấu trong những động tác hiện đại.

Không có nhiều thời gian ráp lại cùng nhau, họ tự tập luyện là chủ yếu, trao đổi qua video trong suốt nhiều tháng và chỉ thực sự phối hợp cùng nhau một cách cật lực trong những ngày cuối cùng trước khi lên sân khấu.

Huyen thoai nu nhan: Dua Kieu vao mua
Các nghệ sĩ tham gia Huyền thoại nữ nhân đang miệt mài tập luyện

Đây không phải lần đầu tiên đạo diễn Jung Sun Goo và bà Chun Yoo Oh ra mắt tác phẩm về người phụ nữ Việt. Thân phận phụ nữ là niềm cảm hứng bất tận với họ, được thể hiện qua các vở Saigon Arirang, Cây nỏ thần (truyền thuyết Mị Châu)… trước đó, cũng phối hợp cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng - nhạc vũ kịch TP.HCM.

Sự phối hợp này ngày càng sâu rộng hơn, với số nghệ sĩ tham gia trình diễn ngày càng đông hơn, ở cả ba đoàn: giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch. Nói như nhạc trưởng Trần Vương Thạch: “Không chỉ có yêu thương, cuộc đời một nửa thế giới còn được lấp đầy bởi vẻ đẹp. Đẹp hình dáng, đẹp tâm hồn và đặc biệt họ đẹp vì những trọng trách mang bên mình trong suốt cuộc đời”.

Vé mời miễn phí được phát tại phòng vé Nhà hát Giao hưởng - nhạc vũ kịch TP.HCM (Nhà hát Thành phố, số 7 Công trường Lam Sơn, Q.1)

Đinh Hà 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI