Một thế kỷ kể từ ngày 15/10/1917, khi Mata Hari - điệp viên phản quốc, kẻ dối trá thủ đoạn, người phụ nữ độc ác đến tận xương tủy - bị áp giải đến trường bắn, tên tuổi của cô vẫn vang vọng.
|
Vũ công huyền thoại Mata Hari |
Nhưng ngoài những danh xưng không mấy tự hào mà người đời vẫn gọi, Mata Hari thực sự là người như thế nào? Liệu cô có từng bị cô lập và tổn thương, quay cuồng trong danh tính sống nhờ ảo giác và tình dục, là nạn nhân của trọng nam khinh nữ và kẻ hàm oan do thất bại quân sự?
Từ trước đến nay, không có gì về Mata Hari lại đơn giản và rõ ràng. Hàng ngàn câu chuyện và những lời đồn đoán về cô đã được viết thành sách, dựng thành phim, đăng công khai trên mạng xã hội nhưng tất cả đều mơ hồ.
Margaretha Zelle MacLeod - người phụ nữ trung lưu Hà Lan, qua hai đời chồng, mẹ của hai đứa con chết yểu - đã qua đời nhưng tên tuổi của Mata Hari - vũ công quyến rũ sở hữu những điệu nhảy uyển chuyển, có thể mê hoặc bất kỳ gã đàn ông nào - đã trở thành vĩnh cửu. Nếu Mata Hari biết điều này, cô hẳn sẽ coi đây là thành công lớn nhất đời mình.
Trong bức thư ngày 5/6/1917 gửi Đại úy Pierre Bouchardon, thẩm phán quân sự điều tra vụ án của cô, Mata Hari viết: “Mata Hari và Madame Zelle MacLeod là hai người hoàn toàn khác nhau. Hôm nay, vì chiến tranh và yêu cầu của hộ chiếu, tôi buộc phải sống và ký tên Zelle, nhưng người phụ nữ này không được người khác biết đến. Bản thân tôi coi mình là Mata Hari.”
“Năm 16 tuổi, cô có quan hệ tình ái với vị hiệu trưởng 51 xuân xanh. Cô gái trẻ bị đuổi việc, còn ông ta vẫn tiếp tục thăng tiến trên con đường sự nghiệp.”
|
Nếu không phải vì nỗi ám ảnh với tiền bạc, danh tiếng của Mata Hari có lẽ đã không vang vọng đến bây giờ. Nhưng sâu thẳm bên trong, vũ công nổi tiếng nhiều hơn một lần cảm thấy cô đơn và trống rỗng. Cùng với nỗi ám ảnh đó, những quyết định sai lầm và nợ tình đau khổ, bị đẩy vào giữa cuộc xung đột văn hóa và quốc gia, đã khiến số phận Mata Hari trở thành câu chuyện kịch tính mà không mấy bất ngờ.
Sau khi người cha giàu có tuyên bố phá sản và bỏ rơi gia đình, mẹ suy sụp, Margaretha, 13 tuổi, gánh trách nhiệm chăm sóc ba người em. Năm 16 tuổi, khi làm việc trong một trường đào tạo giáo viên, cô có quan hệ tình ái với vị hiệu trường 51 xuân xanh.
Cô gái trẻ bị đuổi việc, còn ông ta vẫn tiếp tục thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Dẫu Margaretha Zelle im lặng nhận hết tai tiếng về mình, đây có lẽ là bài học đầu tiên gây ảnh hưởng đến con đường mà cô lựa chọn sau này.
Năm 1895, Margaretha kết hôn. Theo A Tangled Web, tiểu sử mới nhất về Mata Hari của tác giả Mary W. Craig, một người bảo quản văn khố tại Anh, người chồng Rudolf MacLeod, 39 tuổi, là một trung úy gốc Scotland công tác tại Indonesia, thuộc địa của Hà Lan. Để có thể thăng tiến, anh ta cần một người vợ, nhưng do mắc bệnh giang mai, Rudolf MacLeod bị cấm kết hôn.
Không cam lòng, anh ta lén lút quảng cáo bản thân trên một tờ báo địa phương và nhận được hồi đáp từ cô gái Margaretha Zelle 18 tuổi. Cô đồng ý lấy anh ta chỉ sáu ngày sau lần đầu gặp gỡ. Có lẽ lúc ấy, cô gái trẻ cũng không ngờ cuộc sống của mình chuẩn bị thay đổi chóng mặt.
Trong vòng 3 năm, cặp vợ chồng sinh hai con, một trai một gái, nhưng cuộc hôn nhân dần tan vỡ trong một đồn tiền tuyến cô lập ở trung tâm Java, Indonesia. MacLeod nghiện rượu, đánh bạc, ngoại tình và tồi tệ nhất, anh ta thường xuyên bạo hành vợ dã man.
Để quên đi hoàn cảnh đáng buồn lúc bấy giờ, Margaretha thường xem những đầy tớ người Java nhảy múa trong vườn, từ đó dần học được những động tác uyển chuyển, gợi cảm. Một tháng sau khi gia đình chuyển đến Bắc Sumatra, hai đứa trẻ mắc bệnh và bé trai mất khi mới 2 tuổi. Mặc MacLeod giận dữ, cô tránh né anh ta và học những điệu nhảy mới. Năm 1902, khi quay lại Hà Lan, cô nộp đơn xin ly dị vì lý do bạo hành gia đình.
“Cô ấy thổi hồn cho phong cách nhảy múa và cảm hứng mới định nghĩa Paris thời Belle Epoque.”
|
Nhận trách nhiệm chăm sóc con gái nhưng không có trợ cấp từ MacLeod, Margaretha thường xuyên lui tới khu đèn đỏ. Macleod lấy cớ đó để tước quyền nuôi con của vợ cũ. Không tình, không tiền, Margaretha chuyển đến Paris, thử làm người mẫu, diễn xuất và cuối cùng là vũ công. Năm 1905, cô tạo nên bước ngoặt cuộc đời khi Emile Guimet, “ông lớn” ngành công nghiệp, mời cô biểu diễn ở Musée Guimet, trước đông đúc khán giả là giới phong lưu, ưu tú.
Gần như khỏa thân trên sân khấu với phục trang chỉ là áo ngực, mũ, khăn choàng, Margaretha được báo chí rầm rộ ca ngợi là vũ công Java nóng bỏng nhất từ trước đến nay. Cô làm chủ mọi sân khấu với nghệ danh Mata Hari, có nghĩa là “đôi mắt của mặt trời” trong tiếng Malay.
Cô là người sáng tạo, thổi hồn cho phong cách nhảy múa và cảm hứng mới định nghĩa Paris thời Belle Epoque. Đó là những năm tháng Vaslav Nijinsky nhảy múa trong trang phục bó sát, với vẻ đẹp hình thể hấp dẫn chưa từng thấy trên sân khấu ba-lê nào ở Paris trước kia; trong khi Isadora Duncan biểu diễn những động tác hiện đại với đôi chân trần và kiệt tác “Rite of Spring” của Igor Stravinsky thay đổi khái niệm quen thuộc về hòa nhạc.
Mata Hari là một nhân tố gây phấn khích cực độ, cô đã đánh cuộc danh tiếng của mình bằng say đắm nhục dục, mê hoặc loạt người tình giàu có.
Ngọc Anh (Theo The Daily Beast)