Huyện Nhà Bè, TP.HCM: Dự án thương mại của Quốc Cường Gia Lai 'treo' gần 10 năm, dân khốn đốn

04/08/2017 - 04:50

PNO - Đó là dự án khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM do Công ty CP Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư, “treo” gần 10 năm, vẫn chưa xong đền bù giải tỏa, khiến người dân vô cùng khốn khổ.

Xóm nhà chờ... sập

Từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) qua cầu Rạch Đỉa, xuyên qua các dãy nhà cao tầng, biệt thự khoảng 500 m là đến khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Ít ai ngờ giữa khu đô thị sầm uất đang tồn tại một xóm nghèo tồi tàn như “ổ chuột”, chỉ vì vướng dự án “treo”.

Đường vào khu dân cư rộng khoảng 1 m. Dù đường được trải bê tông nhưng mỗi khi mưa vẫn lầy lội, dơ bẩn, do nhiều năm chưa được tu sữa. Khu dân cư có khoảng 100 hộ dân, lọt thỏm giữa khu đất hơn 90 ha, cỏ mọc um tùm.

Huyen Nha Be, TP.HCM: Du an thuong mai cua Quoc Cuong Gia Lai 'treo' gan 10 nam, dan khon don
Cuộc sống người dân khu dân cư Phước Kiển tồi tàn sau gần 10 năm "dính" dự án "treo" của Công ty Quốc cường Gia Lai

Những căn nhà được xây bằng tường gạch, hầu hết đều rơi vào cảnh xiêu vẹo, nứt toát. “Nhà xây hàng chục năm nhưng không được nâng cấp, sữa chữa không ra nông nỗi này mới lạ” - bà Nguyễn Thị Ba (nhà ở đây) ngao ngán. 

Cách đó khoảng 50 m, nhà anh Nguyễn Văn Tý đang trong tư thế nghiêng mình xuống kênh. Nền nhà, tường, cột nứt nghiêm trọng. Theo anh Tý, căn nhà trong tình trạng này khoảng một năm nay. Anh lo lắng căn nhà đổ xuống kênh lúc nào không hay.

Huyen Nha Be, TP.HCM: Du an thuong mai cua Quoc Cuong Gia Lai 'treo' gan 10 nam, dan khon don
Nhà cửa rách nát

Đi sâu vào khu dân cư, người dân càng khổ hơn. Nhiều nhà rộng chưa đến 10 m2, quây lại bằng vài tấm tôn. “Nhà đông con nhưng không thể xây mới, mở rộng vì quy hoạch “treo”. Tôi đành che tạm cho con cái ở đỡ” - ông Nguyễn Văn Chín, than.  

Theo người dân nơi đây, hàng năm đến mùa triều cường cuộc sống của họ còn vất vả hơn. Khu dân cư chìm trong biển nước. Nhiều người muốn nâng nền chống ngập nhưng lại vướng quy hoạch. 

Huyen Nha Be, TP.HCM: Du an thuong mai cua Quoc Cuong Gia Lai 'treo' gan 10 nam, dan khon don
Tường nhà nứt toát

Ngay cả điện, nước cũng là thứ “xa xỉ” với người dân nơi đây. Khu dân cư hình thành khi chưa có khu đô thị Phú Mỹ Hưng và những biệt thự, nhà cao tầng xung quanh, nhưng đến nay điện, nước đối với họ vẫn còn là giấc mơ. 

Huyen Nha Be, TP.HCM: Du an thuong mai cua Quoc Cuong Gia Lai 'treo' gan 10 nam, dan khon don
Thậm chí nhà bị sụp lún, có nguy cơ đổ xuống kênh

Để có điện, nước dùng, người dân phải câu nối lại của một hộ dân khác cách đó khoảng 200 m. Hàng tháng họ phải trả tiền nước cao gấp ba lần giá quy định; còn tiền điện cao gấp đôi giá quy định. “Ở giữa thành phố hiện đại, sầm uất nhưng ít ai biết chúng tôi sống khốn khổ như thế. Chủ đầu tư làm không nổi thì trả dự án cho Nhà nước cho dân đỡ khổ” - anh Đặng Văn Tiên (số 175 ấp 5, xã Phước Kiển), đề nghị.     

Đền bù cho dân là... nhân đạo 

Nói về việc đền bù, người dân nơi đây cho biết, họ rất muốn đền bù sớm để chuyển đến nơi khác sống tốt hơn, nhưng chủ đầu tư không có thiện chí bồi thường. Theo anh Tiên, anh có hơn 200 m2 đất. Nhà, đất có chủ quyền đầy đủ. Giá thị trường hạ tầng hoàn chỉnh nơi đây từ 35 triệu - 45 triệu đồng/m2. Anh yêu cầu đền từ 15 triệu - 17 triệu đồng/m2. Nhưng chủ đầu tư chỉ đồng ý bồi thường tối đa 10 triệu đồng/m2. “Gần chục năm qua, chủ đầu tư chỉ đến vài lần đưa mức giá trên. Tôi không chịu, họ bỏ về không xuống nữa” - anh Tiên nói.

Huyen Nha Be, TP.HCM: Du an thuong mai cua Quoc Cuong Gia Lai 'treo' gan 10 nam, dan khon don
Người dân phản ánh Công ty Quốc Cường Gia Lai ép giá, không có thiện chí đền bù cho họ

Còn theo chị Đặng Thị Hồng (số 127 ấp 5, xã Phước Kiển), hai năm trước, chủ đầu tư ra giá đền bù 7,2 triệu đồng/m2 đất thổ cư; 3 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp. Tôi không chịu. Cách nay khoảng một tháng, họ tăng lên 10 triệu đồng/m2 đất thổ cư; 3,5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp. “Đất của tôi do ông bà để lại đến nay hơn 40 năm. Nhưng chủ đầu tư cứ nói tôi lấn chiếm để ép giá” - chị Hồng bức xúc. 

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai phản đối, người dân phản ánh không đúng. Công ty muốn sớm đền bù cho họ để triển khai dự án. Nhưng họ đòi quá cao, tiền đâu tôi trả. 

Theo bà Loan, hiện dự án đền bù được khoảng 92%, còn khoảng 93 hộ dân với tổng diện tích khoảng 7 ha. Có người sở hữu vài chục m2, có người vài trăm đến vài nghìn m2. Công ty chỉ đền bù được giá 10 triệu đồng/m2 đối với nhà, đất có diện tích dưới 100 m2; trên 100 m2, công ty chỉ đền 5 triệu đồng/m2 (đất thổ cư); 3 triệu đồng/m2 (đất nông nghiệp). Bởi nếu tất cả đều đền 10 triệu đồng/m2 với diện tích 7 ha, số tiền sẽ rất lớn, công ty tiền đâu trả. 

“Đây là việc làm nhân đạo để người dân đủ tiền mua nhà nơi khác. Quốc Cường Gia Lai phải nói rõ như vậy. Thôi thì về nhân đạo, bản thân tôi đi làm từ thiện để làm gì. Thay vì tôi làm từ thiện ở nơi khác, tôi sẽ làm từ thiện ở đây” - bà Loan nói.

Huyen Nha Be, TP.HCM: Du an thuong mai cua Quoc Cuong Gia Lai 'treo' gan 10 nam, dan khon don
Theo bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai, công ty đền bù cho người dân là việc làm... nhân đạo

Bà Loan cho rằng, dự án Phước Kiển đã đẩy Quốc Cường Gia Lai vào tình thế rất ngặc nghèo. Vì dự án này, công ty phải nợ tiền của đối tác, ngân hàng. Vừa rồi, có đối tác hỏi mua dự án và công ty đã nhận đặt cọc 50 triệu USD, nhưng họ yêu cầu giao đất sạch. Thời hạn, hết tháng 10/2017. 

Nếu đến hẹn công ty chưa giải tỏa xong thì sao? Bà Loan nói: “Không xong cũng phải xong. Bởi đến thời điểm này không giải tỏa xong là công ty phải đền cho đối tác gấp đôi tiền đặt cọc”.

Huyen Nha Be, TP.HCM: Du an thuong mai cua Quoc Cuong Gia Lai 'treo' gan 10 nam, dan khon don
Làm dự án kinh doanh, nhưng Công ty Quốc Cường Gia Lai lại kiến nghị chính quyền hỗ trợ giải phóng mặt bằng

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hòa An - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè thừa nhận, cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn. Huyện muốn dự án sớm đền bù giải tỏa xong. Nhưng nhiều năm qua giá đền bù giữa chủ đầu tư và người dân chưa gặp nhau. Tính đến nay, huyện đã ba lần tổ chức gặp gỡ đối thoại giữa chủ đầu tư và người dân. Giá người dân đưa ra từ 15 triệu - 20 triệu đồng/m2 nhưng chủ đầu tư không đồng ý. 

Vừa qua, huyện có đề nghị chủ đầu tư tổ chức phương án tái định cư cho dân. Tuy nhiên, nhiều hộ lại có diện tích đền bù quá nhỏ, không đủ khả năng mua lại nền tái định cư. Vì vậy, sắp tới, huyện sẽ đề nghị chủ đầu tư có phương thức hỗ trợ người dân.

Huyen Nha Be, TP.HCM: Du an thuong mai cua Quoc Cuong Gia Lai 'treo' gan 10 nam, dan khon don
Tại buổi làm việc với PV Báo Phụ nữ ngày 1/8, ông Bùi Hòa An - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè (giữa) khẳng định: "Không có chuyện huyện cưỡng chế thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp"

Theo Luật sư Đoàn Việt Thắng (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), theo quy định của Luật đầu tư, sau 12 tháng kể từ ngày được giao dự án, chủ đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký thì có thể được gia hạn thêm 24 tháng. Nhưng sau đó chủ đầu tư vẫn không triển khai theo đúng quy định sẽ bị thu hồi dự án. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dự án thực hiện chậm trễ so với tiến độ đăng ký rất nhiều, nhưng chưa được xử lý nghiêm. Cơ quan quản lý Nhà nước cần mạnh tay những trường hợp này để đảm bảo quyền lợi người dân. 

UBND huyện Nhà Bè phải tham gia đền bù, giải tỏa

Nếu nói về pháp lý, chúng tôi không đền bù. Huyện phải vào cuộc. Tại huyện không quản lý tốt, để người dân xây dựng vô tội vạ. Việc UBND huyện Nhà Bè nói không tham gia vào quá trình đền bù, giải tỏa là sai. Đến tháng 10/2017, dự án không giải tỏa xong tôi sẽ kiện UBND huyện Nhà Bè. 

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai 

Dự án kinh doanh, chủ đầu tư phải tự thỏa thuận đền bù với dân

Đây là dự án kinh doanh, chủ đầu tư phải tự thỏa thuận đền bù, giải tỏa với người dân. Chính quyền chỉ làm cầu nối để người dân và doanh nghiệp gặp nhau. Không có chuyện huyện tham gia vào việc cưỡng chế người dân để thu hồi đất giao cho doanh nghiệp.

Ông Bùi Hòa An - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè 


Phan Trí 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI