Huyện Hóc Môn, TP.HCM: Chi cục thi hành án 'làm khó' dân để 'phục vụ' bên thua kiện?

17/11/2017 - 15:43

PNO - Theo quy định, bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tòa tuyên án, nhưng tại thị trấn Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP.HCM), người thắng kiện cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn không thể đòi lại tài sản của mình.

Nguyên nhân chỉ vì Chi cục Thi hành án dân sự huyện thi hành “ầu ơ” hơn một năm vẫn chưa xong! Nạn nhân của sự việc này là ông Trần Văn Sổ (nhà số 19/5, ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn). 

Khốn khổ với chuyện thi hành án 

Trong đơn gửi Báo Phụ Nữ, đại diện gia đình ông Sổ kể, khoảng 17 năm trước, tại KP.8, thị trấn Hóc Môn, gia đình ông có tranh chấp 2.777,5m2 đất và hơn 2,8 tỷ đồng với bà Trần Thị Sửa (14/2 KP.8, thị trấn Hóc Môn), hòa giải không thành. Năm 2002, gia đình ông gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hóc Môn, TAND huyện "ngâm” đến... tháng 5/2016 mới đưa ra xét xử.

Kết quả, tòa sơ thẩm tuyên chia đôi tất cả các tài sản trên. Bà Sửa kháng án. Nhận thấy việc kháng án của bà Sửa không có cơ sở, tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Gia đình ông Sổ nghèo khó, đông con, cuộc sống càng bi đát khi phải theo đuổi vụ kiện này gần 15 năm. Cứ ngỡ, sau khi thắng kiện, lấy lại tài sản, cuộc sống sẽ được cải thiện, không ngờ vẫn tiếp tục... khổ!

Một tháng sau phiên tòa phúc thẩm, Chi cục Thi hành án dân sự (CC THADS) huyện Hóc Môn ra quyết định yêu cầu các bên chủ động thi hành án. Tuy nhiên, theo gia đình ông Sổ, phía bà Sửa vẫn không chịu thi hành.Ông Sổ đã đề nghị cưỡng chế thi hành án.

Huyen Hoc Mon, TP.HCM: Chi cuc thi hanh an 'lam kho' dan de 'phuc vu' ben thua kien?
Các căn nhà bất ngờ "mọc" lên sau khi tòa tuyên án

Khoảng 1 tháng sau, CC THADS huyện Hóc Môn đã tổ chức họp hai bên để tiến hành THA, bà Sửa cương quyết không trả tiền và giao đất; CC THADS cũng không có biện pháp nào xử lý. Vụ việc “ầu ơ” nhiều tháng. Ông Sổ bệnh nặng không tiền chạy chữa, gia đình liên tục đốc thúc cơ quan chức năng hỗ trợ THA nhưng vô vọng.

Đường cùng, gia đình ông Sổ xin CC THADS ứng trước 50 triệu đồng chạy chữa cho ông Sổ vẫn không được. Khoảng tháng 3/2017, khoản tiền tranh chấp 2,8 tỷ đồng mới được CC THADS THA xong, chuyển cho mỗi bên một nửa. Nhưng lúc này, bệnh của ông Sổ đã không còn chờ được nữa... “Gia đình tôi không đổ thừa việc cha tôi mất là do ai; nhưng nếu chúng tôi được nhận tiền THA sớm có lẽ cha tôi có thể vẫn còn sống.” - anh T. (con ông Sổ) nói. 

Riêng phần tranh chấp đất, đến nay vẫn chưa thể THA. Thậm chí, gần đây gia đình ông Sổ còn “phát hoảng” khi thấy nhiều căn nhà “mọc” lên lù lù trên phần đất đang chờ THA. Gia đình ông Sổ tiếp tục gửi đơn cầu cứu nhưng không ai giải quyết. Do bản án của tòa chỉ tuyên xử phân chia đất, không phân chia tài sản gắn liền trên đất nên phải tạm dừng THA.

Chính quyền địa phương hay Chi cục Thi hành án dân sự làm khổ dân?

Giải thích những vấn đề trên, CC THADS huyện Hóc Môn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chậm trễ là do vụ án rất phức tạp; phía bị THA chẳng những không tự nguyện chấp hành mà còn tìm nhiều cách đối phó, nên không tránh khỏi kéo dài.

Đặc biệt, trong quá trình THA, CC THA phát hiện đã có nhiều căn nhà mọc lên trên phần đất đó. Cụ thể là một phần nhà xây dựng thêm có diện tích 84,4m2 gắn với căn nhà diện tích 135m2, kết cấu cột sắt, mái tole, vách tole, cửa sắt, nền gạch ceramic; một căn xây dựng thêm có diện tích 79,38m2, kết cấu cột sắt, mái tole.

Trong khi đó, bản án của tòa chỉ phân chia quyền sử dụng đất, không tuyên rõ việc xử lý đối với tài sản gắn liền trên đất có trước khi tòa tuyên án. Căn cứ quy định của Luật THADS “trường hợp tài sản gắn liền với đất có trước bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý đối với tài sản đó thì cơ quan THADS yêu cầu tòa án giải thích rõ việc xử lý đối với tài sản gắn liền trên đất hoặc đề nghị tòa xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”. 

Về việc chậm chia tiền tranh chấp, CC THADS huyện cho rằng, do đây là tiền tranh chấp đền bù giải tỏa, nên khi bản án được tuyên, khoảng 2 tháng sau CC THADS đã làm văn bản đề nghị Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn chuyển tiền THA cho ông Sổ hơn 1,3 tỷ đồng nhưng ban bồi thường giải phóng mặt bằng không thực hiện.

Hai tháng sau, CC THADS phải gửi văn bản đến UBND huyện, đề nghị chỉ đạo ban bồi thường giải phóng mặt bằng chuyển tiền cho ông Sổ, ban bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn không chịu chuyển!

Đến tháng 3/2017, chấp hành viên CC THADS phải ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của ban bồi thường giải phóng mặt bằng thì mới thực hiện được việc chuyển tiền cho ông Sổ.

Riêng việc gia đình ông Sổ xin tạm ứng 50 triệu đồng chữa bệnh cho ông Sổ trong lúc chờ THA, CC THADS cho là không hề nhận được yêu cầu này. Mặt khác, hiện cũng không có quy định nào cho phép cơ quan THADS phải tạm ứng tiền chi trả cho người được THA.   

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc CC THADS huyện Hóc Môn cho rằng các công trình trên phần đất phải THA đã có trước khi tòa tuyên án là không thuyết phục. Xác minh qua bản đồ hiện trạng vị trí năm 2008 của Trung tâm Đo đạc bản đồ (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) là hoàn toàn khác.

Cụ thể, phần lớn các căn nhà đều là mái lá - vách tôn không phải cột sắt - mái tôn, nền gạch ceramic và không có diện tích lớn như hiện tại. Thậm chí, tại vị trí một căn nhà hoành tráng có diện tích hơn 100m2 trên khu đất này, trước đây chỉ có móng và cột, không có nhà. Bản đồ này trước đây đã được TAND huyện Hóc Môn tham khảo trong quá trình xét xử. Như vậy, nhiều khả năng là nhà chỉ mới “mọc” lên sau khi tòa 
tuyên án.

Có lỗi lớn của chính quyền địa phương

Với vụ việc này, cần xác minh rõ thời điểm hình thành các tài sản trên đất. Theo quy định, trong quá trình xét xử vụ án, không được xây dựng, hình thành tài sản trên đất đang tranh chấp. Nếu những tài sản này hình thành sau khi bản án được tuyên là không có giá trị.

Ngoài ra, nếu các tài sản này không có giấy tờ theo quy định pháp luật, có nghĩa là tài sản hình thành bất hợp pháp, thì cũng không có giá trị. Có thể trong quá trình xét xử, tòa án nhận định các tài sản này không có giá trị pháp lý, các bên không có tranh chấp nên đã không đưa ra xét xử. Trong trường hợp này, còn có lỗi lớn của chính quyền địa phương, đã quản lý lỏng lẻo để phát sinh nhiều hệ lụy. 

Luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương

Phan Trí 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI