|
Bà Cao Thị Ích trình bày với báo Phụ Nữ |
Ngày 28/6/2016, bà Cao Thị Ích, SN 1950, ngụ KP.4, thị trấn Đông Thành, H.Đức Huệ, tỉnh Long An đã gửi đơn đến báo Phụ Nữ phản ánh việc gần một tháng nay, gia đình bà sống dở chết dở vì bị một nhóm người xông vào nhà quăng đồ đạc, đuổi hết người trong nhà. Gia đình bà đã nhiều lần cầu cứu chính quyền nhưng vẫn không được can thiệp.
Con vay nợ, cha mẹ lãnh hậu quả
Bà Cao Thị Ích kể trong trạng thái hoảng loạn: “Nhà tôi nát hết rồi. Mấy hôm nay người ta cho côn đồ đến quây nhà, quăng đồ đạc, đuổi cả bảy người ra, gồm vợ chồng tôi và năm người nữa, trong đó có ba đứa cháu, đứa nhỏ nhất chỉ mới chín tháng tuổi. Chúng tôi phải ở ngoài sân, hứng đủ mưa gió. Sáng nay, chủ nợ còn cho đàn em đến dỡ cả mái tôn, phá nhà, chúng tôi sắp mất nhà rồi”.
Theo bà Ích, vào tháng 11/2013, con trai bà là anh M.T.T. (SN 1974) có về nhà bảo vợ chồng bà cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (diện tích 534m2 ) do ông Mai Văn Châu (SN 1944, cha ruột của T.) đứng tên. Thương con, lại nghe T. nói cần tiền để làm ăn, nên vợ chồng bà đồng ý cho mượn sổ đỏ, cứ tưởng con sẽ thế chấp tại ngân hàng nhà nước ở H.Đức Huệ để vay tiền, không ngờ T. đi vay nặng lãi bên ngoài.
Theo giấy mượn tiền lập năm 2013 (không ghi ngày tháng), bên mượn tiền là anh T. và vợ chồng bà Ích (đồng sở hữu sổ đỏ) mượn số tiền 160 triệu đồng của ông N.V.G. (SN 1974, ở xã Tân Hiệp, H.Mộc Hóa, tỉnh Long An), thời hạn ba tháng, lãi suất 5%/ tháng, trả lãi vào đầu tháng. Giấy mượn tiền ghi rõ “để làm tin, bên mượn có thế chấp cho bên cho mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 214575, do UBND H.Đức Huệ cấp ngày 26/8/2008, tổng diện tích 534m2 do ông Mai Văn Châu đứng tên”. Điều khoản ràng buộc là nếu quá ba tháng mà bên mượn tiền không trả tiền gốc hoặc quá hai tháng liên tiếp mà không đóng lãi thì bên cho mượn tiền được bên mượn tiền ủy quyền quản lý, sử dụng, ký chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, đóng thuế... đối với bất động sản trên.
|
Bà Cao Thị Ích và gia đình bám trụ bên ngôi nhà của mình đã bị phá dỡ, đồ đạc bị đẩy ra ngoài đường |
Căn cứ vào giấy mượn tiền, hai bên còn có hợp đồng công chứng, ủy quyền các nội dung như trong giấy mượn tiền. Bà Ích cho biết, hai tháng sau, con bà có trả tiền gốc cho ông N.V.G. 20 triệu đồng, sau đó ngưng trả đến nay. Ông G. đã nhiều lần đến nhà buộc trả nợ hoặc giao nhà đất. Vợ chồng bà đã già yếu, ông Châu là thương binh 3/4, lại bị bệnh tim nên không có tiền để trả nợ cho con. Qua điện thoại, T. có nói “ba mẹ cứ để đó con lo, sẽ lấy lại sổ đỏ trả lại cho ba” nhưng lại bặt vô âm tín. Cho rằng mình không trực tiếp vay tiền, chỉ cho con trai mượn sổ đỏ nên không có trách nhiệm trả nợ, gia đình bà Ích đã làm đơn khởi kiện đến TAND H.Đức Huệ.
Trong khi gia đình đang chờ đợi TAND H.Đức Huệ xét xử vụ kiện, thì khoảng một tháng nay, phía ông G. đã làm áp lực bằng cách cho người đến đập phá đồ đạc, buộc gia đình bà phải giao nhà, đất. Cụ thể, ngày 18/6, ông G. đến buộc vợ chồng bà và con cháu ra khỏi nhà, rồi tự động khóa cửa, buộc gia đình bà phải trú tạm ngoài mái hiên. Ngày 21/6, ông G. kêu xe đến đổ cát đá chắn trước cửa nhà. Ngày 28/6, ông G. cho khoảng 10 công nhân đến tháo dỡ mái tôn, vách nhà. Trong những ngày "bám trụ”, gia đình bà Ích luôn bị phía ông G. đe dọa nếu không ra khỏi nhà, sẽ xảy ra án mạng.
Kêu nhưng không được cứu
“Gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn nhờ Công an thị trấn Đông Thành can thiệp, nhưng công an cho rằng đây là vụ việc dân sự, nên không can thiệp. Hiện gia đình tôi đang làm đơn khiếu kiện lên cấp trên, nếu xử gia đình tôi thua, chúng tôi sẽ chấp hành ra đi, còn ngang nhiên phá dỡ nhà, đuổi cả gia đình ra đường, chúng tôi không thể chấp nhận được”, bà Ích khẳng định.
Chiều 28/6, tại UBND thị trấn Đông Thành, ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND cho biết, UBND thị trấn đã nhiều lần tiến hành giải quyết tranh chấp nhà đất của bà Cao Thị Ích. Mới đây nhất là ngày 23/6, sau khi nhận được đơn của bà Ích, UBND thị trấn đã chủ trì cuộc họp với sự có mặt của công an thị trấn, gia đình bà Ích và phía ông Th. (người được ông G. bán lại nhà đất từ giấy ủy quyền của gia đình bà Ích khi mượn tiền). Tại cuộc họp, phía gia đình bà Ích yêu cầu chính quyền can thiệp để gia đình bà có thời gian kiện lên cơ quan cấp trên, nhưng phía ông Th. không đồng ý gia hạn. UBND thị trấn có đề nghị ông Th. cho thời gian một tháng để gia đình bà Ích di dời tài sản đi nơi khác nhưng ông Th. cũng không chịu nên việc hòa giải không thành.
Chúng tôi đặt vấn đề, trong khi gia đình bà Ích đang khiếu nại thì bị phía ông G. (và ông Th.) tháo dỡ nhà, ném đồ đạc, đuổi khỏi nhà, thì có hợp pháp không? Ông Bình khẳng định, việc làm đó (nếu có) là không đúng. Ngay sau đó, ông Bình đã gọi Trưởng công an thị trấn Đông Thành cùng một số đoàn thể xuống kiểm tra hiện trường, có sự chứng kiến của phóng viên bá o Phụ Nữ. Tại đây, công an đã lập biên bản ghi nhận sự việc, nhưng khi gia đình yêu cầu được cung cấp bản sao biên bản thì phía chính quyền từ chối. Sau khi chính quyền kiểm tra, lập biên bản, theo gia đình bà Ích, phía ông G. đã ngưng việc tháo dỡ nhà nhưng hôm sau lại cho người quây kín toàn bộ mặt tiền nhà, đồng thời tiếp tục xây gạch ngay trên phần diện tích nhà bà Ích đã bị tháo dỡ.
Theo luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi “tự ý tháo dỡ nhà cửa, vứt đồ đạc của gia đình bên vay ra ngoài và không cho gia đình bên vay vào nhà” là không đúng pháp luật và có dấu hiệu vi phạm các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), cụ thể là xâm phạm chỗ ở và hủy hoại tài sản của người khác. Về việc vay nợ, luật sư Đặng Thành Trí cho biết, theo điều 476 Bộ luật Dân sự (BLDS) thì “lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.
Vì vậy, nếu các bên phát sinh tranh chấp thì có quyền khởi kiện ra tòa án để được giải quyết theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên, có tính chất bóc lột thì có thể bị xem xét xử lý hình sự với tội danh “cho vay lãi nặng” theo điều 163 BLHS. Riêng về hợp đồng ủy quyền, bên cho vay đã sử dụng “giấy ủy quyền” để chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bên vay cho người khác. “Giấy ủy quyền” này có thể bị vô hiệu theo điều 129 BLDS vì theo nội dung giấy mượn tiền do hai bên xác lập, thực chất của việc “ủy quyền” này là “thế chấp” và việc “thế chấp” quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký thế chấp tại cơ quan có thẩm quyền.
An Linh