Trong thời gian điều trị bệnh tâm thần phân liệt, Trần Hữu Tùng (SN 1978, ngụ ấp Xóm Chùa, xã Tân An Hội, H.Củ Chi, TP.HCM) đánh người anh họ tỷ lệ thương tích 56%. Dù gia đình nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng xem xét cho bị can được tại ngoại để trị bệnh, nhưng Tùng vẫn bị khởi tố, bắt tạm giam.
Tháng 6/2016, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án Trần Hữu Tùng "cố ý gây thương tích". Tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại với lý do: "Bị cáo Trần Hữu Tùng là đối tượng tâm thần phân liệt, tòa án cấp sơ thẩm không mời người bào chữa cho bị cáo, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bị cáo".
Trước đó, tháng 4/2016, bản án sơ thẩm của TAND H.Củ Chi tuyên bị cáo Tùng 5 năm tù giam, buộc bồi thường chi phí điều trị cho bị hại hơn 54 triệu đồng.
|
Hồ sơ, bệnh án thể hiện Tùng bị bệnh tâm thần, điều trị liên tục từ năm 1995 đến nay. |
Theo cáo trạng, Tùng và Trần Hữu L. (SN1968) là anh em chú bác ruột. Khoảng 11g30 ngày 24/11/2014, ông L. tưới nước trước sân nhà làm nước chảy qua sân nhà Tùng bên cạnh nên hai bên xảy ra cự cãi và đánh nhau. Được mọi người can ngăn, Tùng bỏ vào nhà. Ông L. tiếp tục đứng giữa ranh đất hai nhà chửi mắng. Tùng lấy một cây rựa (dài 40cm) ra chém một nhát vào bên trái cổ ông L. Hàng xóm đã đưa ông L. đi cấp cứu. Sau đó, Cơ quan điều tra Công an H. Củ Chi ra quyết định khởi tố vụ án "cố ý gây thương tích" đối với bị can Tùng. Qua giám định pháp y, tỷ lệ tổn thương của ông L. là 56%.
Sau khi Tùng bị khởi tố, gia đình đã trưng ra hồ sơ bệnh án Tùng từng điều trị tâm thần tại Trung tâm sức khỏe Tâm thần từ tháng 3/1995 và hồ sơ trị bệnh tâm thần phân liệt của Phòng khám tâm thần - Trung tâm y tế dự phòng H. Củ Chi, kèm theo giấy chứng nhận khuyết tật tâm thần - thần kinh nặng của UBND xã Tân An Hội cấp tháng 13/2013...
Cơ quan chức năng đã yêu cầu giám định pháp y tâm thần đối với Tùng và kết luận đối tượng bị tâm thần phân liệt, thể không biệt định, giai đoạn có thuyên giảm. Về pháp luật: trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Từ đó, cơ quan giám định đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ vì đương sự có bệnh tâm thần mạn tính. Ngày 23/09/2015, Tùng bị cơ quan chức năng bắt tạm giam.
Gia đình Tùng đã nhiều lần làm đơn yêu cầu được bảo lãnh để Tùng được tại ngoại chữa bệnh nhưng cơ quan chức năng không giải quyết, cũng không phản hồi. Tùng vẫn bị tạm từ đó đến nay trong tình trạng phải duy trì uống thuốc trị bệnh tâm thần do người nhà gửi vào khi thăm nuôi.
Bà Mai Thị Mắt, Sn 1946, mẹ của Tùng, cho biết: "Cha nó năm nay 76 tuổi, cũng mắc bệnh tâm thần. 5 năm trước, ông bị tai biến nằm một chỗ. Từ ngày thằng Tùng bị bắt tạm giam đến giờ, bệnh tình ông ấy trở nặng". Theo bà Măt, từ năm 1995, lúc 21 tuổi, Tùng lúc nào cũng lơ ngơ, đi loanh quanh trong nhà, nói nhiều, có những hành vi bất thường, hay thắp nhang vái lậy. Tùng thường trả lời nhát gừng, gây gổ với mọi người khi giao tiếp. Bệnh ngày càng nặng, Tùng có những hành vi bộc phát, phá phách đồ đạc trong nhà, suốt đêm ca hát không ngủ".
Anh Trần Văn Dũng, SN 1972, anh trai ruột của Tùng cho biết, việc Tùng đánh người có thể do kích động. Khi sự việc xảy ra, gia đình dù khó khăn nhưng cũng lo thuốc thang cho ông L. 40 triệu đồng, mong ông L. vì tình thân mà bãi nại, nhưng không được chấp nhận. Theo anh Dũng, nhà vợ chồng Tùng nằm giữa nhà cha mẹ anh và ông L, sân trước nhà không có tường riêng ngăn cách. Ông L. thường kiếm cớ chửi bới cha mẹ anh Dũng (chú thím của L.), nhất là những lúc xay xỉn và nhiều lần cố tình để nước tràn lênh láng quan sân nhà.
"Hôm xảy ra chuyện, ông L. kiếm chuyện xịt nước qua nhà, chửi bới cha mẹ chúng tôi rất tục tĩu. Tùng đang bệnh, nghe đi nghe lại những lời chửi bới, có lẽ bị kích động nên mới bộc phát như vậy", anh Dũng cho biết.
|
Mẹ và hai anh trai của Tùng trao đổi với PV báo Phụ nữ. |
Ngày 27/10/2016 luật sư Lư Quang Vinh - cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM, người bào chữa cho bị can Trần Hữu Tùng, đã có đơn gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân H.Củ Chi, TP.HCM, đề nghị xem xét một số vấn đề, trong đó có việc xin thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho phép bị can được bảo lãnh tại ngoại chữa bệnh.
Luật sư Vinh cho rằng, bị can Tùng là bệnh thần kinh - tâm thần mức độ nặng từ năm 1995. Từ khi bị bắt tạm giam đến nay, do điều kiện của trại giam, đã không được kiểm tra sức khỏe tâm thần và tiếp tục theo dõi điều trị theo đúng phác đồ điều trị của Phòng khám Tâm thần H.Củ Chi. Bị can không có dấu hiệu bỏ trốn, được gia đình bảo lãnh đúng quy định pháp luật và không thuộc vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Luật sư Đặng Thành Trí - Đoàn luật sư TP.HCM nhận định, kết luận giám định pháp y đã nêu bị can bị bệnh tâm thần phân liệt. Trước, trong và sau thực hiện hành vi phạm tội, bị can vẫn nhận thức được hành vi phạm tội của mình, nhưng cho đến trước thời điểm bị tạm giam, bệnh nhân vẫn là người mắc bệnh tâm thần, đang uống thuốc điều trị.
Hiện tại, theo yêu cầu của nhà tạm giam, gia đình phải gửi thuốc đều đặn để điều trị cho bị can. Như vậy, việc tạm giam bị can trong thời điểm này là không phù hợp và không đúng pháp luật. Theo quy định tại điều 13, Bộ luật Hình sự hiện hành, bị can phải được đưa đi chữa bệnh.
Hoài An