Huyện Củ Chi, TP.HCM: Con kiện cha đòi đất

06/06/2013 - 10:44

PNO - PN - Ở tuổi hơn 70, ông V.V.T vẫn sống một mình trong căn nhà lạnh lẽo, nằm lọt thỏm giữa khu vườn đầy sình lầy, cỏ dại, dù có đến tám người con. Bi kịch hơn, hai người con gái của ông đã đâm đơn ra tòa án huyện, kiện ông...

Lòng vòng qua những con đường đất thuộc ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, tôi tìm đến nhà ông V.V.T. (72 tuổi). Lấy tạm chiếc ghế nhựa làm bàn tiếp khách, ông bắt đầu kể câu chuyện buồn của mình. Ông nói, ông có tám người con, vợ mất đã 10 năm nay, trước ông là công nhân, nên nhà không dư dả gì, chỉ hy vọng vào một số mảnh đất của cha mẹ hai bên để lại cho vợ chồng ông.

Huyen Cu Chi, TP.HCM: Con kien cha doi dat

Ảnh minh hoạ: Tranh chấp đất đai là loại tranh chấp phổ biến nhất ở vùng đô thị hoá. Nguồn: Internet 

Năm 2007, ông bị tai biến. Hai người con gái chưa lập gia đình nên ông làm giấy cho thửa đất hơn 1.300m2 tại ấp 7, xã Bình Mỹ để làm kế sinh nhai. Lúc làm giấy cho đất, ông yêu cầu các cô con gái của mình phải có nghĩa vụ chăm sóc ông lúc ông bệnh tật, đến khi ông chết thì chia tài sản này cho các anh, chị em khác trong gia đình.

Sau cơn tai biến, sức khỏe dần phục hồi, lúc này ông vẫn giữ sổ đỏ thửa đất mà ông đã cho hai người con gái. “Hiện thửa đất này là nguồn sống duy nhất của tui, tui cho người ta thuê trồng rau muống giá tám triệu/năm. Bây giờ già rồi, làm gì có tiền mà sống, thế mà chúng quyết kiện đòi bằng được tôi phải trả lại đất, giấy đất cho chúng” - ông nói, ánh mắt đượm buồn. “Những người con khác của ông đâu? Sao họ không có trách nhiệm với ông?”. Ông nói: “Những đứa khác, sau việc chia đất nghĩ rằng tôi không công bằng nên bỏ mặc cha. Anh chị em chúng nó cũng không bằng lòng với nhau”.

“Ông ấy còn những người con khác, họ cũng phải có trách nhiệm nuôi dưỡng chứ sao cứ phải là chúng tôi” - một trong hai người con khởi kiện ông V.V.T. nói. Theo lý của các cô con gái, ông T. đã cho họ thì phải có trách nhiệm thực hiện cam kết trên giấy tờ, còn chuyện cấp dưỡng ra sao, chăm sóc ông như thế nào thì cứ trả đất, trả giấy đất… rồi tính tiếp. “Cứ phải để ông ấy hết tiền đi, ông ấy không còn gì thì chúng tôi chăm lo, chứ bây giờ ông ấy còn tiền là ông ấy phung phí. Bây giờ cứ làm theo luật thôi” - hai cô con gái nói và cho rằng, việc ông không giao đất, giao giấy như cam kết cho họ là “âm mưu” của nhiều người khác.

Mâu thuẫn trong gia đình bắt đầu từ khi người con trai út lấy vợ, những người con gái trong gia đình cho rằng cô em dâu này có “vấn đề”. Rồi chuyện làng trên, xóm dưới xì xầm việc ông cặp bồ với một phụ nữ trẻ. Những mâu thuẫn trong gia đình không thu xếp được, đẩy họ vào thế đối lập, chia bè chia phái, tranh chấp quyền lợi với nhau mà không nghĩ đến bổn phận chăm sóc người cha.

Khi tiến hành thụ lý vụ kiện, tại TAND huyện Củ Chi, ông V.V.T. vẫn bảo lưu quan điểm là cho hai người con gái, không đòi lại, nhưng bây giờ ông bệnh tật, đau yếu cần tiền chữa trị, ông đề nghị tòa xem xét lại toàn bộ vụ việc: đất vẫn do ông quản lý, lấy số tiền từ thuê đất để ông trang trải cuộc sống lúc tuổi già.

 Chí Kiên

Ông T. có quyền đòi lại tài sản

Điều 470 Bộ luật Dân sự quy định, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Theo như ông T. trình bày, ông tặng cho các con với điều kiện hai người con phải có nghĩa vụ phụng dưỡng cha suốt đời, nhưng hai người con viện lý do không thực hiện, thì ông T. có quyền đòi lại tài sản. Quyền sử dụng đất tranh chấp cũng chính là thu nhập duy nhất nuôi sống người cha hiện tại. Tôi cho rằng việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của người con với bất cứ một lý do nào đi chăng nữa, cũng không thể chấp nhận, không phù hợp với đạo lý và pháp luật của Việt Nam.

Luật sư Đoàn Thị Thiên Thanh Thu
(Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI