Huyền Chip - bôi bẩn chân dung người Việt?

29/09/2013 - 16:30

PNO - Nghi án xung quanh bộ sách Xách ba lô lên và đi của cô gái trẻ Huyền Chip làm dậy sóng dư luận suốt hơn một tuần qua.

edf40wrjww2tblPage:Content

Huyen Chip - boi ban chan dung nguoi Viet?Tính chân thực của cuốn sách cũng như những phát ngôn của tác giả vẫn cứ treo lơ lửng bất chấp những suy đoán của dư luận và cộng đồng mạng. Có lẽ sự thật chỉ hé lộ cho đến khi Thanh tra của Bộ Thông tin Truyền thông và Cục Xuất bản chịu vào cuộc. Tuy nhiên, ở đây có một sự thật mà chính tác giả Huyền Chip đã kể oang oang giữa thanh thiên bạch nhật như những thành tích cá nhân. Đó là những phi vụ trốn vé, làm giả giấy tờ và vượt biên trái phép của cô!

Huyền kể trong sách rằng khi ở Ấn Độ cô đã tính kế trốn mua vé tàu lửa đi Varnasi bằng cách lợi dụng khuôn mặt “biểu cảm” của mình. Cô nói dối với nhân viên tàu lửa rằng cô có người bạn thân đang ở Varanasi, nếu không lên kịp thì sẽ không gặp được vì mai bạn ấy đi mất rồi! “Mặt tôi nhìn buồn xo. Mọi người đều bảo tôi có khuôn mặt rất biểu cảm. Tôi mà làm mặt buồn thì thiên hạ thế nào cũng tưởng tôi sắp khóc” (sic).

Lần khác thì Huyền giả vờ làm người Ấn để mua vé vào đền Taj Mahal với giá 20 rupee thay vì 750 rupee dành cho người nước ngoài. Cũng tại Ấn Độ, có lần cô giả nhà báo để được vào dự một buổi nói chuyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng cách làm thẻ giả (media pass). Thậm chí cô trốn vé hai lần ở Myanmar với lý do: “Đáng lẽ chúng tôi phải mua vé giá $10 vào thăm cả khu chùa cổ nhưng chúng tôi không ai mua vé. Lý do không chỉ bởi chúng tôi muốn thử xem trốn vé như thế nào, mà còn bởi mọi người không muốn trả tiền cho nhà nước Myanmar”. Còn tại Ai Cập, có lần cô giả làm sinh viên để mua vé giá rẻ!

Chuyện trốn vé thế này chẳng khác gì những vụ người Việt ra nước ngoài trộm cắp mà không ít lần báo chí thông tin. Mới hồi tháng 6-2013, một số tờ báo Việt Nam thông tin tại thành phố Saitama (Nhật Bản) xuất hiện một tấm biển cảnh cáo nạn ăn cắp vặt được ghi bằng tiếng Việt hẳn hoi! Bức ảnh chụp tấm biển này xuất hiện trên Facebook với nội dung: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt, chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường điều tra”.

Người Việt ra nước ngoài bán dâm, trộm cắp trong siêu thị, trốn vé tàu… diễn ra hà rầm. Những việc này đã làm cho hình ảnh người Việt ngày càng xấu xí trong con mắt bạn bè quốc tế. Ai từng ra nước ngoài sẽ không tránh khỏi cảm giác tủi nhục khi đi qua quầy làm thủ tục hải quan. Công dân của các nước khác cầm hộ chiếu đi qua hải quan chỉ trả lời vài câu phỏng vấn theo công thức là xong. Thế nhưng hộ chiếu của người Việt Nam thường bị săm soi rất lâu, thậm chí còn bị tách ra chờ ở một quầy riêng để thẩm vấn rất phiền phức và mất thời gian.

Trong chuyến đi Singapore mới đây, tôi được một vị giáo sư Việt Nam đang giảng dạy âm nhạc tại đây kể cho nghe một câu chuyện đau lòng. Số là ông ít có thời gian về Việt Nam nên vợ ông mỗi tháng đều bay từ Việt Nam sang thăm. Có lần làm thủ tục nhập cảnh bà bị nhân viên hải quan dẫn vào phòng riêng để chờ xử lý. Tại đây, bà phát hiện mình bị ngồi chung toàn với những cô gái bị tình nghi vào Singapore để làm… gái. Bà giáo sư đã nổi nóng với các nhân viên hải quan vì sự xúc phạm này. Sự việc cuối cùng cũng được giải quyết ổn thỏa, hải quan Singapore phải xin lỗi phu nhân vị giáo sư. Thế nhưng câu chuyện chua xót này thì vợ chồng vị giáo sư và những ai nghe được sẽ chẳng thể nào quên!

Trở lại cuốn sách của Huyền Chip, những chuyện gian dối cô làm ở xứ người đã là quá lắm rồi. Vậy mà không hiểu sao những trò chơi gian xảo này lại được xuất bản thành sách hẳn hoi. Nó sẽ “truyền cảm hứng” cho các bạn trẻ thế nào đây?! Những hạt sạn to đùng thế này lẽ nào qua mặt được “bộ lọc” của Nhà xuất bản Văn học dễ dàng như thế? Nếu nhà xuất bản này và Cục Xuất bản không có những động thái ngăn chặn cuốn sách thì hậu họa sẽ thật khó lường.

Theo HOÀNG MẠNH HÀ
(Pháp Luật TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI