Tham dự buổi lễ có ông Trương Hòa Bình - nguyên Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TPHCM; ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM và thân nhân 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B.
|
Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trò chuyện với bà Nguyễn Thị Khỏi - nữ dân công hỏa tuyến ngày ấy |
Cách đây hơn 55 năm, vào mùa xuân năm Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đồng loạt mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, tạo ra bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những giờ phút lịch sử của đợt I và đợt II của Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, không chỉ có những đội quân chủ lực, các chiến sĩ biệt động, an ninh, quân giải phóng…, mà tại các vùng ven đô Sài Gòn (Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) đã chứng kiến hàng trăm nam nữ thanh niên dân công hỏa tuyến tuổi đời còn rất trẻ ngược xuôi tải đạn, cáng thương dưới mưa bom, bão đạn.
Đêm 15/6/1968 (ngày 20 tháng 5 âm lịch), đoàn dân công gồm 55 người vượt đồng bưng xuống Đức Hòa, Long An và từ đó tải đạn về Sài Gòn. Khi đoàn dân công đến góc bưng của kinh Láng Cát thì bất ngờ phát hiện địch pha đèn rọi sáng cả một vùng và liên tiếp xả đạn (loại Rockét) xuống đìa dứa. Dưới trận mưa bão đạn, những cánh đồng năn, lát, những bụi dứa dại đã không đủ sức che chở cho những người con Vĩnh Lộc. Những cánh tay ôm chặt nhau nhưng rồi cũng không đủ sức… 32 dân công hỏa tuyến (gồm 25 nữ, 7 nam) đã hy sinh trong tư thế che chở cho nhau khi trong tay không một vũ khí phòng thân.
Tại lễ giỗ, bà Nguyễn Thị Khỏi - nữ dân công hỏa tuyến (xã Vĩnh Lộc) - chia sẻ: “Đêm xuống, máy bay địch bắn, đạn xả trắng trời. Đem xác mấy anh chị em về, cả ấp khóc như mưa. Đau thương lắm, 10 ngày sau đó tôi chưa ngủ được, đêm nằm bên tai văng vẳng câu nói của các chị em...".
|
Bà Phạm Thị Nê - nữ dân công hỏa tuyến - có mặt từ rất sớm để tham dự lễ giỗ đồng đội |
Trong nhiều năm qua, huyện Bình Chánh không ngừng củng cố và bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Huyện ủy Bình Chánh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động giáo dục truyền thống, tiêu biểu như: ứng dụng công nghệ số trong trưng bày tại các khu di tích lịch sử; tổ chức Hội thi “Xây dựng video clip về các khu di tích lịch sử”; hệ thống hóa các địa chỉ đỏ trên địa bàn; thành lập đội hình thuyết minh viên lịch sử học sinh…
Phạm Phan