Năm 18 tuổi, chị học giỏi nhưng lại thi trượt Đại học. Một năm trước ngày thi, chị bị trầm cảm vì cú sốc ba mẹ ly hôn. Ba và mẹ đều là thần tượng, là hình mẫu mà cô gái dịu dàng như chị noi theo để sống. Nhưng khi biết cả ba và mẹ đều giả vờ sống bên nhau, nhưng ai cũng có tình yêu riêng với người khác như kiểu ví von "ông ăn chả bà ăn nem", chị đã gục ngã. Thất vọng vì hình mẫu sụp đổ, đau đớn vì gia đình tan vỡ nhưng không thể chia sẻ, chị đã bị trầm cảm.
Bỏ bê chuyện ăn uống, học hành, sức khỏe suy kiệt, tinh thần sa sút, chị đã phải nằm trong bệnh viện suốt 1 tháng. Khi tình trạng sức khỏe ổn định hơn, chị trở về nhà sống cùng mẹ. Mẹ chị tuy có người đàn ông khác nhưng vẫn chăm sóc, quan tâm con gái. Nhờ vậy, chị cũng dần vượt qua được cú sốc đầu đời.
Nhưng vì gián đoạn chuyện học một thời gian nên việc thi Đại học không suôn sẻ như chị mong đợi. Sau đó, tôi nhớ chị đã bặt tin với bạn bè hơn 3 năm, khi tình cờ gặp lại chị trong Đại học Luật, tôi mới có dịp trò chuyện thêm. Lúc đó, chị vẫn dịu dàng và ít nói như thời còn đi học, và vẫn ở cùng mẹ.
Từ đó, hai chị em thường gặp nhau trò chuyện, ăn uống cùng nhau. Tôi vốn học sau chị 1 khóa hồi cấp 3, thời đó cũng từng thỉnh thoảng đi chơi cùng nhau. Ngày tốt nghiệp, chị vui vẻ giới thiệu chồng sắp cưới. Hai gia đình đã gặp mặt nhau và chọn ngày cưới.
|
Ngày xưa, vì yêu anh mà chị đã bỏ gia đình, bỏ chồng sắp cưới để theo anh về Đà Lạt |
Nhưng cũng sau lần đó, chúng tôi lại mất liên lạc một lần nữa. Vì đã tốt nghiệp và lo tìm việc làm, chúng tôi không còn gặp nhau. Bẵng đi khoảng hơn 3 tháng, tôi nhớ chị sắp cưới nên gọi hỏi thăm. 10 năm trước, muốn liên lạc với nhau vẫn chưa tiện lợi như bây giờ, chỉ có thể gọi vào số điện thoại bàn ở nhà.
Không gặp chị mà gặp mẹ chị. Bác gái vừa khóc vừa nói lẽ ra tuần sau là đám cưới chị, nhưng chị đã đòi hủy hôn và bỏ lên Đà Lạt với một người đàn ông khác, "một thằng đâm thuê chém mướn ngoài chợ" - theo lời bác gái.
Tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, tôi không thể tin một người phụ nữ dịu dàng, kín tiếng như chị lại trúng "tiếng sát ái tình" với một gã đâm thuê?! Phải chăng có điều gì lầm lẫn? Cố gắng tìm cách liên lạc với chị, nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Mãi đến một dịp đi công tác ở Đà Lạt, chị mới "chịu" tình cờ xuất hiện trước mặt tôi. Chị lúc đó đang là nhân viên Tòa án ở Lâm Đồng, Đà Lạt. Da trắng hồng, xinh xắn rạng ngời khiến tôi phải nhìn mãi mà không dám bước đến chào.
Ngày xưa, chị cũng xin xắn nhưng vẻ mặt lúc nào cũng đượm vẻ u buồn, khắc hẳn người phụ nữ tràn trà nhựa sống đang đứng trước mặt tôi. Cho đến khi chị chạy đến ôm lấy vai tôi, gọi tên tôi thì tôi mới dám tin mình không nhìn nhầm người. Chính là chị!
Chị đưa tôi về nhà chơi. Căn nhà tuy nhỏ nhưng gọn gàng, xinh xắn, phải gọi đó là một tổ ấm. Đứa con gái lớn lên 5, còn bé trai nhỏ vừa lên 3. Chồng chị đơn giản, lịch sự, một tay nấu cơm, pha trà và nhất định không để chị em tôi đụng tay vào việc nhà.
Anh nói nhỏ với tôi: "Lâu rồi anh mới thấy bạn cô ấy đến chơi, cô ấy vui lắm, hai chị em cứ dành hết thời gian cho nhau đi, mấy việc vặt này để anh, anh làm quen rồi". Hôm đó là chủ nhật, anh không cần phải lên xưởng gỗ làm nên rảnh rỗi.
Chị kể chuyện xưa, nói cái ngày gần ngày cưới, chị tình cờ găp anh khi đi chợ, rồi yêu từ cái nhìn đầu tiên. Biết anh cũng nhiều tai tiếng, nhưng anh hứa sẽ bỏ thành phố, bỏ nghề cũ để làm lại từ đầu với chị. Vậy là chị đã theo anh, theo tiếng gọi của tình yêu. Và đúng là chị không chọn lầm.
Anh vừa quan tâm chăm sóc chị, chăm con, rồi cả chăm chỉ làm việc. Tuy không giàu sang nhưng chị sống như một bà hoàng trong tổ ấm của mình, hạnh phúc như vậy là quá đủ rồi, chị không mong cầu gì hơn. Mẹ chị cũng đã lập gia đình khác từ 2 năm trước.
|
Những tưởng yêu thương sẽ ở lại mãi mãi trong tổ ấm nhỏ, nào ngờ anh bổng trở thành kẻ vũ phu, nát rượu và nợ nần |
Tôi rời Đà Lạt và trở về thành phố trong niềm vui gặp lại bạn cũ và thấy bạn mình tìm được hạnh phúc. Nào ngờ, hạnh phúc ấy lại không ở lại với chị thêm được bao lâu. Sau lần gặp gỡ ở Đà Lạt, chị được cơ quan cử ra Hà Nội học nâng cao nghiệp vụ trong 2 năm. Chị chần chừ, anh ủng hộ chị đi. Và rồi chị đi, có lẽ đó cũng chính là chuyến đi định mệnh mà chị không thể ngờ đến.
Trong 2 năm đó, chị chỉ về nhà vài lần do đường xá xa xôi. Không rõ vì sao, anh đã quay trở lại con đường cũ, rượu chè bài bạc và bỏ bê con cái. Mỗi khi chị về thăm nhà, anh kéo xệch chị ra cửa đánh tím mặt bầm tay. Chị khóc ròng vì đau, vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Không biết bao lần chị đợi anh tỉnh táo rồi hỏi anh có hiểu lầm chuyện gì không, hay anh gặp khó khăn gì nhưng anh chưa bao giờ nói. Hết 2 năm đi học, chị về mới hay là anh đã cầm cố căn nhà vị nợ nần. Chị nổi giận, anh càng đánh chị mạnh bạo hơn. Hai đứa con nhỏ mếu máo năn nỉ mẹ dẫn đi đâu cũng được, miễn không ở lại nhà này nữa. Tụi nhỏ sợ ba!
Hôm đó ngồi nghe chị kể, tôi đờ đẫn cả người, còn chị cứ tỉnh rụi như kể chuyện ai đó chứ không phải mình. Tôi hỏi vậy sao chị không ly hôn mà chịu đựng? Chị nói chị làm ở Tòa án, nhìn thấy trước mắt bao nhiêu cảnh ly dị rồi, mà ba mẹ chị cũng vậy. Đó là ám ảnh, chị dù bị hành hạ cỡ nào thì cũng không muốn bước đến Tòa án trong vị trí đó.
Và, quan trọng hơn cả, lúc đó chị còn yêu anh nhiều lắm. Chị từng tin anh sẽ trở lại là anh - một người chồng thương vợ, một người cha thương con. Điều chị còn bứt rứt mãi, đó là vì sao anh bỗng dưng thay đổi tâm tính? Chị dò hỏi mãi chẳng được.
Chị chịu đòn roi, chịu những cái bạt tai, nhưng đêm hôm khuya khoắt phải đưa con sang nhà hàng xóm "lánh nạn"... vậy đó, suốt 4 năm. Một buổi tối còn chong đèn chờ anh về, chị nghe tin anh bị đâm rồi chết trên đường vào bệnh viện.
Chị nói cũng không biết sao lúc đó mình không khóc được nữa. Chị lại gửi hai đứa nhỏ sang nhà hàng xóm rồi một mình vào nhận xác chồng. Kéo khăn lên nhìn mặt anh lần cuối. Chị kể mình đã thở dài, hình như là cảm giác thoát được một món nợ. Nợ tình, nợ đời... hay nợ gì... chị cũng không biết...
Ngày làm đám tang cho anh, chị em chồng còn nhiếc mắng chị đủ điều. Họ cho rằng tại chị bỏ bê chồng nên anh mới thành ra như vậy. Chịn im lặng, chị bỏ qua hết. Một thân một mình kiếm tiền chuộc lại căn nhà để con cái có nơi nương thân. Có lẽ, con đường tương lai cũng không dễ đi khi một mình chị gồng gánh nuôi hai đứa con, chỉ mong sao, không quá cay đắng như đoạn đường chị vừa đi qua.
Câu chuyện có thật của bạn tôi - chị H.K
Hoài Giang