Hủy hoại khuôn mặt vì chữa rám má tại spa

03/07/2019 - 07:00

PNO - Nghe những lời tư vấn bùi tai của nhân viên spa, chị N.T.T. (Hà Nội) đã bỏ ra gần chục triệu đồng để điều trị rám (nám) má bằng phương pháp chiếu laser.

Tuy nhiên, các vết rám không những không mờ đi mà khuôn mặt còn xuất hiện chi chít sẹo trắng loang lổ...

Sẹo trắng loang lổ sau điều trị laser tại spa

Cũng giống nhiều phụ nữ, sự xuất hiện của những vết rám má khiến chị N.T.T. (42 tuổi, Hà Nội) luôn có cảm giác tự ti. Theo thời gian, những mảng tối màu này ngày càng sậm, chị T. dù dùng phấn cũng không che hết khuyết điểm này trên khuôn mặt.

Sau nhiều lần thử điều trị tại một vài cơ sở không hiệu quả, chị T. được một nhân viên spa tư vấn, điều trị bằng laser là phương pháp mới, vừa nhanh chóng lại mang tới hiệu quả hơn 90%.

Huy hoai khuon mat vi chua ram ma tai spa
Các bác sĩ khuyến cáo, việc sử dụng laser trong điều trị nám được chỉ định nghiêm ngặt bởi nếu xác định sai tần số, năng lượng... có thể để lại hậu quả nặng nề - Ảnh minh họa

Theo nhân viên này, chị T. chỉ cần trải qua năm lần chiếu laser. Công nghệ laser sẽ phá hủy các siêu phân tử nám cực nhỏ và đào thải ra ngoài cơ thể mà da không bị tổn thương, đau rát. Nghe bùi tai, chị T. không ngại ngần bỏ ra số tiền gần chục triệu đồng để điều trị. 

Tuy nhiên, kết quả các vết nám trên mặt không những không mất đi mà còn đậm màu hơn trước. Đặc biệt, xen lẫn vùng da tối màu là những đốm trắng loang lổ khiến chị T. đau khổ và sợ hãi.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, sau khi khám, các bác sĩ xác định, những đốm trắng trên khuôn mặt chị T. chính là những vết sẹo để lại sau khi sử dụng năng lượng và bước sóng laser quá mạnh. Đây cũng chỉ là một trong những bệnh nhân gánh họa sau khi điều trị laser tại các cơ sở spa không đủ chuyên môn mà Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận thời gian gần đây.

Thạc sĩ - bác sĩ Đặng Bích Diệp - Bệnh viện Da liễu Trung ương - khẳng định, laser là một trong những biện pháp điều trị rám má (hay vẫn thường được gọi là nám má). Tuy nhiên, điều trị như thế nào lại phụ thuộc chặt chẽ vào chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân phải được thăm khám, chẩn đoán mức độ rám má để từ đó lựa chọn loại laser, bước sóng, năng lượng, tần số… cho phù hợp.

“Tại bệnh viện có rất nhiều loại máy laser, không phải tất cả đều sử dụng chung một loại máy. Trường hợp chọn laser không đúng sẽ gây phá hủy, tổn thương các tế bào xung quanh, dẫn đến bệnh nhân bị tăng sắc tố hơn so với ban đầu. Hoặc nếu năng lượng, bước sóng mạnh quá có thể gây ra sẹo trắng, loang lổ trên da”, bác sĩ Diệp cảnh báo.

Càng kỳ vọng, càng dễ... thất vọng!

Không chỉ có những ca tiền mất tật mang do điều trị laser tại các spa, cơ sở thẩm mỹ… thời gian qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương liên tục ghi nhận nhiều trường hợp biến chứng do sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để chữa rám má.

Huy hoai khuon mat vi chua ram ma tai spa
 

Bác sĩ Diệp cho hay, hầu hết các loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng đều không có nguồn gốc và không có thành phần ghi trên nhãn mác. Các loại thuốc này được quảng cáo như thần dược có thể đánh bay các sắc tố gây nám da chỉ trong một thời gian ngắn. 

“Trong nhiều sản phẩm chữa rám má không rõ nguồn gốc có thể có thành phần lột da mạnh. Nếu bệnh nhân không biết cách sử dụng thì sau giai đoạn này, da sẽ tăng sắc tố trở lại, thậm chí đen hơn trước. Nhiều trường hợp thậm chí còn gây độc tế bào, làm mất sắc tố, các vết trắng, đen xen kẽ với đỏ xuất hiện loang lổ trên khuôn mặt.

Hậu quả để lại nặng nề và điều trị vô cùng khó khăn”, bác sĩ Diệp nói. Ngoài ra, một trong những thành phần phổ biến có trong các sản phẩm điều trị nám da là corticoid. Việc sử dụng thành phần này kéo dài sẽ gây ra hàng loạt hệ lụy như viêm da tiếp xúc dị ứng, ngứa đỏ, giãn mạch, xuất hiện mẩn đỏ, mụn, mủ, sẩn, gây teo da…

Trong điều trị rám má, Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, với các trường hợp nhẹ, thông thường nên điều trị nội khoa trước (như dùng kem, thuốc chống nắng và các loại thuốc làm sáng da). Trường hợp không đáp ứng, các bác sĩ mới tính tới sử dụng các liệu pháp điều trị mạnh hơn như thay da sinh học, tiêm vi điểm và laser.

Bác sĩ Diệp cũng nêu thực tế, rất nhiều chị em kỳ vọng vào việc điều trị rám má. Tuy nhiên, đây là bệnh rất khó điều trị và dễ tái phát: “Thực tế, hình ảnh của các vết rám nhìn thấy được chỉ là phần nổi của các sắc tố đen đã hình thành ở dưới da. Theo thời gian, các sắc tố đã tồn tại này sẽ tiếp tục bị đẩy lên khiến vết rám đậm hơn. Do đó, việc hạn chế sự tiến triển của rám má đã được xem là một thành công. Việc giảm dần là bước tiến triển tiếp theo, nên rất cần sự kiên trì trong điều trị”. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI