Huy động vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân tham gia đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp

23/11/2024 - 14:02

PNO - Sáng 23/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam, tổ chức diễn đàn “Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện lúa gạo Việt Nam không thua kém về chất lượng so với bất cứ nước nào, tuy nhiên giá trị chưa được nâng cao như mong muốn.

Phát thải trong nông nghiệp Việt Nam đang ở mức 0,9%, cao hơn các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan… và cả Trung Quốc, cùng các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia và ngành chức năng tham gia diễn đàn, sáng 23/11
Các chuyên gia và ngành chức năng tham gia diễn đàn, sáng 23/11

Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sau khi đề án ra đời thì Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực chuỗi ngành hàng lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Nhiều lớp tập huấn cho nông dân về quy trình kỹ thuật giảm giống, phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật… từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng. Ban hành sổ tay hướng dẫn bà con quản lý rơm rạ và kỹ thuật. Việc xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo đang được tập trung vào chuyển giao các công nghệ sản xuất chất lượng cao, giảm phát thải, liên kết và sản xuất lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, khuyến nông cộng đồng góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tăng cường năng lực nông dân, nâng cao vai trò của HTX và tổ hợp tác, gia tăng giá trị và thu nhập…

Các chuyên gia, HTX và nông dân tham quan mô hình thí điểm lúa phát thải thấp ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ
Các chuyên gia, HTX và nông dân tham quan mô hình thí điểm lúa phát thải thấp ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ

Tiến sĩ Trần Minh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) - cho rằng, hiện các ngân hàng bắt đầu chuyển mình để cho vay theo chuỗi. Tuy nhiên, dư nợ trong chuỗi đề án này chưa nhiều; nông dân chưa trang bị đủ 100% máy sạ cụm, sạ giống. Khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia theo chuỗi là vốn để trả khi đầu tư cho nông dân và tiền thanh toán khi mua lúa gạo. Vấn đề đầu tư đầu tư trang, thiết bị, các doanh nghiệp cần nguồn vốn trung hoặc dài hạn. Vì vậy, thủ tục giải ngân cần nhanh chóng là yếu tố mà HTX và các doanh nghiệp quan tâm.

Ông Trương Hoàng Hải- Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ 2, cam kết tập trung nguồn vốn nhằm thúc đẩy các dự án tại địa phương.
Ông Trương Hoàng Hải - Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ 2 - cam kết tập trung nguồn vốn nhằm thúc đẩy các dự án tại địa phương

Theo ông Trương Hoàng Hải - Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ 2 - Agribank hiện là ngân hàng chủ lực cho vay về nông nghiệp; trong đó hơn 65% tập trung vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Agribank cam kết hỗ trợ mạnh cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đảm bảo cung ứng vốn cần thiết để triển khai. Đến cuối năm 2025, Agribank sẽ giữ vai trò chủ lực trong việc thực hiện đề án này.

Dự kiến, ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 200 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỉ đồng đối với HTX và 2-3 tỉ đồng với doanh nghiệp, dựa theo quy định của dự án và của Ngân hàng Nhà nước. Chi nhánh Agribank Cần Thơ 2 cũng cam kết tập trung nguồn vốn nhằm thúc đẩy các dự án tại địa phương, nâng cao hiệu quả đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong thời gian tới…

Trong đó, 4/7 mô hình thí điểm vụ hè thu năm 2024 có kết quả tích cực, g
Theo Bộ NN-PTNT, 4/7 mô hình thí điểm vụ hè thu năm 2024 có kết quả tích cực

Đến nay, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế đã triển khai 7 mô hình thí điểm. Trong đó, 4/7 mô hình thí điểm vụ hè thu năm 2024 có kết quả tích cực, giảm chi phí 20-30%, tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO2 trên 1ha; tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg.

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI