TPHCM

Huy động hàng chục cán bộ để thu hồi tiền hỗ trợ khuyến nông "trời ơi"

29/03/2023 - 08:47

PNO - Có 17 cán bộ được huy động tham gia vào việc thu hồi kinh phí thực hiện 7 mô hình khuyến nông năm 2019 với tổng số tiền gần nửa tỉ đồng.

Thu hồi tiền đã hỗ trợ 3 năm trước

Ngày 29/3, nguồn tin của Báo Phụ nữ TPHCM cho biết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM Phạm Lâm Chính Văn vừa ký ban hành quyết định thành lập tổ công tác thu hồi kinh phí thực hiện 7 mô hình khuyến nông đã thực hiện từ năm 2019.

Một hộ dân ở huyện Cần Giờ được chọn để hỗ trợ kinh phí thử nghiệm “nuôi cua hai giai đoạn” vào năm 2019 hiện đang nằm trong diện thu hồi kinh phí.
1 hộ dân ở huyện Cần Giờ được chọn để hỗ trợ kinh phí thử nghiệm “nuôi cua 2 giai đoạn” vào năm 2019 hiện đang nằm trong diện thu hồi kinh phí

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã thành lập 1 tổ công tác và tổ giúp việc ở 3 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) với tổng số 17 người để thực hiện việc thu hồi kinh phí.

Các tổ này có nhiệm vụ xây dựng phương án và tổ chức làm việc với các hộ nông dân tham gia mô hình khuyến nông năm 2019 về việc thu hồi kinh phí thực hiện các mô hình này với số tiền hơn 459 triệu đồng để nộp vào ngân sách nhà nước.

Trước đó, tháng 9/2022, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM đã ký quyết định thu hồi kinh phí 7 mô hình thử nghiệm khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông TPHCM thực hiện năm 2019. 

Theo tài liệu mà phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM thu thập được, việc triển khai thực hiện 7 mô hình thử nghiệm khuyến nông này không đảm bảo cơ sở pháp lý, chứng từ thu chi cũng rất nhập nhèm.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông đến nơi thực hiện mô hình thử nghiệm “nuôi cua 2 giai đoạn” ở huyện Nhà Bè năm 2019. Mô hình này được kết luận là triển khai trái quy định.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông đến nơi thực hiện mô hình thử nghiệm “nuôi cua 2 giai đoạn” ở huyện Nhà Bè năm 2019. Mô hình này được kết luận là triển khai trái quy định.

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã xây dựng dự toán và triển khai thực hiện mô hình thử nghiệm khuyến nông dựa vào điểm b, khoản 3, điều 5, Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND ngày 15/10/2012 của UBND TPHCM về nội dung chi và mức chi hoạt động khuyến nông trên địa bàn thành phố. Theo đó, nông dân áp dụng thử mô hình sẽ được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và vật tư thiết yếu (nhưng không quá 200 triệu đồng/mô hình). 

Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2019, Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND đã hết hiệu lực pháp lý bởi từ ngày 24/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông, trong đó không quy định mức hỗ trợ cho mô hình thử nghiệm. Việc Trung tâm Khuyến nông TPHCM thực hiện và quyết toán các mô hình thử nghiệm vào năm 2019 là trái quy định.

Ông Võ Ngọc Đẹp - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM - chỉ ra rằng, Trung tâm Khuyến nông TPHCM triển khai mô hình thử nghiệm sau khi Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực hơn 10 tháng chứ không phải triển khai trước khi nghị định mới có hiệu lực. Do đó, việc Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM cố tình áp dụng một văn bản đã hết hiệu lực pháp lý để chỉ đạo triển khai các mô hình thử nghiệm vào năm 2019 là sai phạm, có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Ngoài vấn đề pháp lý, chứng từ kế toán liên quan đến việc triển khai các mô hình trên cũng khá nhập nhèm. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông TPHCM xây dựng đề cương, dự toán, tổ chức đấu thầu… và công bố kết quả 7 mô hình khuyến nông nói trên là “mô hình thử nghiệm”.

Một mô hình thử nghiệm được Trung tâm Khuyến nông TPHCM triển khai trái quy định tại huyện Nhà Bè vào năm 2019
1 mô hình thử nghiệm được Trung tâm Khuyến nông TPHCM triển khai trái quy định tại huyện Nhà Bè vào năm 2019

Do đó, nếu căn cứ vào Nghị định 83/2018/NĐ-CP thì không có định mức kinh tế kỹ thuật, không có văn bản hướng dẫn nội dung chi, mức hỗ trợ để xác định mức chi hỗ trợ cho nông dân thực hiện mô hình. Ngoài ra, chứng từ trong cùng một mô hình nhưng vừa được ghi là “mô hình trình diễn”, vừa được ghi là “mô hình thử nghiệm” nên không hợp lệ. 

Trong quá trình triển khai 7 mô hình thử nghiệm khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã báo cáo không nhất quán về kinh phí quyết toán. Cụ thể, kinh phí quyết toán để báo cáo cho cơ quan chức năng là trên 430 triệu đồng nhưng số tiền theo chứng từ thực rút ở Kho bạc Nhà nước để mua con giống, thức ăn, vật tư cho 7 mô hình nêu trên là trên 787,5 triệu đồng.

Một mô hình nằm ngoài báo cáo

Trước đó, ở số báo ra ngày 6 và 8/12/2021, Báo Phụ nữ TPHCM đã đăng tải loạt bài viết Những mô hình khuyến nông "trời ơi" phản ánh về những dấu hiệu sai phạm, khuất tất trong việc thực hiện các mô hình, đề án khuyến nông ở TPHCM.

Từ năm 2021 đến nay, có hàng chục cán bộ ở Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã bị kiểm điểm, phê bình do liên quan đến các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động khuyến nông.

Theo 1 cán bộ có thâm niên công tác tại Trung tâm Khuyến nông TPHCM, ngoài 7 mô hình khuyến nông đã được yêu cầu thu hồi kinh phí, còn 1 mô hình nữa đã được Trung tâm Khuyến nông TPHCM thực hiện vào năm 2019 nhưng không nằm trong báo cáo đó là “mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất cây giống nuôi cấy mô năm 2019”.

Trong Quyết định số 102/QĐ-TTKN ngày 22/5/2019, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM Phạm Lâm Chính Văn đã thành lập tổ thực hiện mô hình thử nghiệm này, gồm 6 cán bộ khuyến nông. Tổng chi phí để thực hiện mô hình là 8,8 triệu đồng, trong đó, chi phí giống và vật tư là hơn 8,6 triệu đồng.

Mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất cây giống nuôi cấy mô năm 2019 được thực hiện tại trạm trình diễn và dạy nghề nông nghiệp
Mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất cây giống nuôi cấy mô năm 2019 được thực hiện tại trạm trình diễn và dạy nghề nông nghiệp

Được thực hiện tại trạm trình diễn và dạy nghề nông nghiệp, thuộc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, mô hình này cũng hỗ trợ sai đối tượng, không đảm bảo cơ sở pháp lý giống như 7 mô hình nêu trên. Tuy nhiên, mô hình này lại không được đề cập trong các báo cáo của trung tâm, cũng như các kết luận thanh tra, kiểm tra và cả quyết định thu hồi kinh phí vừa được ban hành.

“Các mô hình đã thực hiện cách đây 3 năm. Rõ ràng, lúc triển khai đã không đảm bảo cơ sở pháp lý nhưng Trung tâm Khuyến nông vẫn làm. Bây giờ đi thu hồi thì đối tượng chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân” - 1 cán bộ có thâm niên công tác tại Trung tâm Khuyến nông TPHCM bày tỏ.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI