PNO - PN - Đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 2014 tại Nam Phi nhưng Phạm Tuấn Huy (lớp 12, Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM) suy nghĩ nhẹ nhàng: “Em xác định đi Nam Phi thi là... du lịch để có những trải nghiệm bổ ích cho bản...
edf40wrjww2tblPage:Content
Mê học từ nhỏ
Khi được hỏi: “Anh có phương pháp gì để dạy dỗ mà con trai học giỏi như vậy?”, anh Châu Tuấn bối rối thực sự. Anh chia sẻ: “Huy là trường hợp khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Công bằng mà nói, tất cả những thành tích Huy đạt được đều do Huy phấn đấu. Từ nhỏ đến giờ, Huy chưa bao giờ để cha mẹ nhắc nhở phải ngồi vào bàn học, mà chỉ bị “mắng” vì học bài quá khuya, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi âm thầm theo dõi việc học của con, thấy con học tốt thì thôi, không can thiệp nhiều”.
Từ lớp 1 đến lớp 3, cậu bé Tuấn Huy chưa có gì xuất sắc. Lên lớp 4, đặc biệt là lớp 5, Huy cho thấy khả năng học toán vượt trội, nhưng lại kém môn văn. Thầy giáo chủ nhiệm của Huy lúc đó đã phải “bốc” Huy ra để dạy toán theo một chương trình cao hơn, đồng thời kèm thêm môn văn cho em. Huy thực sự được chú ý khi lên cấp II, học ở trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) học giỏi đều tất cả các môn, hầu như năm nào cũng nhất khối. Từ một học sinh yếu môn văn, Huy đã đạt điểm trung bình trên 9,5 ở cấp II môn này. Lên cấp III, vào trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, các giáo viên đều “kết” Huy. Giáo viên toán khuyên Huy tập trung vào toán, giáo viên văn “dụ” Huy theo chuyên sâu môn văn, giáo viên địa lý cũng muốn Huy dồn sức cho môn này, khi thấy suốt những năm cấp II, Huy luôn đạt điểm 10 môn địa. Cuối cùng, Huy chọn toán, nhưng vẫn giỏi những môn còn lại.
Anh Châu Tuấn chia sẻ: “Hồi còn học cấp I, mỗi lần đạt thành tích cao, con trai chọn phần thưởng là được đi nhà sách. Biết gia đình khó khăn, Huy vào đó và mê mẩn đọc hết sách này đến sách khác, hết cả buổi mới chọn mua quyển mình thấy cần nhất. Hầu như Huy không đòi mua đồ chơi, chỉ đòi mua sách. Đi học về, Huy vùi vào góc học tập say sưa học”.
Sự kiện thay đổi cuộc đời Huy, có lẽ là việc cậu được ba tặng một máy tính xách tay khi đang học lớp 9. Cứ vài bữa, Huy lại nhờ ba in một xấp tài liệu toán. Cũng vì cầm tài liệu toán toàn tiếng Anh đi in cho con, anh Tuấn mới phát hiện con trai mình âm thầm học tiếng Anh và giỏi tiếng Anh tự lúc nào. Người cha là giáo viên thể dục này tình thật: “Tôi cũng nắm khá vững kiến thức phổ thông, nhưng mỗi lần con trai hỏi bài, tôi đành chịu, phải gọi điện thoại cầu viện bạn bè. Nhưng vì bị hỏi khó quá, sau này bạn bè của tôi cũng ngán khi thấy Huy gọi”.
Huy mê học đến mức, có hôm đang nằm ngủ với ba, nửa đêm bật dậy, lấy bút viết lên giấy nháp vài dòng rồi cười vang. Ba lo con trai bị “mát” vì cuồng chữ, chồm dậy hỏi: “Con bị sao vậy?”. Huy gãi đầu: “Con mới nghĩ ra cách giải mới, ghi vô giấy, sợ ngủ dậy rồi quên”.
Dù đàn giỏi, nhưng có những lúc Huy bỏ hẳn thú vui này để tập trung học
Không mơ xa vời,làm tốt mục tiêu trước mắt
Trong ngôi nhà chật hẹp (629/33 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM), bằng khen của Huy được chất từng chồng, choán hết một góc phòng khách. Huy không hề "ghé" vào bất cứ lớp học thêm nào, chỉ thực sự thích môn toán, văn, địa lý nhưng vẫn đạt điểm xuất sắc cả những môn còn lại. “Em quan niệm, phải thấy hứng thú và thoải mái mới học hiệu quả được. Với những môn không thực sự thích, em vẫn tìm ở đó những điểm hay, điểm thú vị để hào hứng tiếp cận. Nhờ đó, kiến thức đi vào tâm trí mình một cách tự nhiên”. Huy bộc bạch, “Em muốn đặt ra mục tiêu cụ thể và tập trung giải quyết thật tốt những mục tiêu đó chứ không mơ ước xa vời. Hồi học lớp 7, em đã nói với ba rằng “con muốn sau này thi Olympic toán quốc tế”, điều này khiến ba ngạc nhiên vì lúc đó em chưa chứng tỏ được khả năng gì đặc biệt. Nhưng em đã đặt ra mục tiêu một cách nghiêm túc và thực hiện nó với nguồn cảm hứng cao, cuối cùng là đạt được”.
Mẹ của Huy là giáo viên âm nhạc, ban đầu đã “ép” Huy theo học piano ở Nhạc viện TP.HCM. Dù theo học chính quy ở Nhạc viện đến sáu năm, nhưng Huy không thể hiện sự thiết tha với việc chơi đàn. Vậy mà một ngày, Huy tuyên bố “sẽ đi thi đàn”. Mẹ Huy cũng ngạc nhiên, vì thấy “thằng này có lo luyện tập gì đâu mà thi với chả cử”. Và, Huy tập trung luyện tập ròng rã một tháng để đi thi. Kết quả, em đoạt huy chương vàng Hội thi đàn Organ Casio năm 2008.
Khi Huy mê cờ vua, ba chỉ bảo những nước cờ cơ bản cho con, sau một tháng, con trai đánh thắng cả máy tính. Năm ngoái, Huy nói cần thi chứng chỉ TOEFL để tìm suất du học ở Mỹ, ba hơi lo lắng, đề nghị con trai đi luyện thi ở các trung tâm Anh ngữ. Nhưng Huy khẳng định có thể tự học, và đặt ra mục tiêu phải “giải quyết” được điểm TOEFL thật cao. Kết quả, sau thời gian miệt mài tự học một tháng, Huy xuất sắc đạt 112/120 điểm và giành được suất học bổng toàn phần ở Đại học Stanford (Hoa Kỳ).
Dù vậy, Huy chia sẻ, "mỗi người không thể ôm đồm nhiều thứ. Chơi đàn hay, đánh cờ vua giỏi, nhưng ở thời điểm hiện tại, em đành bỏ cho đàn bám bụi, cắt luôn sở thích chơi cờ để tập trung cho việc học, đặc biệt là đầu tư cho môn toán".
Tối ngày 14/7, Tuấn Huy về trong vòng tay bà nội với huy chương vàng và rất nhiều hoa, sau hơn 10 ngày đi thi Olympic toán quốc tế tại Nam Phi
“Dị” cũng tốt
Huy tự thừa nhận mình hơi khác người, và bảo “em có thiên hướng thể hiện dấu ấn cá nhân, có “dị” cũng tốt, miễn là không ảnh hưởng đến người khác”.
Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy cảnh Huy ngồi học: tay cầm bút, tai cắm headphone nghe nhạc, mắt chốc chốc lại nhìn vào màn hình ti vi. Ban đầu, Huy thường xuyên bị bà nội rầy bởi thói quen học tập khác người này. Thế nhưng, sau đó cả nhà đã hiểu rằng, Huy là người có khả năng tập trung tốt cùng lúc nhiều việc khác nhau. Huy chia sẻ: “Bao giờ em cũng quan niệm việc học là nhẹ nhàng và đầy hứng thú, em vừa thư giãn bằng âm nhạc, xem những bộ phim hoạt hình mình yêu thích và dung nạp kiến thức, thấy hiệu quả hơn là ngồi học “chay”. Nhưng có lẽ, đây là thói quen kỳ lạ, các bạn khác không nên làm theo”.
Cha mẹ chia tay, Huy được bà nội chăm sóc. Bà Nguyễn Thị Tám móm mém khoe: “Tôi thấy nó có học bao nhiêu đâu, mà thi cái gì cũng đậu cao, học môn gì cũng giỏi”. Bà đâu biết, mỗi khi cháu cưng của bà ngồi chơi cũng là lúc trong đầu đang tư duy về một bài toán. Có lần, khách đến nhà, Huy chào khách xong thì ngồi thừ người ra, khiến bà phải nhắc nhở. Khi ấy, cậu mới thú nhận là “đang nghĩ đến việc học”.
Tháng Chín năm nay, Huy “dị” sang Mỹ du học. Dù mọi thứ đang “trải thảm” cho nhà toán học tương lai, thậm chí nhiều người còn ví Huy là “Ngô Bảo Châu thứ hai của Việt Nam”, nhưng Huy lại khiến mọi người bất ngờ khi tuyên bố: “Em đã từng được gặp, trò chuyện nhiều với giáo sư Ngô Bảo Châu, giáo sư cũng khích lệ em trong việc theo học toán. Nhưng ở thời điểm này, em chưa quyết định. Em sẽ dành năm học đầu tiên ở Mỹ để thăm dò mọi thứ, có thể em sẽ bỏ toán để chuyển qua ngành y...”.