Lướt dòng thời gian trên Facebook thì thấy cách đây 3 năm, một người bạn cũ đã đặt câu hỏi: “Mỗi lần qua phà các bác, các chú tài xế tranh thủ thời gian mà nhả khói, làm rất nhiều người khó chịu vì ngạt. Thật khổ sở vì khói thuốc, mà trên phà biết trốn đi đâu, chỉ mong phà cập bến sớm để tháo chạy khỏi làn thuốc độc”.
Tại các khu vực trung tâm ở đô thị lớn như TPHCM, chúng ta không lạ gì với cảnh khói thuốc phì phèo từ quán ăn, quán cà phê, bến xe buýt, trước cổng trường, ngoài công viên.
Chúng ta cũng không lạ gì với những trải nghiệm tàn thuốc vung vãi khắp nơi, khói thuốc bay ngập ngụa ở các nhà chờ bến xe, trạm xe buýt.
Đời sống tất bật, nghiệt ngã hơn, cuộc giành giật mưu sinh khốc liệt. Các phương tiện truyền thông nhan nhản những tin chém, đâm từ những vấn đề nhỏ: cái liếc mắt khó ưa, hát hò điếc tai, một lời nhắc đừng hút thuốc vì nơi đây có trẻ con, phụ nữ đang mang thai. Vậy nên, nhiều người, trong đó có tôi, chỉ biết cam chịu cho qua dù không biết bao lần đối mặt với cảnh bị hít khói thuốc lá thụ động như thế. Ông bà đã dạy “một câu nhịn, chín câu lành” là vậy.
Rất nhiều người chê trách những cá nhân chưa có cách hành xử đúng mức, chưa biết tôn trọng người xung quanh ở nơi công cộng. Nhưng, cái tật này biến mất ngay hay không, tất cả là do sự quản lý. Đơn cử, trên các chuyến bay, người ta luôn được nhắc nhở đây là chuyến bay không khói thuốc, hành khách được đề nghị tuyệt đối không hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử trong suốt chuyến bay. Vậy nên, đã không ít lần, tôi được nghe những lời tự sự của một số bạn bè rằng ở Việt Nam, họ chỉ thật sự hoàn toàn tránh được khói thuốc khi và chỉ khi đi máy bay. Tại sao chỉ phạt những người hút thuốc trên máy bay? Trên mặt đất, luật không được thực thi?
Có lần đi công tác ở Thái Lan, tôi ngạc nhiên trong niềm hạnh phúc khi đặt bút ký vào bảng cam kết không hút thuốc, gây ảnh hưởng đến người khác cũng như gây ảnh hưởng đến không khí của khách sạn.
Nhiều bạn nói về những điều du lịch Thái Lan mà Việt Nam nên học, trong đó có bảng hiệu cấm hút thuốc đặt bên trong nhà vệ sinh. Bởi, việc lén vào nhà vệ sinh hút thuốc, vẫn ám mùi, gây khó chịu cho người sau sử dụng kèm những tác hại khác.
Một con số được công bố trên website của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 gây giật mình. Ở Việt Nam, gần 1/2 nam giới trưởng thành (45,3%) hiện đang hút thuốc lá. Ngoài ra, gần 34,5 triệu người không hút thuốc đang phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà, nhà hàng, khách sạn và nơi làm việc. Điều này dẫn đến sự gia tăng số người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Không chỉ những người hút thuốc mà cả những người không hút thuốc khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Việt Nam là một trong số các quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã phê chuẩn Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá. Điều này bao gồm bảo vệ mọi người khỏi tiếp xúc với khói thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá, yêu cầu cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, thúc đẩy cai thuốc lá và tăng thuế thuốc lá.
Nghị định 117/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, trong đó, tại Điều 25 “vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá”: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Có luật là một chuyện, mà có lực lượng thi hành là chuyện khác. Muốn cho xã hội tốt hơn, văn minh hơn, đòi hỏi người dân cần có ý thức tôn trọng, tránh gây phiền đến người xung quanh. Mặt khác, đừng để dư luận cho rằng, pháp luật có nhưng không thực thi. Luật nhờn. Hay chỉ như ném đá ao bèo? Những thông điệp này rất đáng được lắng nghe.
Nguyễn Thị Hồng Chi