Hụt hơi và… hà hơi!

17/11/2017 - 11:47

PNO - Xem ra, cuộc vẫy vùng để tiến tới cách mạng bốn chấm, không chỉ bấy nhiêu!

Chuyện tháng Mười, ấy là cuộc “triển lãm băng rôn đường phố” của Vinasun nhằm phản ứng loại hình taxi Uber, Grab một mặt phản ảnh cái gọi là “văn hóa tự phát” của một doanh nghiệp, mặt khác cũng cho thấy, khi định chế quản lý chưa bắt kịp với thực tiễn thì rất dễ phát sinh những cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới kiểu hành xử kém văn minh, xấu xí. 

Hut hoi va… ha hoi!
 

Chuyện tháng Chín, Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên hủy quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả của Chi cục Thuế TP. Bến Tre và quyết định giải quyết khiếu nại của Cục thuế tỉnh Bến Tre liên quan tới Quyết định số 714 do Chi cục Thuế TP. Bến Tre ban hành về việc buộc ông Nguyễn Việt Cường tham gia mua bán tiền điện tử (bitcoin) từ năm 2008 đến năm 2013 phải nộp gần 1,7 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân và gần 1 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng. Khi pháp luật chưa công nhận tiền điện tử bitcoin là hàng hóa thì việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế là không đúng pháp luật, nếu không muốn nói, với quyết định truy thu thuế, Chi cục Thuế TP. Bến Tre mặc nhiên công nhận loại tiền tệ ảo cũng như giao dịch bất hợp pháp này. 

Và chuyện tháng 11, ngày 16, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đều liên quan đến hai câu chuyện nói trên. Mà tựu trung cũng chỉ là một: đó là năng lực quản trị đối với các loại hình kinh doanh liên quan đến công nghệ, trình độ quản lý hoạt động các doanh nghiệp trong nền kinh tế số. Đây là những tiền đề căn bản để chúng ta vận hành một chính phủ điện tử, xác lập từng bước đi nền tảng để tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Như lời Bộ trưởng Tài chính thừa nhận tại phiên chất vấn sáng 16/11: “Với các loại hình kinh doanh trên mạng như Google, Facebook… dù họ đã kê khai nhưng chưa thể thu thuế”. Ông thật thà: “Họ đi theo công nghệ thì mình cũng phải đi theo”. 

Rõ là cơ quan quản lý đang… hụt hơi chạy theo. Uber, Grab lưu thông trên đường phố Việt Nam, kinh doanh và thu lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng trên khách hàng Việt Nam. Chỉ có văn phòng giao dịch là họ đặt tít ở nước ngoài; và dĩ nhiên họ lờ đi mọi nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ thuế. Hố bất công với taxi truyền thống quả là rất sâu. 

Hut hoi va… ha hoi!
 

Hoặc như hai gã khổng lồ Google và Facebook đang chiếm lĩnh toàn bộ thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Nếu phương thức mua bán qua các đại lý do các doanh nghiệp đăng ký, có thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu thì ở phương thức giao dịch trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử, cơ quan chức năng hầu như hụp lặn trong ma trận hoạt động kinh doanh, doanh thu phát sinh, quá trình giao dịch…

Với thị trường điện tử bitcoin cũng thế, vào trung tuần tháng Chín, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đột ngột đóng cửa tất cả sàn giao dịch tiền điện tử bởi quá nhiều hệ lụy tiêu cực khi việc lưu hành đồng tiền ảo này không đi cùng các quy định và luật lệ phù hợp trong quản lý hoạt động đầu tư và đầu cơ tiền điện tử. Ở Việt Nam, bitcoin không phải là đồng tiền pháp định, giao dịch tiền điện tử không phải là thanh toán hợp pháp. Đó là tái khẳng định của Thống đốc Lê Minh Hưng chiều 16/11. Nhưng ông cũng công nhận rằng: “Trong xu thế phát triển, cần đề ra một khuôn khổ pháp lý phù hợp” để quản lý dòng tiền ảo này. 

Phải nhìn nhận một thực tế: không thể mãi loay hoay với mớ công cụ quản lý truyền thống đối với sự chuyển dịch của một thị trường hiện đại mang tên công nghệ số; không cứ chăm chăm quản trị “thực” trên nền giao dịch “ảo”. Nhu cầu sử dụng dịch vụ của con người ngày càng rộng mở; và đang tịnh tiến theo chiều hướng phát triển các dịch vụ xuyên biên giới. Nếu khả năng thích ứng và trình độ quản lý của các cơ quan chức năng không theo kịp, thì lỗ hổng thanh toán cứ ngày một bị khoét sâu, vừa gây sự bất bình đẳng với doanh nghiệp trong nước, vừa thất thu đáng kể, thậm chí khổng lồ cho Nhà nước. 

Cú hụt hơi này, may thay cũng đã có được sự… hà hơi từ Thủ tướng Chính phủ khi vào ngày 21/8 vừa qua, Quyết định số 1255 ra đời, theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản, tiền điện tử, tiền ảo. Cũng như Bộ Tài chính cũng vừa công bố dự thảo tờ trình xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó, có nêu nội dung đề nghị nhà cung cấp nước ngoài khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam…

Xem ra, cuộc vẫy vùng để tiến tới cách mạng bốn chấm, không chỉ bấy nhiêu! 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI