Một chiều, đang chạy trên đường Trương Định, Q.3, TP.HCM, bỗng ba mẹ con tôi nhìn thấy một bà già ngồi bên đường khóc bên cạnh hai đứa cháu trai, một cháu đeo khẩu trang, cháu kia nhỏ hơn, mặt buồn rười rượi.
“Bà đau bụng hay bị giật tiền?”
Hình ảnh khóc nôn nao ruột gan của bà già bám riết lấy tôi, dù xe tôi vẫn lướt phăng phăng cho kịp giờ giao trái cây giúp ông xã. Các con tôi hỏi: “Mẹ ơi, sao bà khóc dữ vậy mẹ? Bà đau bụng hay bị giật tiền?”.
|
Bà già khóc nghẹn cạnh hai cháu nhỏ bên vỉa hè khiến người qua đường khó thể làm ngơ |
Giao hàng xong, với sự giục giã của các con, tôi quay lại chỗ ba bà cháu lúc nãy thì chỉ còn lại vỉa hè trống trơn. Thử quẹo phải vào đường Điện Biên Phủ, tôi thấy ba bà cháu đang ngồi ở trạm xe buýt.
Nước mắt lã chã, giọng nghẹn ngào, bà kể mình tên Vân, sống bằng nghề gom ve chai, rửa ly mướn gần bến xe Tịnh Biên (tỉnh An Giang). Chồng bà mất đã lâu vì sốt rét. Bà có con gái duy nhất chính là mẹ ruột của hai cháu trai này (mỗi cháu một cha), hiện đi làm ở TP.HCM. Hai tuần trước, cháu trai lớn bị viêm amidan biến chứng “mọc rễ” nên bác sĩ chỉ định mổ, bà liền dắt hai cháu lặn lội lên TP.HCM tìm con gái bà để báo tin.
Bà chỉ đủ tiền đi xe từ quê lên TP.HCM, mong tìm được con gái sẽ xin tiền xe về và tiền đóng viện phí. Tuy nhiên, lên đến nhà trọ, bà mới té ngửa con gái đang cặp bồ với một người đàn ông và đã dắt nhau đi Nha Trang.
Những lời tôi trấn an không ngăn nổi dòng nước mắt tuôn trào của bà: “Cô khổ lắm! Ba bà cháu sáng giờ không một hột cơm, không một giọt nước…”. Tôi tiến lại cháu nhỏ, hỏi: “Con tên gì?”. Thằng bé lắc đầu không nói, nhìn về phía bà “cầu viện”. Bà trả lời thay: “Con ở An Giang, con tên Khoa. Con bảy tuổi nhưng chưa đi học nên không nhớ tên của mình luôn!”. Bà cho biết cậu con trai lớn bị bệnh tên Tài, đang học lớp bảy.
Tôi hỏi bao nhiêu tiền đủ để mấy bà cháu đón xe về quê, bà cho biết tổng cộng vé xe buýt và xe khách ở bến xe Miền Tây cỡ bốn trăm mấy chục ngàn, mà túi bà chỉ còn vài chục ngàn. Sẵn số tiền giao trái cây lúc nãy, tôi đưa bà sáu trăm ngàn để còn dư mua hộp cơm, bánh bao lót dạ. Bà chộp lấy tiền từ tay tôi, cảm ơn rối rít.
Lát sau, bà bỗng bật cười nói: “Quên nữa, giờ cô phải lên xe buýt 150 ra ngã tư Hàng Xanh, rồi đổi tuyến từ đó đi bến xe Miền Tây. Chứ giờ xách đồ lội bộ ra chỗ đón xe buýt đi thẳng đến bến xe Miền Tây thì xa lắm”.
Tôi hơi gờn gợn, vì bà là người An Giang, mới đặt chân lên TP.HCM lần thứ hai mà rành đường, rành xe buýt hơn cả tôi, là cư dân sống ở đây trên hai chục năm. “Sao cô rành vậy?”, bà đáp ngay: “Tại cô mới hỏi, người ta chỉ”.
Sẵn “máu” vì cộng đồng, tôi xin số điện thoại của bà để sắp tới sẽ trực tiếp xuống địa phương tìm hiểu tường tận hoàn cảnh, kết nối và giúp đỡ. Bà bảo không có điện thoại, khi nào về tới An Giang sẽ mượn điện thoại hàng xóm gọi cho tôi. Sợ bà buồn lo, sẽ bỏ mất số điện thoại, tôi cẩn trọng ghi thêm số điện thoại đưa cho cháu trai.
Cuộc hội ngộ không mong đợi.
Xe buýt số 150 nhả lại làn khói mỏng, ba mẹ con nhìn theo đầy tâm trạng. Con trai ôm chầm mẹ, reo: “A, mẹ mới làm thêm việc tốt”. Con gái trầm ngâm: “Tội quá! Rồi về tới quê cũng đâu có tiền mà mổ amidan…”. Về nhà, chúng tíu tít kể ba nghe mọi chuyện, còn đoán bây giờ chắc họ đang ở bến xe miền Tây, vừa ăn bánh bao vừa đợi xe về quê. Ba phán: “Coi chừng bị lừa. Thời buổi này nhiễu nhương, phức tạp”.
Một ngày, hai ngày… các con hỏi: “Bà về quê rồi mà sao chưa thấy gọi lên cho mẹ? Mẹ canh điện thoại coi chừng có cuộc gọi nhỡ nhen!”.
Khoảng mười ngày sau đó, tôi giật mình khi thấy “mô hình” cũ cũng ba bà cháu với chiếc giỏ lữ hành, với gương mặt bà tím đỏ vì khóc, cũng trên con đường Trương Định nhưng ở đoạn Q.1, TP.HCM. Lúc đó, tôi không thể tiếp cận ba bà cháu để tường tận sự tình, vì đang trên xe của đoàn từ thiện.
|
Ảnh minh họa |
“Có phải mẹ đã bị lừa?” - tôi không giấu các con cảm giác bẽ bàng khi kể lại mọi chuyện cho chúng nghe. Cái lằn ranh giữa lòng trắc ẩn và sự nhẹ dạ, cả tin; giữa nhân ái và ngây ngô, mù quáng; giữa sẻ chia và tiếp tay… không biết đến bao tuổi mới đủ để phân định. Bất luận khi tôi đã là mẹ, là bà, miễn còn lòng vị tha, miễn trái tim còn nóng, thì tôi còn nhìn thấy bên kia đường có người đang khóc, thấy ánh mắt bàng hoàng của em bé lạc mẹ trong siêu thị… Và tự nhiên, các con cũng quan tâm, nhiệt thành, thích giúp người như vậy.
Đó từng là niềm tự hào lớn nhất của cả nhà. Tôi bộc bạch với các con một ý nghĩ rất thật, rằng lúc nhìn thấy ba bà cháu ấy, tôi thoáng nhẹ lòng, vì cháu trai bà có thể không vướng phải căn bệnh quái ác, rằng đó có thể chỉ là một chi tiết trong “kịch bản” bà dựng lên để đoạt lấy sự thương cảm của người đi đường.
Đáp lại tâm trạng thất vọng, ngổn ngang của mẹ, các con cũng kể những lần hụt hẫng vì giúp người mà họ lại không xứng đáng. Mổ xẻ trường hợp ba bà cháu, cậu con trai tôi phán một câu: “Đúng rồi, bà lừa tiền, bị “nghiệp quật” thì khổ hoài chứ sướng gì nổi”. Cô con gái lớn ra chiều triết lý: “Bà có lừa không vẫn chưa chắc, chứ con nghĩ họ khổ thiệt đó mẹ.
Nếu cuộc sống ổn định, ai lại ra đường kiếm tiền như vậy. Chỉ là cách “chống khổ” của bà có hại mình, hại người hay không. Thằng nhỏ không được đi học vậy là thiệt thòi rồi. Bị người lớn bắt ép làm công cụ đi lừa tiền (nếu đúng thực là lừa tiền) thì tụi nó khổ đời quá chứ gì”. Ba mẹ con mong nếu có cơ hội gặp lại, sẽ tìm đến tận gốc để hỏi han, tìm hiểu gia cảnh của bà, chủ yếu cho tụi nhỏ có đời sống khác, được học hành đàng hoàng. Và nhân đó cũng giúp bà một công việc mưu sinh chân chính.
Diệu Hiền