Hút chân không để điều trị ung thư vú?

30/06/2020 - 07:00

PNO - Để xác định một người có bị ung thư hay không, bác sĩ phải lấy tế bào từ khối u đem xét nghiệm, có thể dùng mũi kim đâm vào giữa u hoặc mổ cắt lấy một phần u.

Mổ cắt khối u ác tính tại vú từ lâu là phương pháp cơ bản điều trị ung thư vú. Ngay từ thời xa xưa khi con người chưa có các phương tiện hiện đại, người ta cũng đã dùng lửa để triệt tiêu các khối u lở loét. Với sự tiến bộ của gây mê hồi sức và hiểu biết về bệnh học của bệnh ung thư, việc cắt toàn bộ tuyến vú chứa khối u giúp trị khỏi 50% - 80% bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm.

Để xác định một người có bị ung thư hay không, bác sĩ phải lấy tế bào từ khối u đem xét nghiệm, có thể dùng mũi kim đâm vào giữa u hoặc mổ cắt lấy một phần u. Đối với những khối u nhỏ, nằm sâu, khó sờ thấy và nghi ngờ ác tính, bác sĩ phải cắt trọn hoặc cắt một phần khối u để xét nghiệm mới cho kết quả chính xác, những trường hợp này phải dựa vào siêu âm hoặc X-quang tuyến vú để đánh dấu và mổ sinh thiết u.

Hút chân không cho trường hợp nào?

Gần đây có kỹ thuật hút u áp lực âm hoặc hút u chân không dưới hướng dẫn siêu âm hoặc nhũ ảnh. Cụ thể, bác sĩ sẽ đưa kim lớn vào khối u và cắt khối u thành từng lõi, mảnh khác nhau và hút ra ngoài. Đây là kỹ thuật có thể dùng điều trị những khối u nhỏ, lành tính với u điểm ít sẹo, thẩm mỹ. 

Mô phỏng quá trình sinh thiết vú bằng kỹ thuật hút chân không
Mô phỏng quá trình sinh thiết vú bằng kỹ thuật hút chân không

Hiện nay kỹ thuật này đã phổ biến tại nhiều bệnh việc khác nhau trên cả nước và đôi khi được quảng cáo khoa trương là có thể điều trị ung thư vú mà không cần mổ.

Tuy nhiên đối với ung thư vú, đây chỉ là phương tiện sinh thiết u, chưa bao giờ thay thế cho phẫu thuật. Nghiên cứu cho thấy, đối với u ác tính, sau thủ thuật hút trọn u vẫn có 53% - 70% bệnh nhân còn sót tế bào ung thư tại vị trí bướu khi họ đã được mổ triệt để. Do đó, nếu chỉ hút u mà không mổ, nguy cơ bệnh tái phát là rất lớn.

Mặt khác, việc cắt nhỏ u thành nhiều mảnh có thể khiến bác sĩ đọc kết quả khó khăn hơn so với việc cắt trọn u thành một khối, do đó sẽ tùy vào bệnh cảnh lâm sàng, phương tiện, kỹ thuật… mà bác sĩ sẽ quyết định cách tốt nhất cho bệnh nhân.

Phẫu thuật ung thư vú có những loại nào?

Hiện tại, phẫu thuật ung thư vú có 3 loại chính: mổ cắt toàn bộ vú chứa u ác tính, hoặc chỉ cắt rộng quanh khối u, bảo tồn mô vú còn lại hoặc mổ cắt hết mô vú kèm tái tạo vú nhằm mục đích thẩm mỹ. Tùy vào giai đoạn bệnh, điều kiện và yêu cầu của bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định cách xử lý thích hợp nhất, trong đó phải đặt yếu tố an toàn về mặt ung thư lên hàng đầu.

Cùng với các tiến bộ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, nhũ ảnh, cộng hưởng từ... và ý thức người dân về bệnh ung thư được nâng lên giúp cho việc phát hiện khối u ngày càng sớm khi mới chỉ vài milimet.

Thêm vào đó, các thuốc mới và các kỹ thuật mới như xạ trị… ngày càng phát triển giúp thu nhỏ khối u, tạo thuận lợi cho việc cắt rộng khối ung thư mà không cần phải cắt bỏ mô vú, giữ được vóc dáng cho bệnh nhân.

Một số bệnh nhân đáp ứng rất tốt với thuốc, khối u hoàn toàn biến mất sau hóa trị, trong những trường hợp này, việc mổ cắt hoàn toàn vị trí u và gửi toàn bộ bệnh phẩm đi xét nghiệm vẫn là tiêu chuẩn vàng khi muốn biết bệnh nhân còn tế bào ung thư hay không.

Như vậy, phẫu thuật vẫn là vũ khí điều trị chính trong ung thư vú, hiện tại chưa có phương pháp nào thay thế được vai trò của việc mổ triệt để khối u.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ

Khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức

Thành viên Hội Phẫu thuật Ung bướu Mỹ, Hội Ung bướu lâm sàng Mỹ, Hội Ung bướu nội khoa châu Âu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI