PNO - Hôm nay, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII - diễn đàn lớn của phụ nữ Việt Nam - diễn ra tại TP.Hà Nội. Đại hội thu hút sự quan tâm không chỉ của trên 19 triệu hội viên, của giới nữ mà còn là sự quan tâm của xã hội.
Đây được xem là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 với chủ đề Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước.
Chiếm 50,2% dân số, 47,4% lực lượng lao động, phụ nữ ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò, vị thế quan trọng trong gia đình, xã hội, đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển đất nước. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và chăm lo công tác phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển đội ngũ cán bộ nữ.
Giờ đây, các chỉ số về phát triển con người, về bình đẳng giới của Việt Nam nhìn chung là tiến bộ. Tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học, cao đẳng tương đương nam giới. Tỷ lệ nhà khoa học nữ cũng tăng dần, đạt mức 44,2% thạc sĩ và 28% tiến sĩ. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ đạt 76,3 tuổi. Trong lĩnh vực kinh tế, có trên 30% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ và có nhiều nữ doanh nhân ghi dấu ấn trên thương trường. Lao động nữ có tỷ lệ cao hơn nam ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, phụ nữ luôn khẳng định thế mạnh của mình.
Công tác cán bộ nữ có những chuyển biến đáng kể. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đạt 10%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng ở cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt 16%, tăng 2%, riêng TP.HCM đạt 20%, cấp ủy quận/huyện đạt 27,28%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất từ khóa VI đến nay. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt 43,62%, TP.Thủ Đức đạt 40%, cấp huyện đạt 37,58%, cấp xã đạt 36,5%.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN các cấp đã thực hiện nhiều cuộc đối thoại, tham vấn chính sách với lãnh đạo đảng, chính quyền, có tiếng nói trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Hội đã triển khai nhiều đề án chăm lo thiết thực cho phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế, đã phát huy vai trò đại diện bảo vệ khi phụ nữ bị xâm hại, bạo hành… Chính vì thế mà cử tri nữ có xu hướng ủng hộ phụ nữ tham chính để bảo vệ phụ nữ, họ lựa chọn người có năng lực chứ không bầu vì áp lực bảo đảm cơ cấu giới tính.
Tuy nhiên, trong thực tế, tốc độ thu hẹp khoảng cách giới không bắt kịp sự thăng hạng về kinh tế của Việt Nam. Chúng ta có hệ thống pháp luật về bình đẳng giới khá tốt nhưng chưa đồng bộ và việc thực hiện có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Còn không ít những rào cản vô hình, những tác động tiêu cực của định kiến giới trong xã hội và gia đình, một bộ phận nữ giới còn mặc cảm tự ti, an phận… Một bộ phận phụ nữ có đời sống vật chất, tinh thần còn khó khăn, tỷ lệ đào tạo nghề thấp. Phong trào thi đua chưa đồng đều. Hiệu quả của hoạt động giám sát chưa như kỳ vọng.
Những thay đổi về việc làm, thu nhập, những yêu cầu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh… đòi hỏi hoạt động Hội và lao động nữ phải có sự chủ động thích ứng. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật hiện hành sao cho đồng bộ, khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập.
Để phát huy vai trò của phụ nữ và công tác Hội, Đại hội XIII của Hội LHPN Việt Nam xác định ba nhiệm vụ: hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ; thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; xây dựng Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Đại hội lần này nêu phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” theo tiêu chí có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước. Đại hội tiếp tục phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với nội hàm thay đổi phù hợp thực tiễn.
Văn kiện đại hội nêu hai khâu đột phá, đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội và đồng hành xây dựng cơ sở Hội vững mạnh. Văn kiện đại hội cũng nêu bốn nhóm giải pháp: đổi mới công tác tuyên truyền; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; đổi mới công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và vận động nguồn lực.
Xây dựng người phụ nữ hiện đại gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc vì người phụ nữ có vai trò lớn trong gia đình. Người xưa cho rằng, phụ nữ là người sẽ đem lại vận khí tốt cho gia đình nếu có tâm thuần thiện, có đức hạnh, ôn nhu. Phụ nữ Việt Nam đã vinh dự được Bác Hồ tặng tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhân ái, hiền hòa, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước phồn vinh.
Cần có cơ chế phối hợp trong các khâu đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ. Cần phát hiện và sử dụng những cán bộ nữ có tố chất, có năng lực lãnh đạo, có niềm say mê giúp đỡ người khác, được sự ủng hộ của gia đình và xã hội; không tự bằng lòng với những con số, cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ đạt được mà phải nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp hoạch định chính sách, pháp luật.
Sự hiện diện và tham gia của phụ nữ sẽ giúp cải thiện hiệu quả công việc trên nhiều lĩnh vực và giúp phát triển bền vững. Khát vọng thành công, hạnh phúc, ý chí vượt khó, tinh thần ham học hỏi và khả năng sáng tạo của phụ nữ cần được tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để họ tự tin làm tốt vai trò, trọng trách lớn lao đối với gia đình và xã hội, góp sức dựng xây đất nước hùng cường, quốc gia hạnh phúc.
Hy vọng Đại hội XIII của Hội LHPN Việt Nam thành công sẽ tạo thêm động lực mới, khí thế mới để phong trào phụ nữ và công tác Hội có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn.
Việt Nam thắng Singapore 2-0, giúp thầy trò HLV Kim Sang-sik nắm lợi thế rất lớn trước khi bước vào trận bán kết lượt về trên sân Việt Trì vào ngày 29/12.