Các cơ sở đào tạo nhập cuộc
Mùa tuyển sinh năm 2024, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM có 3 đơn vị mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Công nghệ thông tin.
ĐH Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ cung cấp cho thị trường nhân lực 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch, đồng thời sẽ xây dựng chương trình giảng dạy hiện đại, cấp chứng chỉ về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn và thành lập Viện Công nghệ bán dẫn làm đầu mối nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này.
|
Bên trong Trung tâm Phenikaa đào tạo thiết kế vi mạ ch bán dẫn, Trường đại học Phenikaa - Ảnh: P.U. |
ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo liên quan đến chip bán dẫn, gồm điện tử viễn thông, thiết kế vi mạch, hệ thống nhúng, điện và tự động hóa, cơ điện tử, kỹ thuật máy tính và khoa học máy tính, vật lý kỹ thuật, vật liệu và vật liệu điện tử, công nghệ vi điện tử và nano, với tổng số hơn 3.300 sinh viên.
Trong đó, chuyên ngành thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo kỹ thuật điện tử viễn thông, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano được mở năm 2023. Các chương trình đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội hướng tới mục tiêu cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất, đóng gói, kiểm tra vi mạch.
Mỗi năm, ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo 1.500 sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn. ĐH này có 6 phòng thí nghiệm, 9 nhóm nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, khoa học vật liệu, thiết kế chip và đang xây dựng chương trình nghiên cứu chip bán dẫn, đề án đầu tư phát triển trung tâm về công nghệ bán dẫn, vi mạch.
Ngành công nghiệp bán dẫn (còn gọi là vi mạch) là tập hợp các thành phần tham gia vào lĩnh vực thiết kế, chế tạo nên các linh kiện, thiết bị điện tử - thành phần đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ, kỷ nguyên số. Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, theo dự báo, ngành này có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỉ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ XXI. Tại Việt Nam, các chuyên gia dự báo quy mô ngành bán dẫn đến năm 2030 ước đạt 20-30 tỉ USD. |
Riêng Trường ĐH Công nghệ đã xây dựng các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu về thiết kế vi mạch, công nghệ vật liệu nano từ năm 2006 với các trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo thiết kế và đo kiểm vi mạch.
Năm 2024, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn thuộc ĐH Đà Nẵng sẽ đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn với 200 chỉ tiêu.
Các cơ sở đào tạo khác như Trường ĐH Khoa học - Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng mở và tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch.
Trường ĐH Phenikaa thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn (PSTC) với các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực, liên kết và hợp tác trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn.
|
Đại học Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Samsung ký kết văn bản hợp tác triển khai chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) - Ảnh: V.T. |
Cần chiến lược thu hút nhân tài
Đầu năm 2024, Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Samsung đã ký kết văn bản hợp tác triển khai chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.
Ông Mai Anh Tuấn - giảng viên Trường ĐH Công nghệ - cho biết, đây là chương trình đào tạo sau đại học đầu tiên ở nước ta. Theo ký kết, Tập đoàn Samsung hỗ trợ các học viên 3 triệu đồng/tháng, Trường ĐH Công nghệ hỗ trợ 7 triệu đồng/tháng để các học viên yên tâm dành thời gian cho việc học tập.
Trường cũng mời các giáo sư hàng đầu giúp xây dựng chương trình đào tạo để đảm bảo người tốt nghiệp đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng như của ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn thế giới. Cho đến nay, chưa có đơn vị nào có được sự hợp tác quốc tế như trên nhằm khuyến khích người học tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu về bán dẫn và vi mạch.
Tại hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam, tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết, khó khăn đầu tiên trong đào tạo ngành thiết kế vi mạch chính là thu hút người học, bởi đây là ngành học khó thấy được kết quả ngay, nó giống như hậu trường tạo ra sản phẩm.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu định hướng đến năm 2030, đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư, chuyên gia ngành công nghiệp bán dẫn. Trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành này. |
Theo ông, Chính phủ cần sớm ban hành chiến lược về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, gồm nguồn lực đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu; chính sách thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các trường ĐH với doanh nghiệp cũng như sự hợp tác quốc tế về thiết kế vi mạch.
Chính phủ cũng cần đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm dùng chung cho các trường ĐH trong nghiên cứu, đào tạo ngành thiết kế vi mạch để thông qua đó hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Bên cạnh đó, ông hy vọng những sinh viên giỏi sẽ ở lại Việt Nam, tạo dựng doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Tiến sĩ Trần Xuân Tú - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, để thu hút được nhân tài, Chính phủ và doanh nghiệp phải tạo được môi trường tốt để họ phát huy được hết tài năng; có các chính sách, mô hình khuyến khích nhân tài bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu; các giáo sư, giảng viên cũng cần tham gia tích cực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch để động viên sinh viên tham gia lĩnh vực này.
Theo tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội - một số cơ sở giáo dục ĐH đã có kinh nghiệm đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, nhưng để đảm bảo chất lượng và số lượng thì sự chia sẻ và hợp tác giữa các trường về cách đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu và thực hành cần phải hiệu quả và đồng bộ, chương trình đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu thực tế về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp.
Các trường cần xác định, sinh viên tốt nghiệp có thể làm được việc gì và làm việc ở đâu, trong lĩnh vực nào của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn với kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo 4 năm ở trường.
|
CHIP 5G DFE do Tập đoàn Viettel sản xuất - Ảnh: Hoàng Việt |
Trong chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) hồi đầu tháng 7/2024, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai đã thảo luận với các lãnh đạo của trung tâm về định hướng hợp tác trong một số lĩnh vực, đặc biệt là nghiên cứu, phát triển bán dẫn, điện tử, đồng thời mong muốn trung tâm tiếp nhận sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam vào thực tập. 2 bên cũng trao đổi về khả năng tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, các chương trình trao đổi, học bổng cho chuyên gia, nghiên cứu sinh Việt Nam về bán dẫn, điện tử. Theo đó, trung tâm sẽ tiếp nhận, đào tạo sinh viên Việt Nam và hợp tác với các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. |
Cuối tháng 5/2024, tại hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 41 cấp ĐH với sự hướng dẫn của 2 giảng viên, nhóm sinh viên Khoa Vật lý kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội đã giành giải Nhất hạng mục khoa học tự nhiên với đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ quang khắc đến kích thước micrometer phục vụ đào tạo công nghệ bán dẫn”. Trưởng nhóm nghiên cứu Trần Hà Giang chia sẻ, hiện nay, mọi lĩnh vực đều cần đến những con chip bán dẫn. Từ “chip” và “bán dẫn” xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông khiến nhiều phụ huynh hướng con em đến nhóm ngành học này nhưng hầu hết chưa biết thế nào là bán dẫn, chưa hiểu rõ quy trình tạo ra 1 con chip. Do đó, nhóm nghiên cứu của Giang tạo ra mô hình thí nghiệm giá rẻ để hỗ trợ mọi người tiếp cận, khai thác công nghệ quang khắc - kỹ thuật căn bản của ngành công nghiệp bán dẫn. |
Trả lương cao, vẫn không thể tuyển đủ kỹ sư vi mạch Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn, cần tuyển 5.000-10.000 kỹ sư/năm nhưng lượng kỹ sư do các trường đại học đào tạo chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Thiếu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là vấn đề toàn cầu chứ không riêng Việt Nam. Ước tính đến năm 2030, thế giới cần thêm hơn 1 triệu nhân sự, làm việc trong các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Đại diện tập đoàn Viettel cho biết, mỗi năm, Viettel cần tuyển 20-30 kỹ sư vi mạch nhưng chỉ tuyển được khoảng 10 người. Viettel hiện có khoảng 50 kỹ sư vi mạch chất lượng cao, được tuyển dụng trong nhiều năm, trong đó có 10 người từ nước ngoài về. Đến năm 2030, Viettel cần có hơn 500 kỹ sư và đến năm 2035, cần có hơn 1.000 kỹ sư vi mạch, trong đó hơn 20% có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Theo thông tin tuyển dụng của Công ty TNHH Knowledge Edge Việt Nam, công ty này cần tuyển kỹ sư thiết kế vi mạch, làm việc ở TPHCM, yêu cầu dự tuyển là tốt nghiệp năm 2024 ngành điện tử hoặc các chuyên ngành liên quan, hưởng mức lương trên 2.000 USD/tháng. Còn theo khảo sát của Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, lương cho nhân sự thiết kế vi mạch mới ra trường trung bình khoảng 15 triệu đồng/người/tháng, cho kỹ sư có 1-3 năm kinh nghiệm là 15-30 triệu đồng/người/tháng, cho kỹ sư có hơn 6 năm kinh nghiệm là 600 triệu đến 1 tỉ đồng/người/năm, cho kỹ sư có từ 10 năm kinh nghiệm trở lên là hơn 1,5 tỉ đồng/người/năm. Minh Tuệ |
Nhân lực tham gia càng đông càng tốt Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhưng chỉ có 3-5 năm để nắm bắt, nên cần đào tạo nhanh, đông và có chất lượng tốt. Chúng tôi nghĩ phải tập trung đào tạo ngắn hạn, có thể cho những người có bằng cấp nhất định đi làm việc ở nước ngoài, đào tạo bổ sung cho những người có bằng cấp sẵn rồi sắp xếp công việc cho họ ở trong và ngoài nước. Ở tầm nhìn quốc gia, chúng tôi mong muốn số người Việt làm việc trong lĩnh vực này càng đông càng tốt, để góp phần khẳng định tên tuổi Việt Nam trong ngành công nghiệp này trên quy mô toàn cầu. Chúng tôi đang làm việc với các công ty Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), công ty nước ngoài đã đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam để nhanh chóng cung cấp nhân lực đúng theo nhu cầu của họ về số lượng và chất lượng. Chúng tôi cố gắng hình thành mối quan hệ với 10 đối tác và sau 1 năm thì có thể cung ứng cho họ 1.000 người do FPT đào tạo. Chúng tôi mong muốn người tốt nghiệp có môi trường làm việc toàn cầu, không chỉ phục vụ cho các nhà máy ở Việt Nam. Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Đại học FPT |
Việt Nam có thế mạnh đào tạo nhưng số lượng còn ít Việt Nam có khoảng 5.000-6.000 người đang làm trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn nhưng số được đào tạo ĐH ít, mỗi trường có khoảng vài chục sinh viên. Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) sẽ có kiến nghị với Chính phủ về việc tập trung đào tạo nhân lực cho mảng thiết kế và kiểm thử. Chúng ta sẽ mời nhiều chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp trong hiệp hội có mong muốn tham gia lĩnh vực này. Đối với mảng sản xuất, chúng tôi đang mời gọi đối tác quốc tế đến Việt Nam với lời tự giới thiệu rằng Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của nhà sản xuất chip thế giới. Việt Nam có thể cung cấp điện sạch, giảm phát thải, có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA |
Ngọc Minh Tâm