Hưởng lợi to, ngân hàng dễ dàng cho vay tiền mua mỹ phẩm

15/05/2020 - 06:43

PNO - Công ty bán mỹ phẩm Deaura và ngân hàng hợp tác với nhau để đôi bên cùng hưởng lợi. Tiền lãi vay của khách hàng từ một đơn vị phân phối, kinh doanh mỹ phẩm Deaura lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm. Trong khi đó, khách hàng của công ty kinh doanh mỹ phẩm phải khốn đốn vì bỗng dưng bị mắc một khoản nợ lớn.

Công ty bán mỹ phẩm Deaura và ngân hàng hợp tác với nhau để đôi bên cùng hưởng lợi. Tiền lãi vay của khách hàng từ một đơn vị phân phối, kinh doanh mỹ phẩm Deaura lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm. Trong khi đó, khách hàng của công ty kinh doanh mỹ phẩm phải khốn đốn vì bỗng dưng bị mắc một khoản nợ lớn.

Hai bên có hợp đồng hợp tác

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, gần đây, cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TPHCM đã nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến việc vay tiền Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua mỹ phẩm Deaura. 

Hồ sơ vay tiền ngân hàng mua mỹ phẩm khá đơn giản
Hồ sơ vay tiền ngân hàng mua mỹ phẩm khá đơn giản

Từ năm 2017 đến nay, Báo Phụ Nữ TPHCM cũng nhận được đơn kêu cứu của hàng trăm người sau khi họ mua mỹ phẩm Deaura. Có những trường hợp gia cảnh khó khăn, bản thân bị bệnh tai biến, lại phải trả khoản nợ lớn do bị dụ ký vào hồ sơ vay tiền ngân hàng để mua mỹ phẩm Deaura.

Chị T.T.T. (Q.1, TPHCM) cho biết: “Hợp đồng vay tiền của tôi được ký lúc nửa đêm. Trong bản “thông báo cho vay” và “giấy đăng ký kiêm hợp đồng cho vay” với số tiền 43 triệu đồng, chỉ có chữ ký của chị tôi và chữ ký của một nhân viên chứ không có dấu mộc của ngân hàng”.

Ngoài ra, rất nhiều người cho biết, họ bị kê khống thu nhập trong hợp đồng vay tiền, nhưng phía ngân hàng vẫn cho vay mà không cần kiểm tra. Họ cho rằng, việc VPBank dễ dàng duyệt vay khi mua mỹ phẩm Deaura đã đẩy họ và cảnh nợ nần. 

Theo giới thiệu trên trang Deaura.vn, có 9 đơn vị là “đại lý kinh doanh và phân phối sản phẩm Deaura”. Trong số đó, có địa chỉ 22 Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM, là nơi ba năm nay vẫn kinh doanh mỹ phẩm Deaura nhưng đã ba lần đổi tên sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM phản ánh và cơ quan chức năng xử phạt. Hiện nay, tại đây đề bảng hiệu “Trung tâm Venesa Lê Thánh Tôn - chi nhánh Venesa Hồ Chí Minh - Công ty TNHH Venesa”. Theo tài liệu chúng tôi có được, Công ty TNHH Venesa (CT Venesa) có trụ sở tại Q.Đống Đa, TP.Hà Nội.

Theo xác minh của Cục Thuế TP.Hà Nội, CT Venesa có ký hợp đồng hợp tác với VPBank về triển khai chương trình cho vay không có tài sản đảm bảo cho khách hàng của công ty. Ngân hàng này sẽ chuyển số tiền vay này đến tài khoản của CT Venesa chứ không chuyển trực tiếp cho cá nhân vay vốn. Hằng tháng, VPBank thông báo lãi của khách hàng vay vốn tín chấp cũng như xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho CT Venesa.

Theo số liệu từ Cục Thuế TP.Hà Nội, trong ba năm qua, số tiền CT Venesa trả lãi vay của các cá nhân cho VPBank liên tục tăng, cho thấy lượng khách hàng vay tiền mua mỹ phẩm cũng tăng. Trong đó, lãi vay năm 2018 và 2019 là trên 120 tỷ đồng. CT Venesa đã hạch toán lãi vay vào chi phí bán hàng để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ.

Kiểu liên kết giống đa cấp

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - việc liên kết cho vay giữa ngân hàng và công ty bán mỹ phẩm Deaura giống như hình thức đa cấp, chỉ khác ở chỗ có sự kết nối của ngân hàng cho người dân vay mua sản phẩm. Đây không phải là hình thức lừa đảo mà là “tiền trao cháo múc”. Tuy nhiên, hình thức này lại đẩy người dân vào tình trạng nợ nần. 

Chị M.T. bị “truy nã” sau khi vay tiền mua mỹ phẩm Deaura
Chị M.T. bị “truy nã” sau khi vay tiền mua mỹ phẩm Deaura

Trong sự liên kết này, các bên đều chịu nhiều rủi ro, nhưng rủi ro nhất thuộc về khách hàng. Sở dĩ VPBank dễ dàng cho vay với hợp đồng đơn giản và không sợ rủi ro (khách hàng mất khả năng chi trả) vì giải ngân trực tiếp cho công ty mà không thông qua khách hàng. Rất có thể, mỹ phẩm này độc quyền, được ấn định giá cao gấp nhiều lần giá trị thực. 

Chẳng hạn, bộ mỹ phẩm có thể chỉ có giá khoảng 20 triệu đồng/bộ, nhưng phía công ty bán hàng nâng giá lên 45 triệu đồng/bộ. Khi khách mua bộ mỹ phẩm này, thay vì phải giải ngân 45 triệu đồng cho khách hàng, ngân hàng chỉ giải ngân 20 triệu đồng cho công ty. Với phần 25 triệu đồng còn lại, sau khi thu đủ từ khách vay, ngân hàng có thể còn được công ty chia lại phân nửa. Như vậy, bên bán hàng và ngân hàng đều lời một khoản không nhỏ, cộng với lợi nhuận từ lãi suất cho vay mà VPBank thu được. 

“Thậm chí, khi khách hàng trả nợ được một phần, sau đó mất khả năng chi trả, phía ngân hàng và công ty cũng không lỗ vì đã thu được không ít từ việc nâng giá bộ mỹ phẩm. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp kinh doanh, họ đã tính toán phương án để phòng rủi ro nên mới dễ dàng cho vay như vậy” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Cho vay để mua mỹ phẩm là hình thức cho vay tín chấp. Do đó, khi người mua mất khả năng trả nợ, phía ngân hàng có quyền đưa khách hàng ra tòa. Lúc này, người dân có thể bị tòa án yêu cầu lấy tài sản để thanh lý, trả cho ngân hàng, dù ngân hàng đã thu được tiền lời từ việc cho khách vay trước đó. Để tránh rủi ro, trước khi mua sản phẩm, cần tìm hiểu xem sản phẩm này được Bộ Y tế cấp phép hay chưa, giá bán trên thị trường bao nhiêu, có đảm bảo tính an toàn cho người dùng hay không. Khi vay ngân hàng, cần hiểu rõ hợp đồng vay, số tiền vay là bao nhiêu, lãi suất thế nào, thời hạn vay bao lâu, nếu không trả được nợ thì ngân hàng có biện pháp gì. 

Giả mạo lệnh truy nã để hăm dọa khách hàng

Ngày 5/5, chị M.T. (H.Cần Giờ, TPHCM) đã tìm đến Báo Phụ Nữ TPHCM kêu cứu sau một thời gian dài bị đe dọa, bôi nhọ và phát “lệnh truy nã”. Chị T. cho biết, hiện chị đang có dấu hiệu rối loạn tâm lý do trầm cảm lo âu khi bị “khủng bố”, sau khi vay tiền mua mỹ phẩm Deaura.

Tháng 10/2019, chị M.T. nhận được cuộc gọi mời đến Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Freyja ở 22 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM (nay đổi tên thành Trung tâm Venesa Lê Thánh Tôn - chi nhánh Venesa Hồ Chí Minh - Công ty TNHH Venesa) để “trải nghiệm chăm sóc da”. Khi đến đây, chị bị dụ vay 43 triệu đồng của VPBank để mua mỹ phẩm Deaura. “Khi mua xong, tôi không hiểu vì sao mình lại chấp nhận vay tiền mua bộ mỹ phẩm mấy chục triệu đồng đó nữa. Tôi có liên hệ trả lại nhưng công ty không đồng ý” - chị M.T. kể.

Sau lần đó, chị M.T. vẫn đều đặn trả tiền gốc và lãi vay ngân hàng. Sau bảy kỳ trả tiền, đến tháng 12/2019, chị không trả nữa nên bị thông báo nợ xấu. Ngay sau đó, có một đơn vị xưng là “truy thu nợ xấu” liên tục nhắn tin, gọi điện đòi nợ. Khi chị tiếp tục không trả, một thanh niên dọa: “Không cần trả tiền nữa! Tao sẽ bôi nhọ danh dự mày”. Liền đó, chị M.T. liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn đe dọa, đồng thời đăng hình ảnh chị và gia đình lên Facebook với nội dung “vay mượn công ty, không thanh toán khoản vay 30 triệu đồng”.

Ngoài ra, có một trang Facebook phao tin chị M.T. vay tiền để kinh doanh mỹ phẩm nhưng không trả, dọa sẽ đốt nhà và người nhà của chị ở quê cũng sẽ “nhận hậu quả”. Mới đây, người quen của chị M.T. ở H.Cần Giờ còn thấy một tờ rơi với nội dung “Công an TPHCM - Trang thông tin truy nã”, trong đó có hình ảnh chị M.T. và đề cập đến khoản nợ 10 triệu đồng. Chị M.T. nói: “Tôi rất hoảng loạn. Thực chất, tôi không phải nợ nần gì cả mà chỉ liên quan đến khoản vay tiền mua mỹ phẩm Deaura”.

Khi xem hình ảnh “lệnh truy nã” chị M.T., một cán bộ Công an TPHCM khẳng định, “lệnh truy nã” trên là giả mạo và tư vấn: chị M.T. nên nhanh chóng đến cơ quan công an nơi cư trú trình báo sự việc. 

Được biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã chuyển thông tin người dân phản ánh liên quan đến chất lượng mỹ phẩm Deaura do CT Venesa cung cấp cho Thanh tra Bộ Y tế xác minh, giải quyết theo thẩm quyền. Về việc người dân tố cáo CT Venesa lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng, C03 đã xác minh và cho rằng, không có căn cứ xác định việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời trên báo cáo tài chính thể hiện việc CT Venesa có kê khai nộp thuế theo quy định.

Theo tài liệu chúng tôi có được, từ tố cáo của người dân ở TPHCM, Cục Thuế TP.Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt CT Venesa với lỗi vi phạm hành chính về hóa đơn là “xuất hóa đơn không đúng thời điểm”. Đáng nói, hồi tháng 3/2019, từ tố cáo của người dân, Chi cục Thuế Q.1 (TPHCM) đã xử phạt Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Freyja (22 Lê Thánh Tôn) hơn 15 triệu đồng do các lỗi vi phạm về hóa đơn.

Hoàng Lâm - Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI