Sáng 25/4, khi được tin chị Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù, đột ngột qua đời ở tuổi 47, cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM đã vô cùng bàng hoàng, xúc động.
Không xót xa sao được, khi hơn 20 năm qua, trên đôi chân khập khiễng, chị Hướng Dương đã miệt mài đến trường Nguyễn Đình Chiểu, cùng thầy cô, truyền nghị lực cho biết bao thế hệ học trò khiếm thị, khiếm thính và đa tật.
|
Đứng lên từ đôi chân không lành lặn sau tai nạn, chị thấu hiểu và luôn truyền lửa cho người khuyết tật |
Có giọng nói ngọt ngào, chị Hướng Dương luôn bị các em nhỏ mè nheo kể chuyện, đọc sách cho nghe. Vốn là phát thanh viên trước khi bị tai nạn, chị nghĩ ngay đến việc ghi âm lại sách, truyện tặng học sinh mù mỗi khi có dịp. Xuất phát từ tấm lòng với trẻ nhỏ, cùng sự yêu thích nghề trước đó, chị nghĩ đến một thư việc sách nói dành cho người mù.
“Thư viện sách nói được thành lập, cũng là lúc em ấy đã miệt mài đọc, học sinh cần sách nào, Hướng Dương quyết tâm đọc cho xong. Ngồi trong phòng thu nóng bức, mồ hôi nhễ nhại, cặm cụ mang tai nghe đến nỗi có thời gian Hướng Dương bị bệnh nấm da đầu khiến tóc rụng hết.
Suốt mấy năm liền em ấy phải sử dụng tóc giả nhưng không rời phòng thu. Từ đó đến nay, trường nhận được vô số sách nói từ Hướng Dương, học sinh cũng vì thế tiếp cận kiến thức chủ động hơn, học tập tốt hơn”, cô Vân xúc động.
|
Cô Hà Thanh Vân cùng chị Hướng Dương đã có hơn 20 năm cùng đồng hành, gắn bó nên dành cho nhau rất nhiều tình cảm. |
Tự đứng lên bằng đôi chân gỗ sau một tai nạn giao thông, cô hướng dẫn viên du lịch khi ấy chỉ mới 25 tuổi buộc phải biết rằng, phải hiểu được giá trị bản thân, mỗi người mới có thể bước vào đời bằng khả năng của chính mình. Thế nên, ngoài việc trò chuyện cùng học sinh, chị còn tổ chức những chương trình hết sức thiết thực để học trò khiếm thị, đa tật tự tin hơn khám phá năng khiếu và hòa nhập.
Không dừng lại ở đó, chị Hướng Dương đã liên kết mạnh thường quân để học trò tại đây được đi biển trong chương trình Thắp sáng niềm tin, khám bệnh cho người mù qua Sưởi ấm niềm tin, hơn 100 suất học bổng Ánh Sen mỗi năm,… Gần đây nhất, cuộc thi cờ vua cho học sinh khiếm thị là chương trình cuối cùng chị để lại cho đời.
|
Chị Hướng Dương được xem như thành viên của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Mỗi dịp lễ, tết, khai giảng năm học mới tại trường, chị đều có mặt. |
|
Giải cờ vua dành cho học sinh khiếm thị ngày 22/4 vừa qua là chương trình cuối cùng mà chị Hướng Dương tổ chức. |
Chính vì vậy, nghe tin chị đột ngột qua đời, cả thầy và trò Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đều xúc động.
Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Như nói: “Cô Hướng Dương có giọng nói hay lắm, cô thân thiện và dễ gần. Có thời gian em rất mặc cảm khi mình là người khiếm thị, nhưng từ khi cô Hướng Dương đến trường. Qua những câu chuyện em biết về cô, em rất cảm phục.
Từ cô, em hiểu rằng trên cuộc đời không ai biết chọn được số phận, nhưng ai cũng có quyền quyết định hướng đi của mình. Em yêu thích hát và nhờ cô, em đã tự tin vào chính mình, cùng các bạn biểu diễn ở nhiều chương trình. Em muốn nói với cô, em biết ơn về những gì cô đã làm cho chúng em trong suốt thời gian qua”.
|
Em Lê Nguyễn Duy An và học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu hát cùng chị Hướng Dương trong chương trình từ thiện. |
Em Lê Nguyễn Duy An buồn bã: “Em biết cô Hướng Dương từ khi em đến trường. Cô đọc rất nhiều sách cho chúng em, từ sách giáo khoa đến sách truyện, sách nào cô cũng đọc. Giọng cô truyền cảm, tùy theo mỗi cuốn sách mà cô có cách thể hiện khác nhau.
Cô còn có nhiều quỹ học bổng giúp chúng em có điều kiện để học tập. Cô còn phối hợp cùng thầy cô ở trường và các mạnh thường quân, tổ chức cho tụi em những chuyến đi chơi học tập ở Vũng Tàu rất hay và bổ ích. Cô ra đi là một tổn thất rất lớn về tinh thần đối với những người khiếm thị đã được cô giúp đỡ trong những năm qua”.
Trong một bức thư gửi đến chị Hướng Dương, cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu có viết:
“Tôi còn nhớ lần Hướng Dương đến trường, em khập khiễng đi trên đôi chân gỗ. Bước vào trường, em cười, em nói, em đọc những câu chuyện cho học sinh mù. Chỉ cần nghe tiếng em, học sinh mù lại nhao nhao gọi tên em. Rồi các em ấy, chốc chốc, cứ nhích lại gần, đòi ngồi sát bên em để sờ chân, sờ tay, sờ mặt cô Hướng Dương, khi em đọc những câu chuyện nhỏ trong những tờ báo mà em mang theo.
Trước khi thành lập Thư viện sách nói dành cho người mù, em miệt mài đến trường Nguyễn Đình Chiểu và ngồi trong căn phòng oi bức ngột ngạt để thu âm sách nói trên chiếc đài cattsette nhỏ xíu. Trong này em mồ hôi nhễ nhại đọc, ngoài kia học sinh đứng chờ từng cuốn băng có giọng đọc của em.
Thầy và trò mừng rỡ, tài liệu cứ thế, chồng chất gửi đến em, chỉ vài ngày sau là sách in đã thành sách nói. Với vô số đầu sách em đã đọc, học sinh mù tự tin bước vào cánh cổng đại học ngày càng nhiều.
Thư viện sách nói thành lập được 20 năm rồi, mỗi năm có hàng chục tình nguyện viên cùng em hòa giọng vào trang sách. Hàng trăm, sinh viên mù nhận học bổng Hướng Dương, máy vi tính, hàng ngàn học sinh mù nhận học bổng Ánh Sen, hàng triệu người mù khắp cả nước nhận được sách nói hàng tháng… mà em thấy như vậy vẫn còn quá ít.
Em khởi động chương trình chiếu phim cho người mù, cuộc thi cờ vua cho người mù. Em thắp sáng niềm tin để đưa trẻ mù đi biển hàng năm, em sưởi ấm niềm tin với chương trình khám bệnh cho người mù hàng năm. Em đứng dậy và bước đi để làm điểm tựa cho người mù vượt qua bóng tối.
Hành trình còn dài lắm. Hướng Dương ơi, đi về phía mặt trời em nhé!”.
|
Phạm An