edf40wrjww2tblPage:Content
18 năm tự chữa lành vết thương từ lằn roi nghiệt ngã của số phận, cái tên Hướng Dương đã trở thành biểu tượng của nghị lực sống, là người thực hiện sứ mệnh cao cả vì hạnh phúc người mù như tên gọi tấm huân chương mà cô được trao tặng; được trân trọng với vai trò Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị. Bây giờ, cái tên ấy lại khiến bao trái tim rung lên đầy cảm xúc với tự truyện Đứng dậy và bước đi do NXB Hồng Đức ấn hành.
.png)
Tác giả Hướng Dương trao tặng tượng trưng 500 quyển Đứng dậy và bước đi
cho thầy Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist
* Vì sao mãi đến 18 năm chị mới viết lại câu chuyện của mình?
Hướng Dương: Nhiều lần tôi mang câu chuyện của mình chia sẻ với các em khuyết tật, có em đã hỏi tôi: Chị ơi sao chị không có chân mà vẫn cười vui quá vậy? Câu hỏi đơn giản vậy thôi nhưng tôi biết mình có nói gì cũng chẳng thể chuyển tải hết được những điều muốn nói. Có người bạn bảo Hướng Dương phải viết tự truyện đi. Tôi không phải là người sáng tác, viết lách nên việc viết một cuốn sách cảm giác như vượt quá sức mình. Tôi sợ mình không thể viết trôi chảy, lo lắng câu chuyện viết ra liệu có giúp ích được gì cho ai không. Tôi cần một sự chín muồi, cần thời gian để lòng mình tĩnh tại thanh thản, chuyển hóa được khổ đau và chấp nhận thực tại. Tôi muốn viết khi lòng mình đã yên.
* Nhưng chị có còn đau đớn khi từng đêm phải tự cày xới lại ký ức khốc liệt của chính mình?
- Ký ức là thứ đáng sợ nhất. Tôi đã từng thực tập thiền định để quên quãng đời tươi đẹp mình từng có, quên nỗi đau mình đang mang. Tôi buộc mình không được nghĩ về quá khứ, cũng không được nghĩ đến tương lai. Tôi sẽ chỉ có hiện tại để sống. Mỗi lúc tôi “xử lý” từng ký ức một, để được thanh thản nhẹ nhàng. Khi lục lọi trong tận cùng những ngõ ngách đau đớn cảm xúc mà mình khó khăn lắm mới vượt qua được, nhiều đoạn tôi vừa viết mà nước mắt ròng ròng. Rất nhiều lần tôi phải dừng lại, tự nói với chính mình: hãy để quá khứ quay trở lại, chỉ khóc thêm một lần rồi thôi sẽ không bao giờ khóc nữa.
* Vậy mà trong buổi ra mắt cuốn sách tại Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist vào sáng 4/11, chị lại rơi nước mắt…
- Trước khi bị tai nạn, tôi cũng rất nhiều lần khóc vì những chuyện không vui nhỏ nhặt. Nhưng sau này, tôi hiểu ra rằng giọt lệ huyền diệu nhất trong cuộc đời này chính là khi dành cho hạnh phúc. Đối diện với nỗi đau quá sức chịu đựng, tưởng chừng không còn nước mắt, vậy mà khi nghe một em khiếm thị vào thăm nói rằng, chị ơi em có hai chân, chị cứ nói bác sĩ cưa một cái gắn vào cho chị, vậy là chị có một chân em có một chân, có thể đi chơi với nhau được rồi.
Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi nợ ân tình của nhiều người đến hết cuộc đời cũng không thể nào quên. Đó là chú Đặng Kim Sơn - người đã phát hiện ra tôi khi tôi vừa bị tàu lửa cán, là thầy Trần Văn Hùng, chú Thanh Khiết đã dốc hết tiền đóng viện phí cho tôi cấp cứu kịp thời, là những người đã truyền máu cứu sống tôi. Dòng máu đang chảy trong cơ thể tôi là nghĩa tình của rất nhiều người… Bây giờ tôi có thể nói rằng, vết thương lòng của tôi đã được chữa lành, nếu có khóc, đó cũng là những giọt nước mắt hạnh phúc.
* Có bao giờ chị tự dày vò với câu hỏi về duyên - nghiệp, rằng “kiếp trước con đã gieo gì để kiếp này con phải gặt”?
- Tôi đã từng giằng xé tự hỏi tại sao mình phải chịu đựng tai nạn đau đớn như vậy? Tại sao tôi sống hiền lành, từ nhỏ đến lớn chưa làm gì sai trái lỗi đạo, không sát sinh mà phải gánh tai ương? Tôi không chịu đựng nổi sự thật, cứ hỏi mãi và đi tìm câu trả lời. Rồi tôi đổ lỗi cho kiếp trước chắc mình làm nhiều điều ác nên kiếp này mới bất hạnh. Vậy cũng đáng đời lắm chứ, gieo gì gặt nấy.
Tôi nương nhờ vào luân hồi để tự cởi trói sợi dây u uất trong tâm hồn mình, dù tôi có biết kiếp trước mình đã làm gì đâu. Rồi tôi lại nghĩ tiền kiếp, ắt tôi cũng phải xuất gia đi tu thì kiếp này mới gặp được Phật pháp cứu rỗi. Thôi thì không than thân trách phận, không đày ải mình, xem như là tôi trả nghiệp. Khi mình vui vẻ, chấp nhận an trú trong hiện tại thì mọi nghiệp quả cho dù có nặng đến đâu cũng đều nhẹ như lông hồng.
* Nhưng cuộc đời song hành với nghiệp vẫn là duyên. Chị có tin vào số phận và duyên may?
- Đôi lúc tôi nghĩ cuộc đời mình là sự sắp đặt của số phận. Lúc bị tai nạn, tôi không nghĩ mình sẽ làm sách nói. Đầu óc tôi u uẩn ý nghĩ đi đứng còn không được thì làm được gì. Nhưng rồi số phận đã cho tôi đến với trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Nhìn thấy nét mặt hồn nhiên sung sướng của các em mỗi khi được nghe sách nói, tôi thấy ý nghĩa của cuộc sống mình là ở đây, làm công việc này, sống và chia sẻ cùng với các em. Nếu tôi đánh đổi đôi chân để các em khiếm thị có được tri thức thì tôi cũng không có gì phải hối hận cả.
* Bây giờ Hướng Dương có giữ cho riêng mình giấc mơ nào về hạnh phúc và tình yêu cho cuộc đời mình?
- Có lẽ xin mượn hai câu thơ của cụ Nguyễn Du thay cho câu trả lời: “Sự đời đã tắt lửa lòng - Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi” (cười).
* Xin cảm ơn chị!
TIỂU QUYÊN (thực hiện)
Đứng lên nhé, Hướng Dương!  Thầy Trần Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist cho biết, Hướng Dương ngày ấy là một sinh viên xuất sắc, làm MC cũng rất giỏi, nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga và có thể giả giọng bất cứ vùng miền nào. “Một cô gái hồn nhiên, đầy triển vọng nhưng sau tai nạn, nằm chịu đựng cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần trong bệnh viện. Hướng Dương cứ nói với tôi “xin cho con được chết đi”. Lúc đó tôi chỉ có một chiếc máy ảnh cũ, ngày nào tôi cũng chụp cuộc sống bên ngoài mang vào giường bệnh cho Hướng Dương xem. “Con thấy không, cuộc sống thật tốt đẹp, phải sống, phải đứng lên nhé Hướng Dương!”. Cuốn sách này là nỗi đau, là số phận của Hướng Dương và cũng là một bài học rất quý giá cho tất cả chúng ta” - ông nói. |