Hướng đi căn cơ cho xuất khẩu gạo

01/04/2024 - 06:37

PNO - Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 8,1 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 4,7 tỉ USD. Đây là mức kỷ lục về lượng, giá trị, giá bán sau 34 năm Việt Nam quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 1,08 triệu tấn, thu hơn 735,5 triệu USD với giá trung bình hơn 684 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo tăng trưởng 20,4% về lượng, 55,7% về kim ngạch và 29,4% về giá bán. Gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường khó tính. Dự báo 2024 sẽ là năm tiếp theo xuất khẩu gạo nước ta vượt 8 triệu tấn, mang về khoảng 5 tỉ USD khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm, các nước gia tăng nhập khẩu.

Tuy nhiên, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau. Thị trường lương thực thế giới vẫn luôn chứa đựng nhiều biến động, cạnh tranh thương mại ngành hàng lúa gạo - đặc biệt là giữa các cường quốc xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam - vẫn diễn ra gay gắt. Ngoài ra, thị trường còn có sự tham gia của tốp 10 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, bao gồm Pakistan, Mỹ, Trung Quốc, Myanmar, Campuchia… Vì vậy, cơ chế, chính sách điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam phải chủ động, linh hoạt, tăng sức cạnh tranh. Theo đó, cần nắm chắc diễn biến thị trường lúa gạo toàn cầu, dự báo cung cầu lúa gạo thế giới, đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trong nước để xuất khẩu gạo có lợi nhất chứ không phải vì vị trí cao nhất.

Cần tận dụng thời cơ thị trường, nhưng quan trọng hơn là không ngừng hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu gạo theo hướng khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng cao chất lượng, yêu cầu thương nhân xuất khẩu gạo phải liên kết với người trồng lúa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo.

Xuất khẩu gạo chỉ là đầu ra, phụ thuộc nhiều ở đầu vào và quá trình vận hành của chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Xét tổng thể, nhiều năm qua, ngành hàng lúa gạo nước ta đã bị chặt ra thành nhiều khúc theo kiểu mua đứt, bán đoạn nên người này được thì người kia mất. Khi giá vật tư nông nghiệp, giá dịch vụ đầu vào tăng, lợi cho doanh nghiệp thì gánh nặng sản xuất lại bị đẩy về phía nông dân. Ngược lại, khi lúa trúng mùa, được giá, nông dân mừng thì doanh nghiệp than lỗ do đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá thấp, lại phụ thuộc thương lái. Chính vì vậy, khi giá gạo tăng, thị trường trong nước lại diễn biến tiêu cực. Ở một số địa phương, đã xuất hiện tình trạng gom lúa ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý, không có lợi cho xuất khẩu.

Ngành kinh tế lúa gạo đang được tiếp cận theo tư duy khác trước, đánh dấu một bước chuyển có tính lịch sử từ đơn ngành, đơn giá trị sang kết nối đa ngành, tích hợp đa giá trị để mang lại nhiều nguồn thu nhập, nhiều lợi ích, cân bằng lợi ích dựa trên 3 trụ cột phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Do đó, cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để ngành hàng lúa gạo - trong đó có xuất khẩu gạo - phát triển bền vững trong tương lai. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa trên việc khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Bài toán phát triển cây lúa và thu nhập của người trồng lúa cần được đặt trong bức tranh tổng thể của nền nông nghiệp thông minh và nông thôn hiện đại. Vì vậy, cái chúng ta đang cần là quy mô sản xuất lớn hơn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp hơn, kết hợp chế biến sâu, đổi mới sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị hơn từ hạt lúa.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI