Hướng dẫn sơ cứu vết thương ở ngón tay nếu ngại đến bệnh viện ngày đầu năm

27/01/2020 - 19:30

PNO - Vết thương nông ở ngón tay thường tự cầm máu và khỏi nhưng nếu sơ cứu ban đầu sai lầm sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu.

 

Ngày Tết, nhiều người thường bị chảy máu nông ở ngón tay do quá trình sinh hoạt hàng ngày như: làm thức ăn, sửa chữa vật dụng, vô tình va chạm vật sắc nhọn…. Đa phần, vết thương nông sẽ cầm máu và tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu người bệnh xử lý ban đầu không đúng sẽ có nguy cơ nhiễm trùng làm vết thương, rất nguy hiểm.

Thế nào là vết thương nông ngón tay?

Vết thương kích thước nhỏ, chảy máu chậm và ít, mô thịt không dập nát, cử động ngón tay bị thương bình thường. Nếu có bất cứ các dấu hiệu khác và bất thường không rõ thì nên xem đó là vết thương sâu, cần sơ cứu ngay và đưa đến các cơ sở y tế để kiểm tra.

Các bướu sơ cứu ban đầu vết thương nông ngón tay

Làm sạch: Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối trong 5 - 10 phút, loại bỏ tất cả bụi bẩn hoặc mảnh vụn có trong vết thương. Nếu chấn thương là do dị vật đâm sâu vào thì không nên tự ý rút ra hoặc tác động lực trực tiếp lên chúng. Trong trường hợp này, nên quấn khăn vải lại thành vòng đệm xung quanh dị vật và chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế để có đầy đủ dụng cụ y khoa chuyên môn.

Cầm máu: Dùng một miếng băng hoặc vải sạch đắp nhẹ nhàng lên vết thương, đồng thời tác động lực ép trực tiếp để cầm máu.

Băng kín: Sử dụng băng, gạc vô trùng, băng keo cá nhân băng vết thương; song cần lưu ý không buộc quá chặt gây cản trở lưu thông máu và khiến nạn nhân khó chịu.

Theo dõi: Nếu bạn thấy các dấu hiệu như: vết thương không lành, vùng bị thương sưng đỏ lan rộng, đau nhiều hơn, có mủ hoặc xuất hiện sốt... có thể cảnh báo nhiễm trùng.

Đối với các vết thương bẩn (vật va chạm là kim loại, dính bẩn, hiện trường bị thương dơ bẩn…) , vết thương do động vật gây ra thì phải đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm ngừa.

Tuyệt đối không nên bôi, đắp các loại thuốc, dung dịch không rõ nguồn gốc, xác bả (các loại cây không rõ, thuốc lá,....) vì sẽ gây nhiễm trùng làm vết thương nặng nề hơn.

Chú ý: Các vết thương sâu ngón tay cũng thực hiện các bước sơ cứu như trên và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

                                           Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Nguyễn Hoàng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 11

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI